27/07/2014 07:28 GMT+7

Đấu tranh với Trung Quốc: không đợi đến ngày mai

PHẠM VŨ - HIẾU TRUNG - QUỲNH TRUNG - MỸ LOAN
PHẠM VŨ - HIẾU TRUNG - QUỲNH TRUNG - MỸ LOAN

TT - Cả ba cuộc hội thảo do ba trường đại học tổ chức tại TP.HCM trong ngày 26-7 về tình hình biển Đông đều có chung nhận định rõ ràng: Trung Quốc đã không tôn trọng luật pháp quốc tế, Việt Nam phải tiếp tục đấu tranh pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình.

ucuyCfGa.jpg
Giáo sư Alexander Yankov (bìa phải), thành viên tòa án quốc tế về Luật biển, phát biểu tại hội thảo Ảnh: T.T.D.

Trung Quốc không tôn trọng luật pháp quốc tế

Việt Nam không đơn độc

Đó là một trong những nội dung của buổi tọa đàm khoa học Đối sách của Việt Nam ở biển Đông - những vấn đề pháp lý và hành động” do Trung tâm nghiên cứu chiến lược và chính sách quốc gia thuộc Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM tổ chức sáng 26-7.

PGS.TS Võ Văn Sen - hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, chủ trì buổi tọa đàm - nhấn mạnh vai trò của việc tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân Việt Nam qua việc thông tin chính xác, đầy đủ tình hình đất nước. Từ việc có thông tin đầy đủ, người dân sẽ có thái độ và hành xử đúng đắn trong các tình huống.

Tại buổi tọa đàm, các học giả đã bàn luận sôi nổi về các đối sách của Việt Nam ở biển Đông, bao gồm cả hai phương diện đối nội và đối ngoại. Về chính sách đối nội, ngoài việc giáo dục nhận thức và thông tin đầy đủ, các học giả còn cho rằng cần thắt chặt chính sách quản lý, tránh việc cho người Trung Quốc thuê đất, rừng tràn lan...

Góp ý về chính sách đối ngoại, chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm cho rằng Việt Nam cần đoàn kết chặt chẽ hơn với các nước trong khu vực có chung nguồn lợi biển Đông như Philippines, Malaysia. “Nếu Việt Nam đoàn kết được với họ rồi thì Trung Quốc sẽ không làm gì nổi một vùng biển đảo vững chắc rộng hàng triệu kilômet vuông. Âm mưu nuốt trọn vùng Đông Nam Á của Trung Quốc cũng sẽ không thực hiện được” - ông Lâm nói.

Là một nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế, ThS Nguyễn Tuấn Khanh (ĐH KHXH&NV TP.HCM) cho rằng Việt Nam nên xác định biển Đông “là một vùng rộng lớn cả triệu kilômet vuông chứ không chỉ có mình Hoàng Sa - Trường Sa. Nên đặt lợi ích của chúng ta lên bàn lợi ích chung, khi có điểm đồng về lợi ích tự nhiên sẽ là bạn. Việt Nam không đơn độc, chỉ có Trung Quốc mới đơn độc khi tranh chấp chủ quyền trên biển Đông”.

MAI HOA

Trải qua liên tiếp ba phiên thảo luận sôi nổi và căng thẳng về các khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển Việt Nam, hội thảo khoa học quốc tế do Hội Luật gia Việt Nam và ĐH Luật TP.HCM tổ chức ngày 26-7 đã kết thúc với thông điệp: “Giải quyết tranh chấp biển Đông bằng các giải pháp hòa bình chính là ý chí của cộng đồng thế giới”.

Phân tích, thảo luận, tranh luận suốt cả ngày xung quanh các giải pháp chính trị, ngoại giao, pháp lý cho xung đột biển Đông, các chuyên gia luật quốc tế đến từ khắp thế giới lại cho thấy những nhận định có sự thống nhất rất cao: Trung Quốc đã quá coi thường Luật biển quốc tế 1982, không quan tâm đến phản ứng của các nước ASEAN, đe dọa nghiêm trọng an ninh khu vực.

Nhiều lời khuyên cho Việt Nam

“Tranh chấp lãnh thổ, biển ở châu Á liên quan chủ yếu đến vấn đề tài nguyên, muốn chiếm độc quyền tài nguyên, ẩn chứa rất nhiều nguy cơ dẫn đến xung đột vũ trang” - GS Changsin, ĐH Quốc gia Hàn Quốc, khẳng định. “Việt Nam nên sử dụng các biện pháp chính trị, ngoại giao trước khi tính đến việc đưa ra tòa án quốc tế” - GS Hikmahanto Juwana, khoa luật ĐH Indonesia, phân tích từ kinh nghiệm của chính nước mình. Và những việc phải làm, những khó khăn, thuận lợi, điểm mạnh, yếu của từng giải pháp cũng đã được các chuyên gia phân tích thật cụ thể, cặn kẽ.

Mạnh mẽ, quả quyết, luật sư Pierre Shifferli (Thụy Sĩ) - chuyên gia tài phán quốc tế - khẳng định: “Các chứng cứ lịch sử trên quốc tế đều chứng minh Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam. Với tư cách là một luật sư, một thẩm phán tòa quốc tế, tôi thấy hành động của Trung Quốc là hành động “ăn cướp” (nhấn mạnh bằng tiếng Việt - PV). Về vấn đề giàn khoan, họ đang tiến hai bước, lùi một bước. Nếu Việt Nam khởi kiện ra tòa quốc tế, áp lực với Trung Quốc sẽ gia tăng rất nhiều. Tất nhiên, tòa quốc tế cũng sẽ phải chịu nhiều áp lực do Trung Quốc là một nước mạnh, và có thể lôi kéo nhiều nước khác tham gia. Nhưng căn cứ theo Luật biển quốc tế, tôi nghĩ Việt Nam sẽ thắng.

Có ba việc mà Việt Nam nên thực hiện song song: cuộc chiến pháp lý theo Luật biển quốc tế; cuộc chiến ngoại giao: cần phải cố gắng tận dụng sự ủng hộ của quốc tế, bên cạnh đó ASEAN cần trở thành một tổ chức mạnh thật sự, đoàn kết vì tất cả các nước đều có quyền lợi ở đây. Đương nhiên, sự chênh lệch lực lượng với Trung Quốc là không thể thay đổi; Việt Nam cần tăng cường sức mạnh quân sự để tự bảo vệ mình, và vì thế, không thể giải quyết vấn đề theo cách song phương”.

Giáo sư Alexander Yankov, thành viên tòa án quốc tế về Luật biển, dù đã 90 tuổi vẫn chống gậy đến dự hội thảo, kiên nhẫn trả lời từng câu hỏi. Ông nói tiếp theo những giải pháp mà đồng nghiệp đề ra: “Trung Quốc là một nước lớn nhưng không tôn trọng luật pháp quốc tế. Tuy vậy, Việt Nam vẫn phải dùng những biện pháp pháp lý để đấu tranh. Hai công cụ quan trọng nhất là: Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và sự đoàn kết, hành động chủ động, mạnh mẽ của ASEAN. Việc đấu tranh này phải bắt đầu ngay hôm nay chứ không thể đợi tới ngày mai”.

Kinh nghiệm của Philippines

Ông Chito Sta.Romana - nhà báo kỳ cựu người Philippines, chuyên gia phân tích độc lập về Trung Quốc - kể lại câu chuyện của nước mình: “Hồ sơ của Philippines đưa ra tòa trọng tài quốc tế dày hơn 4.000 trang, chỉ yêu cầu Trung Quốc làm rõ yêu sách của mình về đường chín đoạn trên biển Đông. Trung Quốc không chịu xuất hiện và cung cấp bất cứ chứng cứ, tài liệu nào cho tòa trọng tài. Nếu Trung Quốc vẫn nhất định không xuất hiện, tòa trọng tài sẽ tự tổng hợp tài liệu và xem xét khiếm diện. Chúng tôi dự kiến kết quả của tòa trọng tài sẽ có vào quý 1-2016. Nếu tòa xử Philippines có lý, chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh, gây áp lực để có một phân định ranh giới rõ ràng trên biển với Trung Quốc. Trung Quốc luôn khẳng định mình là một cường quốc có trách nhiệm, và như vậy họ phải tôn trọng luật quốc tế và phán quyết của tòa án”.

Giáo sư Yamagata Hideo - ĐH Nagoya, thành viên tổ chức xã hội Nhật Bản và Hoa Kỳ về luật quốc tế - tham gia bàn về việc này: “Việc vắng mặt tố tụng sẽ ảnh hưởng bất lợi đến bên không tham gia, họ không được lựa chọn trọng tài viên, không thể bảo vệ vụ việc trước tòa hoặc chống lại yêu sách của bên nguyên đơn”. Ông Romana nói thêm: “Không xuất hiện nhưng Trung Quốc lại sử dụng báo chí, các diễn đàn quốc tế để chống lại lập luận của Philippines và phủ nhận cả tòa trọng tài. Ở biển Đông, Trung Quốc cũng đang tìm cách thay đổi hiện trạng, biến đảo chìm thành đảo nổi, xây dựng căn cứ quân sự... Mục tiêu của họ là tìm cách có thêm bằng chứng mới khẳng định chủ quyền trước phán quyết của tòa án cũng như trước khi ASEAN và nước này đạt được thỏa thuận về Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Đó hẳn nhiên là những hành động tiêu cực”.

Trước rất nhiều ý kiến cho rằng cần hết sức kiên nhẫn trong giải quyết tranh chấp, đại diện của Philippines giải thích: “Chúng tôi đã kiên nhẫn suốt 17 năm, cuối cùng vẫn xảy ra vụ việc bãi cạn Scarborough. Nên giải pháp vẫn là nên đưa ra tòa, mặc dù phải chấp nhận những khó khăn về ngoại giao, kinh tế. Tất nhiên, Philippines không muốn đi kiện một mình nhưng rất hiểu rằng Việt Nam còn phải cân nhắc rất nhiều vấn đề”. GS.TS Mai Hồng Quì, hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM: “Kể cả các biện pháp pháp lý vẫn chính là những giải pháp hòa bình. Đó là một trong những thông điệp của chúng tôi qua cuộc hội thảo này, và yêu cầu Trung Quốc phải kiềm chế và tôn trọng luật quốc tế trong bất kỳ trường hợp nào. Ý kiến của các chuyên gia quốc tế trong hội thảo này đã một lần nữa chứng minh sự quan ngại sâu sắc về vấn đề biển Đông và sự ủng hộ to lớn dành cho Việt Nam”.

Giải pháp cho Việt Nam

Suốt buổi chiều, các cuộc chiến pháp lý trên biển trong lịch sử quan hệ quốc tế được các học giả phân tích kỹ lưỡng để rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Qatar - Bahrain, Hàn Quốc - CHDCND Triều Tiên, Guyana - Suriname, Philippines - Trung Quốc...

Sau bài phân tích dài của mình, GS Seokwoo Lee, khoa luật ĐH Inha (Hàn Quốc), kết luận: Xét xử bằng trọng tài quốc tế là một tiến trình chính trị phức tạp. Tuy cộng đồng quốc tế không có lực lượng cảnh sát toàn cầu có khả năng thực thi quyết định giải quyết, nhưng nếu một quốc gia lớn như Trung Quốc phớt lờ quyết định này thì uy tín và hình ảnh quốc tế của họ sẽ bị hoen ố, và hiệu lực pháp lý quốc tế của UNCLOS cũng bị nghi ngờ. Ông đưa ra lời khuyên: “Philippines và Việt Nam hãy nhanh chóng thúc đẩy và ký kết Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông”.

GS Robert Beckman, giám đốc Trung tâm luật quốc tế ĐH Quốc gia Singapore, đưa ra hai lựa chọn cho Việt Nam: khởi kiện Trung Quốc hoặc tham gia vào vụ kiện của Philippines với Trung Quốc tại tòa trọng tài. Giáo sư Jay L. Batongbacal, giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề hàng hải và luật biển, ĐH Philippines, nhắc lại hầu hết các vụ va quẹt, đâm chìm tàu cá trong hơn hai tháng giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam và khẳng định: “Các vụ đâm chìm tàu cá là hành động sai trái mà Việt Nam có thể đòi bồi thường thiệt hại. Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về hành động của tất cả các tàu treo cờ của mình. Tòa án Việt Nam cũng có thể xử vụ đòi bồi thường này”.

qyCOQcZ4.jpgPhóng to
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường
* Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường (chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ quốc tế): Tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế đã đưa ra rất nhiều giải pháp chính trị, ngoại giao và pháp lý về vấn đề biển Đông. Tuy nhiên cần phải thấy rằng không có một biện pháp nào là hoàn hảo. Không phải kiện Trung Quốc là chúng ta có thể giải quyết vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa ngay lập tức. Phải thấy rằng đây là một nhiệm vụ phức tạp, đầy khó khăn và thử thách. Một số chuyên gia đã nhấn mạnh đến sự kiên nhẫn, bởi phải mất nhiều năm chúng ta mới có thể giải quyết được tranh chấp biển Đông. Tuy nhiên một đại biểu Philippines nhắc nhở rằng từ vụ bãi Vành Khăn năm 1995, Manila đã kiên nhẫn suốt 17 năm để rồi đến năm 2012 Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
L5HGqvih.jpg
Tiến sĩ Mai Hồng Quì
* Tiến sĩ Mai Hồng Quì (hiệu trưởng ĐH Luật TP.HCM): Các tham luận tại hội thảo cho thấy sự quan tâm, tìm hiểu sâu sắc của các chuyên gia thế giới với vấn đề biển Đông, chứng minh vị trí địa chính trị quan trọng của biển Đông trong toàn khu vực. Các ý kiến xác đáng, khách quan của hội thảo này sẽ được chúng tôi mau chóng gửi đến các cơ quan hữu quan của Việt Nam và các tổ chức quốc tế, mong góp phần thúc đẩy việc lập lại hòa bình trên biển Đông. Chỉ có một điều đáng tiếc, từ cách đây hai tháng chúng tôi đã gửi thư mời đến các hội luật, ĐH luật, các nhà nghiên cứu, chuyên gia Trung Quốc để mời tham gia thảo luận nhưng không được hồi đáp.

* Luật sư, thẩm phán Pierre Schifferli (Thụy Sĩ):

Phải kiện

a8ICQ1FR.jpg
Năm 1974, tôi từng có mặt ở miền Nam Việt Nam, khi đó dưới chế độ Việt Nam cộng hòa, vào thời điểm Trung Quốc dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa. Đó là hành vi vi phạm hiến chương Liên Hiệp Quốc. Việt Nam cần phải lập tức kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Việt Nam có thể chọn Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) hoặc Tòa án Luật biển quốc tế (ITLOS) bởi Việt Nam đang có trong tay đầy đủ bằng chứng để chứng minh chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

Chắc chắn Trung Quốc sẽ gây sức ép quân sự và ngoại giao để chống lại lá đơn kiện của Việt Nam. Bắc Kinh cũng có thể giở giọng đòi hợp tác thay cho đối đầu. Tuy nhiên trong một thế giới văn minh, cách tốt nhất để giải quyết tranh chấp là đưa nhau ra tòa án. Việt Nam có thể nói rằng nếu Trung Quốc tự tin có đủ bằng chứng chứng minh họ có chủ quyền trên biển Đông thì tại sao không dám ra đối đầu ở tòa án quốc tế. Việc chấp nhận kiện là sự chứng tỏ rằng quốc gia mình tôn trọng luật pháp quốc tế và Việt Nam có thể làm như thế.

Việt Nam cũng cần xem xét các biện pháp tạm thời như tạm dừng khai thác dầu khí trên biển Đông. Dù Việt Nam có chủ quyền đầy đủ nhưng đây là cách để gây sức ép khiến Trung Quốc không đưa giàn khoan dầu vào vùng biển Việt Nam. Một điều nữa Việt Nam cần làm là thể hiện sức mạnh quân sự. Việt Nam cần triển khai lực lượng quân sự ở biển Đông để cho Trung Quốc thấy rằng Việt Nam đang ở đó, nhưng tất nhiên là phải tuyệt đối tránh các cuộc đụng độ. Trung Quốc là nước chỉ ngại kẻ mạnh chứ không ngán kẻ yếu. Việt Nam cần phải thể hiện sức mạnh của mình. Hành động đó sẽ buộc Trung Quốc phải kiềm chế.

* Luật gia Veeramalla Anjaiah (phó tổng biên tập báo Jakarta Post, Indonesia):

Indonesia đã chuẩn bị để đối phó

ePgJgQzk.jpg
Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan tại vùng biển của Việt Nam là hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật biển quốc tế, Công ước LHQ UNCLOS và Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC). Đây là một thảm họa quan hệ công chúng của Trung Quốc. Indonesia cũng ý thức rõ được việc bản đồ đường chín đoạn phi pháp của Trung Quốc xâm phạm vùng biển chúng tôi. Do đó Chính phủ Indonesia đã có sự chuẩn bị từ trước để đối phó với nguy cơ xâm lấn của Trung Quốc. Chúng tôi đã triển khai quân đội và khí tài như tàu chiến, máy bay trực thăng và máy bay không người lái tới đảo Natuna, nơi Trung Quốc đòi chủ quyền. Tuy nhiên chúng tôi luôn giữ quan điểm rằng phải giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Theo tôi, sự đồng thuận của ASEAN là vũ khí duy nhất mà chúng ta sở hữu để chống lại Trung Quốc. Tất nhiên là Trung Quốc đang dùng chiến thuật chia để trị đối với ASEAN, nhưng trong hội nghị ASEAN ở Myanmar, chúng ta đã đạt được sự đồng thuận sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan tới vùng biển Việt Nam. Chắc chắn Trung Quốc sẽ tiếp tục gây hấn nên điều chúng ta cần làm là tăng cường sự đoàn kết của ASEAN, yêu cầu Trung Quốc phải ký COC với ASEAN.

* Phó đô đốc hải quân Anup Singh (Ấn Độ):

ASEAN cần có một COC riêng

rQdN01vP.jpg
Chắc chắn Việt Nam cần phải kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Trung Quốc rất nhạy cảm với dư luận quốc tế, do đó sẽ phải lùi bước trước sức ép của công luận quốc tế. Nhưng vấn đề quan trọng là các nước thành viên ASEAN cần phải đạt sự đồng thuận để có một lập trường chung trước Trung Quốc. Nếu có thể, các nước ASEAN đòi chủ quyền trên biển Đông nên thống nhất ra một tuyên bố chung, quan điểm chung, thậm chí nên đưa ra một COC của riêng mình. Khi đó, các nước ASEAN đòi chủ quyền trên biển Đông sẽ có cơ sở chung để cùng kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

* Giáo sư luật Hideo Yamagata (Nhật):

Chờ phán quyết Philippines

Việt Nam cũng cần bình tĩnh chờ đợi phán quyết của Tòa án trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc.

Nhiều khả năng Philippines sẽ giành chiến thắng bởi đường chín đoạn của Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Việc Philippines thắng sẽ tạo ra tiền lệ và khi Việt Nam kiện cũng sẽ có nhiều cơ hội chiến thắng hơn. Rất có thể điều đó sẽ tạo ra một phản ứng dây chuyền, nhiều nước sẽ kiện Trung Quốc.

PHẠM VŨ - HIẾU TRUNG - QUỲNH TRUNG - MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp