Vào các nhóm Zalo có tên "Đào tạo chứng khoán", "Đầu tư chứng khoán 4.0", "Đầu tư chứng khoán thông minh", "Chiến lược đầu tư chứng khoán hiệu quả"... sẽ luôn thấy các thành viên sôi nổi thảo luận.
Trưởng nhóm còn liên tục gửi thông báo "cổ phiếu hôm nay mua vào bây giờ hãy bán ra toàn bộ, chốt lời ngay lập tức"... khiến người chưa tham gia đầu tư cũng cảm thấy tò mò.
Trong các nhóm cũng tràn ngập các tin nhắn khoe lời, khoe mua nhà, mua xe, ăn uống ở nhà hàng sang trọng...
Mạo danh công ty chứng khoán, "bao lời" 50%/ngày!
"Em là Ngọc Ánh gọi cho mình, bên Công ty CP chứng khoán Hòa Bình", người trong nhóm một Zalo gọi tới giới thiệu với chúng tôi và cho biết công ty đang được Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho phép giao dịch T+1 (nay mua mai bán), chứ không cần đợi dài ngày như các công ty chứng khoán (CTCK) khác.
Để nhận được "đặc quyền", nhà đầu tư phải giao dịch trên "tài khoản nội bộ", thông qua một ứng dụng tải về điện thoại.
Theo người này, "đầu tư vốn càng lớn, lợi nhuận càng cao". Nếu vốn 1 tỉ đồng trở lên sẽ được "thầy" khuyến nghị cho các mã lãi từ 40 - 50% sau một ngày nắm giữ. Còn vốn 500 triệu thì được cho mã có mức lãi khoảng 20%. Vốn dưới 50 triệu thì chỉ được "phím" các cổ phiếu dạng thường, lãi khoảng 10%.
"Việc đầu tư này hoàn toàn không có rủi ro, bên em bù lỗ", người này khẳng định. Theo đó, trong quá trình đầu tư, nếu khách hàng dùng "tài khoản nội bộ" để mua mã chứng khoán được "thầy" khuyến nghị mà bị lỗ sẽ được bù lỗ 100%. Nếu dùng tài khoản khác mua cổ phiếu này sẽ được bù lỗ 10%. Nếu lời thì trả cho "thầy" và công ty 20% phí tư vấn, dịch vụ.
Sau khi chúng tôi đồng ý tham gia, người xưng là Ngọc Ánh gửi qua Zalo một "hợp đồng hợp tác đầu tư", với bên A là Công ty CP chứng khoán tư nhân Hòa Bình, trong đó ghi rõ "khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng, bên A (CTCK) chỉ được sử dụng phần mềm giao dịch Zalo, Telegram, Facebook và thông báo cuộc gọi, không được cung cấp dịch vụ bằng hình thức khác".
Phía công ty cũng "không chịu trách nhiệm về việc gián đoạn dịch vụ do lỗi thiết bị, lỗi liên lạc và các trường hợp bất khả kháng khác". Phía dưới hợp đồng này còn có chữ ký tổng giám đốc và con dấu của Công ty CP chứng khoán Hòa Bình, thay vì Công ty CP chứng khoán tư nhân Hòa Bình như phía trên hợp đồng.
Tuy nhiên, phía Công ty CP chứng khoán Hòa Bình (HBS) khẳng định thời gian gần đây đã bị nhiều đối tượng mạo danh nhân viên, mạo danh lãnh đạo công ty và bị làm giả con dấu, để thực hiện các "hợp đồng hợp tác đầu tư". Nhận thấy sự việc trên "có dấu hiệu lừa đảo", nên HBS đã gửi đơn trình báo đến cơ quan công an.
Nhiều CTCK khác cũng phát đi cảnh báo, cho biết đã nhận được thông tin phản hồi của một số khách hàng về việc bị các tài khoản mạng xã hội mạo danh, bằng cách tạo các website và ứng dụng giao dịch chứng khoán có tên và logo tương tự, để lôi kéo khách hàng thực hiện các khoản đầu tư không hợp pháp, nhằm chiếm đoạt tài sản.
Mất tiền tỉ do tin lời "thầy"
Anh N.X.Sơn (Nghệ An) cho biết khi đang lướt Facebook thì thấy các quảng cáo về khóa học chứng khoán online miễn phí xuất hiện nên cũng nhập thông tin cá nhân vào, sau đó có người liên hệ và thêm vào nhóm trên Zalo. Đều đặn trong khung 20h-21h hằng ngày, anh Sơn và nhiều người khác truy cập vào đường link được các trợ lý gửi cho, rồi cùng nhau học tập về chứng khoán, do "thầy" Tony Nguyễn giảng dạy.
"Vừa vào lớp học tôi đã bị ấn tượng mạnh, vì "thầy" rất giỏi, chuyên môn cao lắm, phân tích và dự báo thị trường rất chuẩn", anh Sơn chia sẻ. Sau một thời gian học tập, một người xưng là trợ lý của "thầy" Tony Nguyễn đã tiếp cận anh, hướng dẫn mở tài khoản chứng khoán nội bộ, khuyến nghị mua cổ phiếu với hứa hẹn lợi nhuận cao, được mua bán trong ngày (giao dịch T+0), giao dịch trên ứng dụng VietDiamondStock.
"Ngày nào trên nhóm Zalo cũng có người khoe lãi lớn nhờ mua theo cổ phiếu được "thầy" khuyến nghị. Nhiều người còn chụp hình tiền lãi nhận về tài khoản ngân hàng. Lúc đầu tôi cũng nghi ngờ, lên trên mạng tìm các từ khóa như "chiêu trò lừa đảo chứng khoán" nhưng không thấy hình thức này, nên cũng yên tâm", anh Sơn cho hay.
Sau khi bỏ ra 35 triệu đồng để "thử" mua cổ phiếu theo khuyến nghị, tài khoản của anh Sơn được cộng thêm khoản lời từ 2 - 7% ngay trong ngày. Thử làm lệnh rút tiền, anh Sơn nhận được cả gốc lẫn lời nên càng tin tưởng. Sau đó, anh Sơn được tư vấn nâng vốn lên để "thầy" cho hưởng đặc quyền nhận mã cổ phiếu chủ lực với mức lãi từ 50% trở lên ngay trong ngày.
Chẳng hạn, cổ phiếu A có giá thị trường 50.000 đồng, "thầy" bán lại cho anh với giá chỉ 25.000 đồng. Chưa tính đến chuyện cổ phiếu này có tăng giá hay không, anh Sơn đã lãi 25.000 đồng. "Thầy" giải thích là đã liên kết với nhiều quỹ khác, thu mua gom cổ phiếu từ lúc giá rất rẻ, nên bán lại cho những người sử dụng tài khoản nội bộ!
Do vậy, anh Sơn nâng vốn đầu tư lên 200 triệu đồng và sau đó là lên 1 tỉ đồng. Ngoài ra, anh còn được một người trong nhóm này mời chào vay ký quỹ (margin) với tổng số tiền 1,4 tỉ đồng (số tiền hiện lên trong ứng dụng).
Chỉ trong một tuần, với vốn gốc 1 tỉ đồng, ứng dụng đầu tư chứng khoán đã báo anh Sơn có "siêu lợi nhuận" 800 triệu đồng.
"Mừng quá, làm lệnh rút tiền nhưng rút mãi không được. Họ đưa ra đủ lý do, rồi nói muốn rút tiền thì phải thoát khỏi nhóm Zalo. Ra khỏi nhóm Zalo cũng không rút được tiền, lúc đó mới biết mình bị lừa. Sau đó mới biết nhóm có 100 người thì có đến 80 người là chim mồi, còn khoảng 20 người là nạn nhân như mình", anh Sơn ngậm ngùi.
Không rút được tiền, anh Sơn còn bị nhóm này dọa sẽ kiện vì vay số tiền 1,4 tỉ đồng để mua bán chứng khoán. Trong khi trên thực tế 1,4 tỉ đồng chỉ là con số hiển thị trên ứng dụng giao dịch. "Có người còn bị lừa đóng thêm 30% để được làm lệnh rút tiền, nhưng cuối cùng mất tất cả. Nhiều người bị mất cả chục tỉ đồng", anh Sơn chia sẻ.
Cảnh báo lừa đảo chứng khoán
Chiều 2-3, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) vừa phát đi thông cáo cho biết trong thời gian gần đây, một số đối tượng đã sử dụng tên, logo, thông tin của một số công ty quản lý quỹ (Công ty cổ phần quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam, Công ty cổ phần quản lý quỹ VinaCapital...) để lập các website, tài khoản Facebook, Telegram... nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhà đầu tư.
"Khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng, kiểm tra, đối chiếu các thông tin trước khi giao dịch, đầu tư theo thông tin tại các website hoặc tài khoản trên mạng xã hội. Nhà đầu tư cũng có thể tìm hiểu về các dịch vụ, sản phẩm đầu tư của các công ty quản lý quỹ được Ủy ban Chứng khoán nhà nước cấp phép tại website của các công ty quản lý quỹ", văn bản khuyến cáo.
Trước đó, SSC cũng cho biết có xuất hiện tình trạng nhiều đối tượng thành lập các hội nhóm trên mạng xã hội để hô hào, mời chào, lôi kéo nhà đầu tư giao dịch mua và bán cổ phiếu trong ngày (T+0) hoặc đầu tư vào một số mã cổ phiếu sẽ đem lại tỉ lệ sinh lời rất cao. Tuy nhiên, giao dịch T+0 vẫn chưa được áp dụng tại Việt Nam mà chỉ đang trong quá trình nghiên cứu.
Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư được giao dịch chứng khoán T+2 (T+1 và T+0 chưa áp dụng). Ví dụ nhà đầu tư mua cổ phiếu A vào đầu tuần - thứ hai (T+0), đến 13h chiều thứ tư (T+2) nhà đầu tư được bán cổ phiếu. "Nhà đầu tư muốn giao dịch trên thị trường cổ phiếu đều phải thông qua công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ mà nhà đầu tư mở tài khoản", SSC cho hay.
Các giao dịch phát sinh liên quan (tiền, cổ phiếu...) đều phải thông qua pháp nhân là công ty chứng khoán - thành viên sở giao dịch chứng khoán. Do đó, SSC khuyến cáo nhà đầu tư cần cẩn trọng, cân nhắc khi tham gia các hội nhóm trên các không gian mạng xã hội, tránh bị lôi kéo, dẫn dắt dẫn tới thiệt hại không đáng có.
Cơ quan này cũng cho biết đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định của pháp luật chứng khoán và các quy định pháp luật có liên quan.
Nhiều chiêu lừa đầu tư chứng khoán
Anh L.B.Thế (Hà Nội) cho biết trước đó đã được một người gọi điện xưng là trợ lý Thanh Thủy của quỹ đầu tư tư nhân Blackstone, giới thiệu vào nhóm học tập kiến thức chứng khoán do một "thầy" đứng lớp.
"Trong quá trình giảng dạy, nhóm có khuyến nghị nhiều mã chứng khoán trên sàn, tôi theo dõi thì các mã này đều tăng. Kết hợp với việc giảng dạy của "thầy" rất nhiệt tình, nên tôi có tin tưởng dần", anh Thế chia sẻ.
Do bị thua lỗ khi đầu tư trên sàn chứng khoán trước đó, anh Thế mới tham gia nhóm Zalo này để tham gia đầu tư cùng "thầy" trên ứng dụng tên V-Gate. Sau khi nộp tiền vào chơi thử theo hướng dẫn của "thầy", tài khoản của anh đã có lãi, rút thử tiền được. Do đó, anh quyết định bán toàn bộ chứng khoán ở sàn chính thống để chuyển sang giao dịch trên V-Gate.
"Trong vòng hơn một tuần, tôi đã nộp tổng cộng 425 triệu đồng vào số tài khoản ngân hàng được người của "thầy" cung cấp. Chỉ sau khi rút tiền không được, tôi mới phát hiện mình bị lừa", anh Thế kể.
Tương tự, anh T.M.Hà (quận 1, TP.HCM) cho biết đã bị lừa đầu tư chứng khoán trên ứng dụng Gold Finger, sau khi được mời chào mở tài khoản chứng khoán, hứa hẹn được nhận lãi tới 300%/năm. Lúc đầu anh cũng rút tiền ra được, nên "tin tưởng và mắc bẫy", nộp vào tài khoản tổng cộng 800 triệu đồng chỉ trong vòng bốn ngày.
Đến ngày thứ năm, do nghi bị lừa, anh làm lệnh rút tiền nhưng không được. Anh được yêu cầu nạp thêm 225 triệu đồng "như quỹ từ thiện" để được làm lệnh rút, nhưng khi nạp vào vẫn không được rút. Sau đó, anh còn bị yêu cầu đóng thêm 120 triệu "tiền thuế VAT" mới cho rút hết. "Đến đây tôi biết chắc mình đã bị lừa", anh Hà chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận