Gạo ST25 được bày bán tại Cần Thơ - Ảnh: CHÍ QUỐC
Đây là năm thứ hai liên tiếp gạo thơm Thái Lan đoạt ngôi quán quân "gạo ngon nhất thế giới" và là lần thứ 7 gạo thơm Thái Lan giành giải nhất trong 13 lần cuộc thi được tổ chức. Gạo Campuchia cũng từng 4 lần đoạt "ngôi vương", Mỹ 2 lần, trong khi Việt Nam và Myanmar mỗi nước 1 lần. Gạo ST25 của Việt Nam soán ngôi vào năm 2019.
Ngoài sự vắng mặt đáng tiếc của gạo thơm ST25 của Việt Nam, theo ban tổ chức, Ấn Độ cũng không thể gửi mẫu gạo tham gia cuộc thi do tình hình dịch bệnh căng thẳng, làm giảm đi tính cạnh tranh của cuộc thi.
Giải thích lý do gạo thơm ST25 không tham gia tranh tài lần này, ông Jeremy Zwinger - tổng giám đốc Tổ chức Thương nhân lúa gạo toàn cầu, kiêm trưởng ban tổ chức cuộc thi - cho rằng do "có những kẻ trên thị trường muốn lấy cắp một cách bất công thành quả của những cá nhân đã bỏ rất nhiều công sức và thời gian nghiên cứu tạo ra".
"Cha đẻ" gạo ST25 - kỹ sư Hồ Quang Cua cũng cho biết sau khi đoạt giải vào năm 2019, biểu trưng "Gạo ngon nhất thế giới" của gạo thơm ST đã bị nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước sử dụng, vi phạm quy định và bị ban tổ chức tuýt còi, phát đi cảnh báo gạo Việt Nam có thể mất quyền dự thi. Bộ NN&PTNT đã tổ chức hai buổi làm việc với doanh nghiệp của ông Cua để tìm giải pháp tháo gỡ, nhưng không có kết quả.
Tuy nhiên, ông Cua khẳng định sẽ không bỏ cuộc đua ở "đấu trường" này mà sẽ tiếp tục nghiên cứu, củng cố chất lượng để tham gia những năm sau. "Chất lượng ổn định mới là đẳng cấp, nên việc gạo thơm ST25 năm nay không dự thi, không có giải cũng không ảnh hưởng gì cả" - ông Cua chia sẻ.
Cũng theo ông Cua, Thái Lan đã 7 lần giành "ngôi vương" tại cuộc thi "Gạo ngon nhất thế giới" chỉ với một giống gạo thơm Hom Mali. "Thái Lan có sự ưu ái và chiến lược đầu tư bài bản. Không chỉ tập trung xây dựng hình ảnh thương hiệu quốc gia, mà còn rất quan tâm đến việc tuyển chọn sản phẩm dự thi, cách truyền thông và ghi nhận thành quả" - ông Cua cho biết.
GS Võ Tòng Xuân:
Củng cố chất lượng gạo để lấy lại vị thế
Tôi không bất ngờ với việc gạo Hom Mali của Thái Lan đoạt "ngôi vương" ở cuộc thi "Gạo ngon nhất thế giới" năm 2021 bởi không có gạo ST25 của Việt Nam và gạo của Ấn Độ tham dự. Thái Lan chỉ có một giống lúa thơm Hom Mali mà năm nào cũng tham dự cuộc thi, ngành nông nghiệp Thái Lan cũng rất quyết tâm tham dự để khẳng định thương hiệu gạo của quốc gia.
Trồng lúa ST25 tại Sóc Trăng - Ảnh: CHÍ QUỐC
Trong khi đó, Việt Nam có giống gạo ST25 đoạt "ngôi vương" gạo ngon nhất thế giới năm 2019, tuy nhiên sau khi đoạt giải, giống gạo ST25 chưa được phép sản xuất đại trà nhưng thị trường trong nước và cả quốc tế "loạn" gạo nhái thương hiệu ST25 bày bán mà không bị xử lý khiến quốc tế họ "tuýt còi", không cho phép dự thi.
Theo tôi, Nhà nước phải vào cuộc mạnh tay xử lý dẹp bằng được vấn nạn vi phạm bản quyền thương hiệu gạo ST25 để quốc tế thấy rằng Việt Nam thiện chí, quyết liệt dẹp kiểu làm ăn chụp giật này. Ngoài ra cần khuyến khích ông Cua tiếp tục nghiên cứu giữ chất lượng giống ST25 và đặt hàng các viện, trường, doanh nghiệp tư nhân và nông dân tiếp tục nghiên cứu sản xuất ra nhiều loại giống gạo thơm chất lượng cao.
Ngành nông nghiệp hoặc Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng cần tổ chức các cuộc thi gạo ngon thường niên cho gạo Việt Nam để chọn ra các loại gạo ngon tương tự như ST25 để gửi dự thi quốc tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận