Công nhân tại xưởng sản xuất của liên doanh Daimler-BAIC ở Bắc Kinh, Trung Quốc - Ảnh: REUTERS
Ngày 22-5, Bắc Kinh tung ra thêm 3.750 tỉ NDT (526 tỉ USD) trái phiếu địa phương, bên cạnh 1.000 tỉ NDT (140 tỉ USD) trái phiếu trước đó, nhằm hỗ trợ nền kinh tế hậu đại dịch COVID-19 từ virus corona chủng mới.
Theo ông Fickling, câu hỏi tối quan trọng sau khi Bắc Kinh công bố kế hoạch trên là liệu Trung Quốc có thể tiếp nhận bao nhiêu biện pháp kích thích kinh tế nữa trong giai đoạn hiện tại.
Trung Quốc từng tung ra gói kích thích 562 tỉ USD nhằm đối phó cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và tạo tiền đề để chuyển mình trong thập kỷ tiếp theo. Vào những năm 2000, quốc gia này thu hút chuỗi cung ứng toàn cầu nhờ nguồn lao động giá rẻ của mình.
Nay Trung Quốc đang dần trở thành một cường quốc thu nhập trung bình với thị trường tiêu thụ lớn và cơ sở hạ tầng hiện đại. Tuy nhiên, ông Fickling nhận định việc cố gắng thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế sau COVID-19 bằng các kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng có thể là sai lầm.
Uổng công đầu tư
"Trung Quốc đã đầu tư quá xa xỉ vào cơ sở hạ tầng trong thập kỷ qua, đến mức nguồn vốn công cộng của họ giờ đây đã vượt mức cơ sở theo đầu người của Đức, Tây Ban Nha, Hàn Quốc hoặc Vương quốc Anh - mặc dù sản lượng kinh tế vẫn thấp hơn nhiều lần", ông Fickling viết.
Theo ông, việc tiếp tục chi thêm ngân sách khó lòng đem tới hiệu ứng như trước đây cho GDP của Trung Quốc, thậm chí có thể khiến tỉ suất hoàn vốn của các dự án đầu tư trong tương lai sụt giảm. Nếu không giải quyết được nguồn lao động đang dần thu hẹp và năng suất suy giảm, kế hoạch này có thể gây ra tình trạng đình trệ kinh tế cần nhiều thập kỷ để giải quyết.
Trong giai đoạn đầu của công nghiệp hóa, lực lượng lao động của một quốc gia được xây dựng qua quá trình di cư từ nông thông lên thành thị và tuổi thọ của người dân tăng lên. Trong khi đó, các cơ sở hạ tầng mới giúp người lao động sản xuất hiệu quả hơn.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại kỳ họp thứ 3, khóa 13 của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc - Ảnh: REUTERS
Việc Trung Quốc sẵn lòng đầu tư mạnh tay vào cơ sở hạ tầng trong những thập kỷ gần đây cũng xuất phát từ động lực này. Tuy nhiên, ông Fickling cho biết điều này không đồng nghĩa với việc bỏ qua các phân tích về chi phí - lợi ích.
Tăng trưởng nguồn vốn mà không màng tới cải thiện năng lực sản xuất sẽ dẫn đến thất bại trong việc tạo ra tăng trưởng, trong khi lượng nợ và chi phí cho những dự án như thế sẽ vượt qua lợi ích đầu tư.
Dù vậy, ông Fickling nhìn nhận việc Trung Quốc kiềm chế các biện pháp kích thích công nghiệp những năm gần đây là dấu hiệu đáng mừng. Tổng lượng nợ của nước này đang cao gấp 3 lần so với GDP. Trong khi chính quyền trung ương chỉ chiếm một phần nhỏ trong khối nợ đó, các khoản vay của chính quyền tỉnh và địa phương đang đẩy Trung Quốc vào thế khó.
"Điều này đồng nghĩa với tham vọng mạng 5G, trí tuệ nhân tạo cùng các kế hoạch phát triển công nghệ cao khác phải được xem xét thận trọng.
Trung Quốc đã thúc đẩy làn sóng đầu tư công mạnh mẽ để biến mình từ một nước nghèo thành một cường quốc có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, nếu họ không học cách kiềm chế thói quen chi tiêu, sức mạnh từ thu nhập trung bình là tất cả những gì họ sẽ có", ông Fickling cảnh báo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận