29/11/2020 10:15 GMT+7

Đầu tiên, họ giết một cây...

TTO - Dùng muối mỏ, dầu hỏa, thuốc diệt cỏ, bao nilông, đốt lửa… là vài cách phổ biến nhất trong 1.001 cách 'giết' một cái cây đang được nhiều website hướng dẫn công khai trên mạng.

Đầu tiên, họ giết một cây... - Ảnh 1.

Thông rừng cổ thụ bị phá ngay trong núi thiêng Langbiang - Ảnh: M.VINH

Tỉ mỉ đến cả quy trình giết cây, từ cây non tới cổ thụ, sao cho kín đáo và hiệu quả nhất, lại khó bị phát hiện. Ở Lâm Đồng, hàng ngàn cây thông đã bị giết theo cách ấy. Thoạt tiên là vài cây thông lẻ nhưng sau 10 năm, gần 100 ngàn hecta rừng đã biến mất.

Lâm Đồng là tỉnh có diện tích rừng lớn hàng đầu cả nước. Ở vùng đất cao nguyên này, thông rừng là loài đặc hữu. 

Người dân địa phương cũng như du khách đến vùng đất ấy đều xem thông rừng là bạn quý bởi những đóng góp không đo đếm được của loài cây này trong việc phòng hộ, tạo cảnh quan và lọc không khí...

Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) đã tiến hành kiểm kê rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và công bố kết quả vào các năm 2016, 2018. Theo đó, tính từ năm 2013 đến nay, địa phương này đã mất khoảng 90.000ha rừng, trong đó chủ yếu là rừng thông. 

Tốc độ mất rừng diễn ra nhanh nhất trong các năm từ 2013 đến năm 2016. Năm 2010 Lâm Đồng có khoảng 602.000 ha rừng, độ che phủ 61,2%, nhưng đến năm 2019 còn 539.000ha, độ che phủ còn khoảng 54%.

Đầu tiên, họ giết một cây... - Ảnh 2.

Thông rừng bị giết bởi một lỗ khoan nhỏ bằng cây bút do “lâm tặc” gây ra mà không sao cứu được - Ảnh: M.VINH

Họ giết cây như thế nào?

Ông Đồng Văn Lâm, hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng), cùng chúng tôi đi kiểm đếm những cây thông chết khô tại một điểm tiếp giáp vườn dân. Ông Lâm lần tìm khắp phần thân to bằng hai vòng tay người lớn của một cây thông ước khoảng 60 năm tuổi, tìm ra một lỗ nhỏ chừng đầu ngón tay. 

Mùi thuốc cỏ bốc ra từ cái lỗ nhỏ này vẫn còn nồng. Ông bảo cây đã bị "người lạ" khoan lỗ đổ thuốc diệt cỏ, nhận định cây bị hạ độc khoảng 1 tuần nay, và chừng 3 tuần nữa cây thông này sẽ chết hoàn toàn.

Ở một khu vực khác, chúng tôi chứng kiến một loạt cây thông khoảng 10 năm tuổi đã bị chết khô. Sau một lúc tìm kiếm ở phần thân cao ngang tầm tay không thấy có lỗ khoan, ông Lâm quan sát kỹ phần gốc - nơi bị một lớp đất mỏng và cỏ che lấp - và tìm ra một vết rạch vòng quanh thân cây thông. 

Vết rạch tạo thành rãnh rộng khoảng một lóng tay, sâu hết phần vỏ. Ông lắc đầu: "Không cách nào cứu được nữa!".

Những cách giết thông như vậy được gọi gọn lỏn là "ken" cây. Ông Lâm giải thích: cây thông bị khoan sâu vào thân không bị tổn thương nhưng nếu bị đổ thuốc cỏ dẫn lưu thì bộ rễ và phần gốc sẽ hư trước, phần thân bên trên sẽ bị chết theo. 

"Ken" cây còn có một kiểu khác là tạo vết rạch tròn xung quanh thân cây, chia thân cây thành hai phần trên dưới. Việc tạo vết rạch sâu trên thân cây thông là cách ngăn không cho cây vận chuyển chất dinh dưỡng từ phần gốc đi khắp thân. 

Bộ vỏ bị chia tách thành hai phần cũng tương tự cây thông bị cưa đứt ngang thân. Mọi hoạt động sống của cây bị gián đoạn. Và cây chết.

Ông Võ Thanh Sơn, hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP Đà Lạt, bảo ông từng bắt nhiều vụ "ám sát" thông rừng với cách làm tương tự nhưng tinh vi hơn. Nhiều "lâm tặc" dùng khoan di động, loại gắn pin, khi khoan không phát ra tiếng động. 

Đổ thuốc xong, những kẻ giết cây lột một đoạn vỏ thông khác, dùng keo dán lên trên. Cách này vừa giấu vết khoan, vừa hạn chế phát tán mùi thuốc cỏ. Tinh vi vậy nên khi phát hiện được thì cây thông đã chết rồi.

Thậm chí có những cây đã chết, biết là cây bị khoan lỗ đổ thuốc nhưng tìm được vết khoan cũng rất mất thời gian. Ông Sơn khẳng định thông bị "ken" sẽ chết mà không có cách nào cứu được, dù cây thông mới vài năm tuổi hay cả trăm năm tuổi. 

Nhiều khi họ phát hiện người đầu độc thông rừng từ xa, chạy đến nơi thì tang vật còn nguyên, người vi phạm bỏ chạy, mùi thuốc cỏ còn nồng nặc. "Chúng tôi dùng dầu diezen đổ vào cố tẩy thuốc cỏ nhưng không được" - ông nói.

Đầu tiên, họ giết một cây... - Ảnh 3.

Bộ dụng cụ giết cây rừng rất đơn giản - Ảnh: M.VINH

Hạ một cánh rừng có khó?

Ở Lâm Đồng, đi trong những trảng thông xanh mướt, thấy nhiều cây héo úa, chết khô... là chuyện thường. Đi dọc đường Bảo Lộc, Bảo Lâm, Lạc Dương và cả Đà Lạt sẽ thấy có nhiều chỗ cây chết nối hàng dài. 

Đấy thường là điểm tiếp giáp giữa rừng và vườn dân. Cứ cách vài chục mét lại có một cây chết với hiện tượng giống nhau. Phía dưới, cây trồng của người dân, những cafe, những điều... đã lấn tới sát chân những cây thông chết. Nhiều cây thông mọc cạnh nhà dân ngay trong nội thành cũng có hiện tượng chết tương tự.

Và ở Đà Lạt có những nơi, sau một hồi tàn độc với cây, nhà kính đã lan tới chân những quả đồi, thậm chí ăn dần lên lưng đồi, đỉnh đồi. Khi "lâm tặc" mặc áo nông dân cũng là lúc công tác quản lý rừng liên tục vào báo động đỏ. 

Trong 3 năm 2017, 2018 và 2019, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng ghi nhận hơn 2.400 vụ phá rừng. Mà đây mới chỉ là số liệu về những vụ việc đã phát hiện. Trong đó, hơn 50% vụ việc không tìm được người vi phạm. Rừng dần biến mất. Núi thiêng Langbiang cũng không tránh khỏi trở thành nạn nhân.

Hạ độc một cây thông rất dễ. Hạ một cánh rừng có khó? Câu trả lời là: không khó. Năm 2019, một nhóm lâm tặc đã giết 3.500 cây thông rừng ở huyện Lâm Hà bằng cách "ken" cây, đục lỗ đổ thuốc sâu. Nguyên cả cánh rừng 10ha toàn bộ là thông đã hơn 20 năm tuổi bị giết trong vài tuần.

Ngô Văn Diệm (36 tuổi, Ninh Bình), tại cơ quan điều tra, đã kể lại hành trình "hạ độc" thông rừng một cách nhàn hạ. Diệm dùng khoan máy có gắn mũi dài khoảng 20cm đâm sâu vào thân cây thông. Mũi khoan vừa rút ra, thuốc diệt cỏ được đổ vào thân cây. Toàn bộ các động tác diễn ra rất nhanh, chỉ khoảng hơn 1 phút. Và 20 ngày sau, cây chết tuần tự.

Nhưng trong vụ án này, Diệm là người làm thuê. Cơ quan điều tra sau đó xác định Bạch Đình Kế đã thuê Diệm phá rừng nhằm chiếm đất bán dạng "không giấy tờ" cho người dân làm nông. Câu chuyện hạ sát cây rừng đến đây không còn để chiếm gỗ, chiếm đất làm nông kiểu nhỏ lẻ mà chuyển sang dạng tội phạm có tổ chức.

Ở những nơi cây xanh có thể mang lại nguồn thu bằng chính chức năng giữ gìn cảnh quan của nó, nó cũng bị cưa hạ lén lút hoặc hạ độc âm thầm. 

Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm được xem là hòn ngọc cảnh quan của TP Đà Lạt nhưng chỉ trong 3 năm (2017-2019), ngoài diện tích được phá bỏ để làm công trình xây dựng kiên cố (5% diện tích được cấp phép dự án), các doanh nghiệp ở đây đã cho "giết" một lượng thông rừng cổ thụ tương đương với 24.000m3 gỗ. 

Những cây rừng bị chết nằm rải rác ngay cạnh các dự án kinh doanh du lịch.

Chuyện tương tự cũng xảy ra tại núi Langbiang - danh thắng quốc gia. Hồi tháng 6-2020, cũng bằng đốn hạ và "ken" gốc, 129 cây thông có đường kính thân khoảng 0,5m bị phá bỏ. Tổng diện tích thông rừng bị tác động khoảng 7.000m2

Cơ quan chức năng khởi tố điều tra và xác định người đã âm thầm giết cây từ năm 2016 đến nay hòng chiếm đất núi thiêng làm nông.

Đầu tiên, họ giết một cây... - Ảnh 4.

Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) bị phá, thông nằm la liệt - Ảnh: M.VINH

Trong nhiều cách giết cây, cách của những tay "đồ tể rừng xanh" hoặc những lâm tặc mặc áo nông dân như nói ở trên dẫu gì cũng gây hậu quả nhẹ nhàng nhất nếu so sánh với hậu quả do lâm tặc mặc áo quan chức gây ra. 

Họ không dùng khoan điện, không dùng thuốc sâu, cũng chẳng động tay vào một cái cây, vậy mà cây chết vô tội vạ. Quan chức chúng tôi nhắc ở đây là nhóm các ông Lê Văn Minh - nguyên giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lâm Đồng (đã nghỉ hưu), Lê Quang Nghiệp - nguyên chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Lâm Đồng và Mai Hữu Chanh - giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lộc Bắc.

Năm 2016, khu rừng tại tiểu khu 398, 418, 419 (thuộc địa bàn xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) của Công ty Lâm nghiệp Lộc Bắc vẫn là rừng tự nhiên đang phát triển tốt. 

Dù chưa có đánh giá tác động môi trường nhưng năm 2016, ông Lê Quang Nghiệp vẫn tham mưu để ông Lê Văn Minh (khi đó là giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng) ký quyết định cấp phép khai thác tận dụng lâm sản (đợt 4) cho Công ty Lâm nghiệp Lộc Bắc. Hậu quả, diện tích rừng tự nhiên bị khai thác để chuyển sang trồng cao su trái pháp luật lên đến 75,8ha (trữ lượng gỗ trên 3.500m3). 

Đến năm 2016, ngay khi ông Minh chuyển từ Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng sang một cơ quan khác để chờ nghỉ hưu thì vụ việc bị cơ quan công an làm rõ, hiện ông Minh và các đồng phạm đã bị khởi tố.

Cách giết cây rừng như ở Lâm Đồng dùng hiện nay đã phổ biến. Ở những tỉnh thành khác như Hải Phòng, Tây Ninh, Đồng Nai, TP.HCM,... cũng đã xuất hiện những vụ giết cây với cách thực hiện giống nhau. 

Ông Nguyễn Văn Sơn, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, nhìn nhận: "Người ta làm chết cây âm thầm có nhiều mục đích, lớn nhất vẫn là chiếm đất để làm những điều người ta muốn. Họ hi vọng sau một khoảng thời gian đủ dài, luật pháp không truy cứu nữa, những khoảng đất "cướp" từ rừng sẽ thuộc sở hữu cá nhân". 

Nhưng ông cũng cam kết: Sẽ không có chuyện đất rừng bị phá sẽ biến thành đất nông nghiệp, rừng bị mất sẽ được trồng lại. Phát hiện được hung thủ thì sẽ xử lý, còn nếu không thì phải trồng lại rừng.

Ở Lâm Đồng có tất cả 171 kiểm lâm viên. Năm ngoái, UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định xử phạt hành chính 2 nông dân tại phường 12 (TP Đà Lạt) vì hủy hoại 2.500m2 diện tích thông trên núi Hòn Bồ với số tiền 125 triệu đồng. 10 năm qua, mỗi năm Lâm Đồng chi gần 12 tỉ đồng trồng lại diện tích rừng bị mất. 

Trong đó, ngoài khoản chi từ ngân sách thì có hơn 1,5 tỉ từ nguồn tiền phạt nọ để trồng lại diện tích rừng bị phá.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, trưởng phòng thanh tra pháp chế (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng), đầu độc thông rừng bị xếp vào hành vi phá rừng.

Khung hình phạt cho hành vi này rộng, tùy mức độ vi phạm và loại rừng bị phá (rừng sản xuất, rừng phòng hộ hay rừng đặc dụng). Người vi phạm bị phạt từ 300 ngàn đồng đến 50 triệu đồng tùy diện tích, lượng cây bị phá.

Người vi phạm nếu có hành vi phá rừng vượt ngưỡng 5.000m2 (rừng sản xuất) , 3.000m2 (rừng phòng hộ), 1.000m2 (rừng đặc dụng) thì bị xử lý hình sự với khung hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù.

Ông Võ Thanh Sơn, hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP Đà Lạt, ước lượng: "Tính nôm na cho dễ hiểu, mỗi cây thông bị đầu độc chết, thủ phạm bị xử phạt trung bình 2,3 triệu đồng/cây".

Mà để áp dụng một hình phạt tù thích đáng cho tội phá rừng, hại cây không hề dễ vì hoạt động phá rừng kéo dài nhiều năm liền, dần dà từng chút một, quy mô nhỏ, phạm vi rời rạc. Chỉ đến khi thống kê lại sau nhiều năm, rừng bị giết bị phá mới hiện ra trên con số lớn choáng váng.

Phó thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm vụ phá rừng phòng hộ ở Lâm Đồng Phó thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm vụ phá rừng phòng hộ ở Lâm Đồng

TTO - Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng rà soát xử lý nghiêm vụ phá rừng phòng hộ ở huyện Lạc Dương, giáp ranh TP Đà Lạt. Khu vực bị phá là rừng thông cổ thụ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp