Quảng cáo tặng bao lì xì nhân dịp tết của Nike - Ảnh chụp màn hình
Trung Quốc đang bước vào kỳ nghỉ Tết trong khoảng 40 ngày từ 10-1 tới 18-2. Trang China Film Insider bình luận trong 5 năm qua, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã trở thành một chiến trường của các công ty lớn hoạt động ở Trung Quốc.
Đầu tuần này, Tập đoàn truyền thông Trung Quốc (CMG) cho hay chương trình gala phát sóng trực tiếp đêm giao thừa đón Tết âm lịch năm nay ở Trung Quốc sẽ cho các khán giả xem truyền hình những trải nghiệm mới toanh bằng cách sử dụng mạng 5G, thực tế ảo và các công nghệ trình diễn có độ nét cao hơn.
Thông tin này cũng khái quát một bức tranh lớn hơn tại Trung Quốc trong dịp Tết Canh Tý năm nay: công nghệ, sự sáng tạo sẽ giúp những cái vốn cũ và quen thuộc trở nên mới mẻ hơn để mỗi cái tết không trở nên nhàm chán.
Không cần lì xì đâu!
Đó cũng là những gì diễn ra với những phong tục lâu nay như lì xì tết. Từ lâu, tặng hồng bao (bao lì xì màu đỏ) đóng một vai trò quan trọng trong mỗi dịp Tết Nguyên đán ở Trung Quốc. Với sự phát triển của công nghệ, ngày nay còn có cả lì xì qua ví điện tử.
Tuy vậy, điều này lại khiến nhiều người Trung Quốc, đặc biệt là những người về quê ăn tết, cảm thấy áp lực khi ngày càng nhiều người xem trọng số tiền trong các phong bao.
Tuy nhiên, câu chuyện này đã được khai thác một cách thú vị vào năm nay bởi Hãng Nike. Tập đoàn Mỹ này có lẽ là cái tên nổi bật hàng đầu trong những ngày qua tại Trung Quốc sau khi một đoạn phim ngắn quảng cáo giày được lan truyền. Tập trung vào phong tục tặng hồng bao trong khi vẫn quảng cáo sản phẩm giày của mình, Hãng Nike đã lấy được cảm tình của nhiều người xem.
Đoạn phim ngắn cho thấy một cô bé cố gắng từ chối nhận bao lì xì của dì mình. "Năm mới vui vẻ nhé con gái" - người dì vừa nói vừa cầm chiếc bao lì xì màu đỏ đưa cho cháu. Tuy nhiên, cô bé lễ phép từ chối: "Mẹ con nói là không được nhận đâu!". Khi lớn lên, cô bé vẫn liên tục từ chối nhận món quà truyền thống này. Cứ mỗi lần dì tặng hồng bao, cô bé, trong đôi giày thể thao Nike, cố gắng chạy hụt hơi để không phải nhận.
Cuối cùng, cô bé ngày nào trở thành một người phụ nữ cao lớn đã lập gia đình. Lần này, cô tặng ngược bao lì xì lại cho người dì đã già đi với mái tóc hoa râm. Lúc đó, camera chuyển hướng xuống đôi giày Nike mà người dì đang mang, với ngụ ý bà đã sẵn sàng chạy để từ chối nhận bao lì xì của cháu gái.
Đoạn phim ngắn này cũng nhận được nhiều khen ngợi bên ngoài Trung Quốc. "Quảng cáo tết của Nike, với hình ảnh hồng bao, khiến tôi cười lẫn khóc" - ông Ray Kwong, một cây bút cộng tác với tạp chí Forbes, bình luận.
Tết đoàn viên
Trong khi đó, Hãng Apple lại đánh vào câu chuyện sum họp gia đình, lấy đi nước mắt của người xem. Sau thành công năm ngoái với đoạn phim ngắn cảm động Cái xô, năm nay Apple chào đón Tết âm lịch ở Trung Quốc với phim ngắn được quay hoàn toàn bằng điện thoại iPhone 11 Pro. Đoạn phim có thời lượng 8 phút mang tên Con gái, nằm trong dự án Shot on iPhone của Apple.
Con gái - được nữ diễn viên nổi tiếng Châu Tấn thủ vai - là một bà mẹ đơn thân, kiếm sống bằng nghề lái taxi. Cô luôn mang con mình theo trên chiếc taxi này và điều đó bị mẹ phản đối, cuối cùng "con gái" mang theo con bỏ nhà đi. Đoạn phim tập trung vào sự khác biệt thế hệ giữa "con gái" và người mẹ lớn tuổi về cách sống của cô và đứa con nhỏ. Tuy nhiên, với sự chấp nhận và tình thương yêu, cuối cùng họ gặp nhau trong hạnh phúc trên chính chiếc taxi của "con gái".
Cũng đánh vào câu chuyện giá trị gia đình, nền tảng thương mại điện tử Tmall của gã khổng lồ công nghệ Alibaba đã tung ra một đoạn quảng cáo ngắn để quảng bá sự kiện mua sắm trước năm mới của trang này.
Với nội dung xoay quanh một cặp đôi đồng tính về gặp mặt gia đình - một chủ đề nhạy cảm ở Trung Quốc, đoạn clip đã nhận được nhiều lời khen ngợi. Đoạn quảng cáo truyền một thông điệp tích cực về cộng đồng LGBT.
"Năm mới là thời điểm để sum họp gia đình và quảng cáo là một cách sáng tạo để chào đón một dịp như vậy" - một người phát ngôn của Alibaba chia sẻ với báo South China Morning Post.
Nếu những đoạn phim ngắn ngày càng trở nên phổ biến với các công ty muốn thu hút khách hàng mua sản phẩm của mình thì những chiêu trò, những tính năng mới lại được các công ty mạng xã hội khai thác triệt để.
Tuần trước, ứng dụng WeChat với cả tỉ người dùng của Trung Quốc đã thẳng thắn đối diện với sự thật khi ông Trương Tiểu Long - cha đẻ của WeChat - thảo luận những khuyết điểm dẫn tới hạn chế tính sáng tạo nội dung trên ứng dụng này.
Trước kỳ nghỉ Tết âm lịch, WeChat gần đây đã giới thiệu một số tính năng để cải thiện cách thức xem, chia sẻ các nội dung, đồng thời lên kế hoạch thêm các tính năng video ngắn để thu hút người dùng.
Tencent cũng phát triển các nền tảng video ngắn của riêng công ty và đang đầu tư vào ứng dụng chia sẻ video ngắn Kuaishou để cạnh tranh với đối thủ là ByteDance, công ty đứng sau ứng dụng nổi tiếng Tiktok.
Áp dụng công nghệ trong vận tải
Dự kiến khoảng 3 tỉ lượt khách đi lại trong dịp "xuân vận" 2020 ở Trung Quốc. Trong đó ngành đường bộ phục vụ khoảng 2,43 tỉ lượt khách, ngành đường sắt 440 triệu lượt, ngành hàng không 79 triệu lượt và đường thủy là 45 triệu lượt, theo Đài CNN.
Theo trang China News Services, nhằm phục vụ lượng khách khổng lồ dịp này, nhiều công nghệ mới được áp dụng ở khắp nơi. Chẳng hạn tại nhà ga Hàng Châu Đông, những hành khách mất thẻ căn cước sẽ được in một thẻ căn cước tạm chỉ trong 30 giây nhờ công nghệ nhận diện khuôn mặt.
Trong khi đó, robot an ninh được trang bị mạng 5G sẽ giúp nhân viên nhà ga phát hiện các hành khách có hành vi khả nghi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận