Phóng to |
Hướng dẫn các thủ tục cho bệnh nhân khám bệnh theo diện bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm |
Cào bằng về sức khỏe
Quả là “sốc” khi thấy đang đưa người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) về khám chữa bệnh ban đầu tại y tế quận, huyện thay vì bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố.
Đưa mọi người tham gia BHYT về tuyến dưới một cách “đồng hạng” như thế chính là cào bằng về sức khỏe. Nếu hiểu đúng ý nghĩa của khái niệm “khám chữa bệnh ban đầu”, đây chính là sự “cào bằng” giữa những người chưa vướng bệnh mãn tính hoặc trong độ tuổi chưa vướng đại trà bệnh mãn tính với người đã vướng bệnh mãn tính lâu năm hoặc đã mang nguy cơ cao.
Lấy thí dụ những bệnh nhân tim mạch kèm tiểu đường đã nhiều năm, thậm chí từng phải can thiệp hay đã có biến chứng, hay bất kỳ bệnh mãn tính hoặc hiểm nghèo nào khác. Bác sĩ nào, nhất là cấp lãnh đạo, cũng thừa biết những bệnh mãn tính đó với thời gian thường nhắm đến các “cơ quan mục tiêu” khác trong cơ thể để phát tác chứ không chịu khu trú cố định trong cơ quan mắc bệnh ban đầu. Bởi thế mới có những bác sĩ chuyên khoa bên cạnh bác sĩ tổng quát, có tuyến trên và tuyến dưới! Thành ra cũng nên hiểu đến bức xúc cơ bản của những bệnh nhân mãn tính lâu năm này khi nay buộc họ về y tế quận huyện “khám chữa bệnh ban đầu”.
Đối với họ, liệu đây có phải là một “hình phạt” tinh thần lẫn thể xác hay không khi cả Bộ Y tế lẫn người dân đều rõ khoảng cách chuyên môn cũng như chi phí điều trị giữa hai tuyến trên và dưới? Càng “sốc” hơn nữa khi tới đây sẽ tăng viện phí, và người tham gia BHYT cũng phải “tham gia” cùng tăng đóng tiền. Trong trường hợp viện phí tính đủ, tính đúng như thế, nỡ lòng nào ép điều trị ở đây, ở kia được?
Ai cũng hiểu cần giảm tải bệnh viện tuyến trên, song liệu quyết định đưa hết về tuyến dưới có là chín chắn và mang tinh thần “thầy thuốc như mẹ hiền” chưa?
Mất 4 giờ để khám bệnh
Tôi có thẻ BHYT ở bệnh viện một quận, muốn đi khám bệnh phải thức dậy lúc 5g sáng để nộp sổ chờ nhận thẻ khám. Mỗi lần khám xong phải mất ít nhất bốn giờ. Thời gian lâu một phần do người chờ khám bệnh đông quá, phần khác do cách bố trí khám chữa bệnh chưa tốt và thiếu bác sĩ. Nay nghe nói bệnh viện này muốn nhận thêm thẻ BHYT, chắc người đi khám bệnh phải mất thời gian chờ đợi nhiều hơn nữa, sẽ mệt mỏi lắm. Theo tôi, nên có cuộc điều tra bệnh viện ở quận nào đã quá tải để ngăn chặn việc đòi nhận thêm thẻ BHYT. Ngoài ra cũng cần phải đầu tư để nâng chất lượng khám chữa bệnh ở bệnh viện quận, đừng để bệnh nhân phải chờ đợi lâu mà lại không được khám chữa bệnh đàng hoàng.
Chưa tin tuyến cơ sở
Tại sao người dân lại đổ xô về khám bệnh tại các bệnh viện tuyến trên? Thực chất mà nói là người dân không tin tưởng vào các bệnh viện tuyến dưới do cơ sở vật chất thiếu thốn, nhân lực không đảm bảo, trình độ chuyên môn chưa cao và cung cách phục vụ còn nhiều bất cập.
Để giảm tải các bệnh viện công ở tuyến trên cần phải thực hiện các vấn đề sau: Thứ nhất, cần đầu tư trang thiết bị hiện đại cho các bệnh viện quận, huyện. Thứ hai, từng bước luân chuyển một số bác sĩ có tay nghề, trình độ chuyên môn cao về các tuyến bệnh viện quận, huyện để truyền đạt kinh nghiệm, kỹ thuật trong điều trị bệnh và vận hành máy móc thiết bị y tế hiện đại (vì nếu có máy móc, thiết bị hiện đại mà không có người am hiểu, đủ trình độ vận hành thì cũng công cốc)... Thứ ba, chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực đủ bản lĩnh và trình độ để khi bước ra khỏi giảng đường có thể phát huy những phẩm chất tốt đẹp của người bác sĩ phục vụ nhân dân. Nếu giải quyết được các vấn đề trên thì chắc chắn người dân khi đến khám bệnh ở bệnh viện quận, huyện sẽ yên tâm hơn, thuận lợi hơn, và từng bước giảm tải ở các bệnh viện tuyến trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận