Enrique phong trần đi rất nhiều kể từ sau bi kịch của con gái - Ảnh: AFP
Mùa hè năm 2017, Enrique rời Barca sau khi mãn hạn hợp đồng - một quyết định đầy bất ngờ bởi khi đó, đội chủ sân Camp Nou vẫn đang trong giai đoạn đỉnh cao. Cựu danh thủ người Tây Ban Nha nghỉ ngơi một năm trước khi chính thức được bổ nhiệm chiếc ghế HLV trưởng tuyển quốc gia.
Bi kịch gia đình
Với cương vị mới, Enrique mở màn không đến nỗi nào với thành tích 5 thắng, 2 thua trong 7 trận đầu tiên. Nhưng nỗi bất hạnh đột ngột ập đến. Cô con gái 9 tuổi của ông - Xana bị phát hiện mắc bệnh ung thư xương.
Và Enrique làm điều mà rất nhiều người cha cũng sẽ sẵn sàng làm, từ bỏ mọi công việc để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.
5 tháng sau khi phát bệnh, Xana qua đời trong vòng tay của ba mẹ. Và cuộc sống vẫn phải tiếp diễn với Enrique. Ông trở lại tuyển Tây Ban Nha theo thỏa thuận ban đầu do LĐBĐ nước này (RFEF) đặt ra.
Chủ tịch Luis Rubiales tiết lộ, khi Enrique muốn nghỉ việc, ông đã thuyết phục cựu HLV Barca để ngỏ khả năng trở lại. Trong thời gian Enrique chăm sóc con gái, trợ lý Robert Moreno sẽ tạm quyền dẫn dắt đội tuyển. Và nếu Enrique vượt qua, chiếc ghế HLV tuyển quốc gia sẽ được trả lại cho ông.
Cuối cùng thì Enrique cũng vượt qua được thật. Trớ trêu ở chỗ, người trợ lý Moreno đã làm rất tốt công việc thay thế và đưa Tây Ban Nha vượt qua vòng loại Euro một cách chóng vánh. Moreno chủ động đến nhà Enrique và đề nghị hãy để mình dẫn dắt tuyển Tây Ban Nha ở kỳ Euro 2020. Sau đó, Moreno sẽ trở lại với công việc trợ lý.
Enrique và Moreno (trái) một thời là đôi bạn thân - Ảnh: Reuters
"Đó là sự phản bội! Tôi biết Moreno là một người giàu tham vọng, điều đó tốt, nhưng tham vọng quá mức lại là chuyện khác. Tôi không muốn một người như vậy làm trợ lý cho mình", Enrique phát biểu trên truyền thông khi trở lại nhậm chức vào cuối năm 2019.
Sau đó, Enrique "tống cổ" gã trợ lý không trung thành dù gần 10 năm qua, Moreno là trợ lý cho ông từ AS Roma (2011 - 2012), Celta Vigo (2013 - 2014) cho đến Barca (2014 - 2017).
Một HLV chẳng giống ai
Một tấn bi kịch đã dẫn đến những câu chuyện buồn. Chúng ta có thể thông cảm phần nào cho tham vọng của Moreno, cũng như cảm giác giận dữ cho rằng mình bị phản bội của Enrique. Đó là cuộc sống, với rất nhiều những góc khuất, những câu chuyện đau buồn…
Chỉ trong một năm, Enrique đã mất con gái, mất một người bạn thân, và dường như mất luôn cả sự điềm tĩnh của một danh thủ lão luyện.
Khi còn dẫn dắt Barca, Enrique thường được ca ngợi vì sự tỉnh táo và quyết tâm làm cách mạng của ông. Chính Enrique là người đã chủ động tinh giảm "chất La Masia" trong đội ngũ Barca, bằng cách đặt lối chơi xoay quanh những tân binh như Luis Suarez, Ivan Rakitic, Neymar…
Nhưng trong lần thứ hai dẫn dắt Tây Ban Nha, Enrique đột ngột trở nên cố chấp khó hiểu với "ADN Barca" chảy trong tư duy của mình. Ông loại hết các cầu thủ Real Madrid khỏi đội hình tham dự Euro, và để những ngôi sao như Rodri, Thiago, Paul Torres phải dự bị cho dàn cầu thủ Barca.
Trận đấu với Croatia ở vòng 16 đội là tiêu biểu cho chất điên rồ của Luis Enrique. Họ mở màn bằng một cú sẩy chân ngớ ngẩn của Unai Simon (riêng chuyện Enrique dùng anh thay vì De Gea cũng đã gây nhiều tranh cãi).
Enrique có niềm tin kỳ lạ vào Morata (phải) - Anh: AFP
Nhưng Enrique bất chấp, ông vẫn chỉ đạo đội bóng tiếp tục lối chơi ban bật ở phần sân nhà xoay quanh khả năng chơi chân của Simon. Rồi vẫn đặt niềm tin gần như là mù quáng vào anh chàng Morata đẹp trai nhưng vụng về, vẫn kiên cường với lối bóng đá tấn công đầy lãng mạn…
Khi Tây Ban Nha đã dẫn 3-1, nếu có tư duy bình thường như bao chiến lược gia khác, Enrique ắt hẳn sẽ thay các tiền vệ tấn công như Pedri bằng Rodri hoặc Thiago, và chỉ đạo các học trò tập trung phòng ngự chắc chắn…
Nhưng không. Enrique vẫn giữ Pedri, vẫn giữ Busquets, vẫn giữ Morata, và tiếp tục cho các học trò chơi tấn công. Hậu quả là Tây Ban Nha bị Croatia gỡ hòa đầy khó tin. Người hâm mộ Tây Ban Nha có lẽ đã muốn khóc với sự ngoan cố, bất chấp và điên rồ của Enrique.
Nét lãng mạn cuối cùng
Nhưng rồi những giọt nước mắt vẫn chảy, không phải vì sự giận dữ, mà là hạnh phúc. Tây Ban Nha đã "chấp" Croatia một pha phản lưới nhà, chấp một tiền đạo vụng về, chấp luôn cả thái độ thi đấu trong 90 phút chính thức, nhưng rồi vẫn thắng bằng chính những điều điên rồ đó trong 30 phút hiệp phụ.
Unai Simon có một pha cứu thua không thể ngoạn mục hơn vào đầu hiệp phụ thứ nhất. Và không lâu sau đó, Morata ghi bàn.
Niềm tin mù quáng của Enrique cuối cùng cũng được đền đáp. Tây Ban Nha chung cuộc vẫn thắng, vẫn hiên ngang tiến vào tứ kết với một phong cách điên rồ mà vị HLV trưởng của họ tạo ra.
Hãy công bằng khi đưa ra các nhận định. Enrique có thể cục bộ và cố chấp một cách lạ lùng, nhưng ông đã xây dựng lối chơi tuyệt vời, cũng như sự tỉnh táo đáng nể cho các học trò.
Họ liên tiếp nhận 2 cú sốc trong một trận đấu nhưng rồi vẫn đứng dậy được. Và anh chàng học trò cưng Morata của Enrique thì vượt qua hết những lời chỉ trích, cả những lời đe dọa nhắm vào gia đình để ghi bàn thắng cực kỳ quan trọng.
Và cho đến giờ, tập thể điên rồ đầy lãng mạn này vẫn đang chiến thắng - Ảnh: AFP
Sự tỉnh táo của Morata, của toàn đội Tây Ban Nha phản chiếu lại chính hình ảnh HLV của họ. Liệu đó có phải là một gã HLV bất cần đời sau nhiều bi kịch trong cuộc sống, một người cha đã không còn biết sợ sau khi đi đến tận cùng nỗi đau của việc mất con?
Có lẽ vậy, đau thương đã rèn đúc Enrique từ một hình mẫu chiến lược gia chỉn chu trở thành một HLV bất cần, cố chấp và điên rồ.
Nhưng cũng chính trong sự điên rồ đó, chúng ta tìm thấy vẻ đẹp thuở sơ khai của bóng đá, tìm thấy những câu chuyện đầy cảm xúc, tìm thấy một nét lãng mạn hiếm hoi còn sót lại trong thế giới bóng đá ngày càng thực dụng…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận