16/06/2015 11:00 GMT+7

Đấu trường của những cây bút mới

PHILIPPE M. F. PEYCAM, (TRẦN ĐỨC TÀI dịch)
PHILIPPE M. F. PEYCAM, (TRẦN ĐỨC TÀI dịch)

TT - Công chúng người Việt và báo chí Sài Gòn đã chứng tỏ khả năng huy động hợp sức để phản đối những hành động sai trái của chính quyền Pháp. Hoạt động và nỗ lực phối hợp của họ cuối cùng đã khiến “dự án Candelier” phải bãi bỏ.

Đông Pháp Thời Báo
Đông Pháp Thời Báo

Sau vụ xung đột với báo chí Việt Nam về dự án tai tiếng cảng Sài Gòn, Cognacq ra tay ngăn chặn làn sóng đối lập đang dâng trào của người Việt. Nhưng mọi chuyện không đơn giản khi các nhà báo dấn thân bước vào đấu trường...

Báo chí chiến đấu

Tháng 11-1924, Cognacq dàn xếp để thuyên chuyển một trong những người lãnh đạo phong trào này là Bùi Quang Chiêu, lúc đó là giám đốc Sở Canh nông của chính quyền. Là nhà lãnh đạo Đảng Lập hiến kiêm người điều hành chính trị của tờ La Tribune Indigène, Bùi Quang Chiêu khiếu nại về quyết định này nhưng Paris bác bỏ yêu cầu của ông.

Bùi Quang Chiêu nghỉ không ăn lương một năm rồi sang Pháp, nơi ông hi vọng sẽ vận động hành lang để Chính phủ Pháp thực hiện cải tổ ở Đông Dương. Ngay sau khi ông ra đi, tờ La Tribune Indigène đóng cửa vào cuối tháng 1-1925.

Nhưng những cây bút mới đã xuất hiện...

Sau tháng 1-1925, ban biên tập mới của tờ Đông Pháp Thời Báo, do ký giả trẻ Trần Huy Liệu điều hành, đã vượt qua những hạn chế áp đặt cho báo chí quốc ngữ để tận dụng hết tiềm lực chính trị của nó.

Là một trong những nhà trí thức lãnh đạo tương lai của những người cộng sản Việt Nam, Trần Huy Liệu theo con đường đã mở của Nguyễn An Ninh để đưa ra một văn phong chính trị thẳng thắn hơn, thay vì giọng điệu giáo huấn của nhiều tờ báo quốc ngữ.

Suốt năm kế tiếp, tờ Đông Pháp Thời Báo đã cạnh tranh với tờ L’Écho Annamite trong vai trò tờ báo chính trị của người Việt ở Nam kỳ.

Sáng lập vào tháng 5-1923, Đông Pháp Thời Báo đã duy trì thành công uy thế và tính độc lập của mình mà không hề bị đình chỉ một số báo nào. Thành quả này là do tài quản lý giỏi của chủ báo kiêm chủ nhiệm Nguyễn Kim Đính. Sau quyền chủ bút ban đầu của Hồ Văn Trung (tháng 5-1923 đến tháng 12-1924), Đính điều chỉnh ban biên tập và thay Trung bằng Trần Huy Liệu, người giữ vai trò này từ tháng 1-1925 tới tháng 7-1926.

Dưới quyền Trần Huy Liệu, Đông Pháp Thời Báo đã đưa báo chính trị quốc ngữ đến một tầm cao chất lượng chưa từng có. Ký giả trẻ này cho thấy rằng một tờ báo tiếng Việt ít nhất cũng hữu hiệu như các tờ báo tiếng Pháp.

Hàng loạt biến cố đã đẩy Đông Pháp Thời Báo lên tuyến đầu của hoạt động chính trị. Tờ báo này nổi bật phần nào cũng là nhờ các báo chính trị tiếng Việt hay tiếng Pháp khác tương đối im hơi lặng tiếng.

Ban biên tập mới bao gồm nhiều nhà hoạt động trẻ đại diện cho một công chúng rộng lớn hơn mà Trần Huy Liệu muốn tiếp cận. Năm 1924, Bùi Công Trừng (bút danh Sông Hương) rời quê hương Trung kỳ đến Sài Gòn. Có quan hệ thân thiết với Trần Huy Liệu, anh bắt đầu viết cho Đông Pháp Thời Báo vào tháng 6-1925.

Cùng với chủ bút, Bùi Công Trừng gia nhập Đảng Thanh niên Việt Nam vào tháng 3-1926 (một tổ chức thanh niên yêu nước ra đời tại Sài Gòn và tan rã cùng năm 1926, nhằm đòi quyền tự do dân chủ và đấu tranh công khai chống lại nhà cầm quyền Pháp).

Bùi Thế Mỹ gia nhập tờ báo này vào tháng 3-1926. Từ quê hương tỉnh Quảng Nam, Mỹ đến Sài Gòn năm 1923. Giống như Bùi Công Trừng, anh bắt đầu nghề nghiệp bằng nghề dạy học ở trường tư của Nguyễn Phan Long.

Bùi Thế Mỹ cũng cộng tác với tờ L’Écho Annamite và trong nhóm sáng lập Đảng Thanh niên Việt Nam. Có lẽ qua nhóm này mà Bùi Thế Mỹ đã gặp Trần Huy Liệu và sau đó bắt đầu viết cho Đông Pháp Thời Báo.

Cách tổ chức nội dung bài vở của Trần Huy Liệu phản ánh sự chuyển tiếp từ công khai phản biện những vấn đề nằm trong giới hạn Sài Gòn sang bàn luận những vấn đề có tầm quốc gia.

Điều này đã từng biểu hiện trên tờ La Cloche Fêlée của Nguyễn An Ninh và bây giờ với Đông Pháp Thời Báo: Sài Gòn dần biến thành trung tâm cho những ý tưởng chính trị lan tỏa sang các vùng miền khác của đất nước.

Sức ảnh hưởng tăng dần của tờ Đông Pháp Thời Báo đã phản ánh qua những căng thẳng giữa nhóm làm báo này với nhà chức trách thực dân và các tờ báo bảo thủ. Do vậy, sau vụ cảng Sài Gòn, thống đốc Cognacq cho phép Nguyễn Văn Của xúc tiến một chiến dịch báo chí chống lại Đông Pháp Thời Báo.

Nguyễn Văn Của là chủ sở hữu tờ Lục Tỉnh Tân Văn và chủ nhân giấu mặt của tờ Công Luận Báo. Nóng lòng muốn mở rộng chuyện kinh doanh xuất bản của mình trước một đối thủ cạnh tranh lợi hại, Nguyễn Văn Của viện đến mối quan hệ mật thiết đã xây dựng với giới cầm quyền trong thời gian xảy ra vụ cảng Sài Gòn.

Ông cho tờ Công Luận Báo phao tin đồn là Nguyễn Kim Đính có dính dáng với một hội kín của Pháp, có thể là Hội Tam Điểm. Phản ứng bằng cách buộc tội tờ Công Luận Báo đang cố phá hoại uy tín của “tờ báo đối lập duy nhất”, Nguyễn Kim Đính viết một chiến dịch như thế rõ ràng được giật dây bởi chính Cognacq.

Trần Huy Liệu trong hồ sơ của thực dân Pháp - Ảnh tư liệu
Trần Huy Liệu trong hồ sơ của thực dân Pháp - Ảnh tư liệu

Thách thức giới hạn

Nửa đầu náo loạn của năm 1926 đã tác động đầy kịch tính tới đường hướng nội dung của Đông Pháp Thời Báo. Trần Huy Liệu ngưng viết bài về những đề tài trừu tượng chung chung. Các bài xã luận càng ngày càng theo xu hướng hành động.

Trần Huy Liệu bây giờ đưa Đông Pháp Thời Báo lên tuyến đầu của các sự kiện, biến nó thành một tờ báo “chiến đấu”. Lợi dụng nới lỏng kiểm duyệt, vào ngày 2-5 Trần Huy Liệu đăng một bài trực tiếp nhắm tới Varenne, thẳng thừng thúc giục vị toàn quyền này bãi bỏ hẳn việc kiểm duyệt báo chí quốc ngữ.

Ngày 17-3, biết trước Bùi Quang Chiêu sẽ về nước, Trần Huy Liệu long trọng kêu gọi quần chúng người Việt đón rước ở bến tàu Sài Gòn. Anh nói với “trí thức, thanh niên, phụ nữ, công nhân và nhà tư sản”, kêu gọi họ vượt qua mọi ngờ vực riêng tư và nắm lấy “cơ hội” này.

Anh yêu cầu những người bán hàng hãy đóng cửa tiệm như một dấu hiệu của tình đoàn kết. Xây dựng vai trò của mình như một nhà lãnh đạo, ký giả trẻ tuổi này hô hào dân chúng đoàn kết lại và nghiêm túc đảm nhận trách nhiệm ái quốc.

Nhờ Trần Huy Liệu mà Đông Pháp Thời Báo có được danh tiếng là tờ báo đối lập chủ lực vào thời đó và là tờ báo được kính trọng vì bảo vệ các phong trào yêu nước. Ở cuộc mittinh chính trị tổ chức vào tháng 1-1926, an ninh của Sở Liêm phóng ghi nhận rằng dân chúng đã tuyên bố Đông Pháp Thời Báo là “tờ báo của nhân dân”.

Quả thật, trong vòng một năm lượng độc giả tờ này đã tăng gấp đôi, mỗi kỳ in 10.000 tờ trong khi tổng số lượng in của các báo Sài Gòn - cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp - không vượt quá 25.000 tờ.

Tài biên tập của ký giả trẻ Trần Huy Liệu và khả năng biết lợi dụng sự cấp bách của bối cảnh chính trị đã giải thích cho con số phát hành lớn này. Báo chí quốc ngữ bây giờ đã là một phần gắn liền với đời sống thường nhật của một bộ phận đông đảo dân chúng Sài Gòn và miền Nam.

Trần Huy Liệu đã gạt bỏ nhiều rào cản truyền thống trong báo chí quốc ngữ. Dù báo chí tiếng Việt vẫn tiếp tục bị kiểm duyệt và chịu nhiều hạn chế khác, giới ký giả không còn thấy đó là những trở ngại không thể vượt qua để thể hiện chính kiến của mình.

Khả năng huy động đông đảo độc giả sau các sự kiện mùa xuân 1926 đã báo trước những diễn tiến mới trong hoạt động chính trị. Báo chí quốc ngữ Sài Gòn không còn là nơi phản ánh đơn thuần quan điểm của giới ký giả, mà còn phải chú tâm đến dư luận và tâm trạng dân chúng.

___________________

Kỳ tới: Lê Trung Nghĩa - nhà báo của nông dân nghèo

PHILIPPE M. F. PEYCAM, (TRẦN ĐỨC TÀI dịch)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp