22/05/2019 09:20 GMT+7

Đầu tư đại học cho con: Đi tìm con đường ngắn nhất

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Hai lần chọn ngành học, chọn trường, Dương Tuấn Anh vẫn cảm thấy đó chưa phải con đường thực sự mình cần. Tuấn Anh quyết định cho mình một cơ hội nữa, lần này rất thận trọng...

Đầu tư đại học cho con: Đi tìm con đường ngắn nhất - Ảnh 1.

Dương Tuấn Anh phát biểu tại hội thảo ngày 19-5 - Ảnh: CHU HÀ LINH

Dương Tuấn Anh, cựu sinh viên ĐH RMIT Việt Nam, giám đốc nội dung tại Garena, thuộc Tập đoàn SEA Group, từng là một gương mặt xuất sắc về học tập và năng động trong các hoạt động của "cộng đồng RMIT" một thời.

Nhưng tại hội thảo "Đầu tư đại học cho con - Bao nhiêu là đủ?" do RMIT Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 19-5, Tuấn Anh khiến nhiều bậc phụ huynh ngạc nhiên về hành trình đi đường vòng khá xa của mình, chỉ vì một xuất phát điểm sai đường.

Quãng đường vòng

"Tôi từng chọn một trường ĐH có truyền thống về ngoại ngữ ở Hà Nội và cũng chọn một ngành thức thời với nhiều người, theo tư vấn của cha mẹ là tài chính ngân hàng. Nhưng cố học sang năm thứ ba, tôi không còn thấy hứng thú và nhận ra mình không có gì hợp với lĩnh vực đang học" - Tuấn Anh chia sẻ.

Chàng sinh viên này bỏ học giữa chừng, chuyển sang theo đuổi mục tiêu trở thành một vũ công vì Tuấn Anh thích nhảy. Nhưng cũng nhanh chóng Tuấn Anh hiểu đó cũng không phải cái đích cuối cùng.

"Tôi không muốn theo hẳn một ngành nghệ thuật, nhưng thích một công việc cho mình sự sáng tạo và cũng cần tư duy logic, tôi muốn có một môi trường học tập và làm việc sau này phát huy được sự năng động, những kỹ năng mềm và khả năng ngoại ngữ. Và cuối cùng thì cha mẹ đã đồng ý cho tôi lựa chọn thêm lần nữa ở tuổi 24" - Tuấn Anh nói.

Tuấn Anh kể anh lại bắt đầu ở môi trường học tập mới với những sinh viên kém mình đến 5-6 tuổi. Con đường vòng khiến anh mất một khoảng thời gian kha khá. Nhưng may mắn, Tuấn Anh đã đúng ở lần lựa chọn thứ ba.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ bên lề hội thảo, Tuấn Anh cho biết vì đã mất một quãng đường vòng nên anh không chọn chương trình trao đổi sinh viên của RMIT (có một thời gian học tập tại Úc), một lựa chọn đang được nhiều sinh viên ưu tiên, mà học toàn bộ chương trình tại Việt Nam để rút ngắn thời gian, ra trường vào năm 26 tuổi.

Nhưng bù lại, theo Tuấn Anh: "Môi trường học mới tôn trọng sự khác biệt, phát huy tối đa sở trường của mỗi sinh viên, trao cho họ sự tự chủ, linh hoạt để bứt phá và có những trải nghiệm tốt để tự tin hơn vào đam mê của mình".

Đó là một sự đầu tư mà theo Tuấn Anh giúp anh có được cơ hội nối tiếp cơ hội trong công việc. Thông điệp Tuấn Anh muốn chia sẻ với nhiều phụ huynh cũng là: "Hãy cố gắng tìm con đường ngắn nhất".

Hồi đó nhiều người nghĩ RMIT là trường cho con nhà giàu và thi trượt trường khác thì mới vào đây.
BTV Nguyễn Thu Hà

Gỡ bỏ "định kiến"

Thật khó tin khi nói những trường ĐH quốc tế như RMIT Việt Nam hay một số chương trình liên kết đào tạo quốc tế trong các trường ĐH lớn ở Việt Nam hiện nay cũng bị gắn mác "định kiến". Tại hội thảo, câu chuyện về định kiến "trường con nhà giàu" và "có trượt ĐH trong nước mới bỏ tiền học ĐH quốc tế" được trao đổi sôi nổi.

Nguyễn Thu Hà, BTV Trung tâm tin tức VTV24 - Đài truyền hình Việt Nam, cũng là một cựu sinh viên Trường RMIT Việt Nam. Thu Hà không phải đi một chặng đường vòng như Tuấn Anh nhưng cô cũng từng có nhiều trăn trở trong việc chọn lối đi nào cho mình.

Từng là học sinh chuyên Anh Trường THPT Chu Văn An - Hà Nội, Thu Hà thừa sức thi vào một trường ĐH trong nước nhưng Hà lại có lựa chọn khác.

"Với cá tính của mình, tôi muốn tìm một môi trường học tập nào đó có thể cuốn hút tôi, tôi còn định không học ĐH, chỉ cần được theo đuổi cái mình thích. Tôi để tâm tìm hiểu các cơ sở du học trong nước.

Môi trường học tập, ngành truyền thông, những kỹ năng mềm được bổ sung là những gì tôi quan tâm khi chọn RMIT. Tôi không phải con nhà giàu, bố mẹ đều làm công chức nhà nước nên khi đó học phí là điều tôi phải cân nhắc. Nhưng khi quyết tâm học, tôi đã tự vạch cho mình một kế hoạch để làm sao ra trường nhanh nhất có thể.

Tôi coi học phí là một khoản đầu tư của bố mẹ mà tôi cần phải cố gắng trong khoảng thời gian nhanh nhất để 'trả nợ'" - Thu Hà kể.

Cũng chia sẻ về nỗi băn khoăn "trường con nhà giàu", bà Trần Thiên Hương, trưởng đại diện Hiệp hội Kế toán Úc tại Việt Nam, người quyết định "đầu tư" cho hai con du học tại chỗ, thừa nhận bản thân từng có những băn khoăn khi con đầu học hết lớp 12.

"Dư luận trong một thời gian dài cho rằng những nơi như RMIT chỉ cần có tiền là vào học, chỉ những ai hẩm hiu không đỗ ĐH trong nước mà có tiền thì mới lựa chọn" - bà Hương cho biết.

Cũng vì điều này mà mặc dù biết con mình phù hợp với môi trường học tập ở trường quốc tế nhưng bà Hương vẫn muốn con thi một trường ĐH khác để "chứng minh không phải đường cùng mới chọn RMIT". Con gái bà đỗ ĐH, nhưng lựa chọn học tại RMIT sau khi đầu tư học thêm tiếng Anh.

Du học tại chỗ không phải là lựa chọn duy nhất chỉ toàn có ưu điểm hiện nay mà mỗi lựa chọn đều có ưu, nhược điểm, có những khó khăn khác nhau. Nhiều phụ huynh cùng con đến buổi hội thảo vẫn có trong tay các lựa chọn khác nhau bên cạnh du học tại chỗ, như đi du học nước ngoài, học ĐH trong nước hay các chương trình liên kết đào tạo.

Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, năm 2018 có khoảng 22.000 thí sinh đỗ một nguyện vọng vào ĐH nhưng không nhập học vì không thích trường đã đăng ký. Tại một số trường ĐH lớn, mỗi năm có hàng trăm sinh viên bị cảnh báo học vụ, bị ngừng học do không đạt yêu cầu, trong đó rất nhiều sinh viên sút kém vì không có động lực học tập, vì nhận ra mình chọn sai đường.

Du học tại chỗ, tại sao không? Du học tại chỗ, tại sao không?

TTO - Đây chính là câu hỏi mà nhiều người học băn khoăn và rất muốn tìm được câu trả lời từ hệ thống các trường có mặt tại Việt Nam.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp