10/08/2008 02:20 GMT+7

Đấu thầu xe buýt: còn nhiều việc phải làm

NGỌC HẬU
NGỌC HẬU

TT - Do không trúng đấu thầu, từ ngày 9-8 HTX Vận tải hành khách hàng hóa số 16 (HTX 16) không được tiếp tục khai thác vận chuyển trên tuyến Sài Gòn - Thới An mà chuyển toàn bộ số xe về phục vụ hai tuyến xe buýt Bến Thành - Metro Bình Phú và tuyến Đầm Sen - Bàu Cát. HTX 16 là đơn vị đầu tiên rớt thầu ngay trên tuyến mình đang kinh doanh khai thác...

fyZjXPKd.jpgPhóng to

HTX 16 (đã bị rớt thầu) không còn được khai thác tuyến Sài Gòn - Thới An từ ngày 9-8 (ảnh chụp ngày 8-8)-Ảnh: NGỌC HẬU

TT - Do không trúng đấu thầu, từ ngày 9-8 HTX Vận tải hành khách hàng hóa số 16 (HTX 16) không được tiếp tục khai thác vận chuyển trên tuyến Sài Gòn - Thới An mà chuyển toàn bộ số xe về phục vụ hai tuyến xe buýt Bến Thành - Metro Bình Phú và tuyến Đầm Sen - Bàu Cát. HTX 16 là đơn vị đầu tiên rớt thầu ngay trên tuyến mình đang kinh doanh khai thác...
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Đấu thầu khai thác vận tải xe buýt được xem là biện pháp phát huy được hiệu quả trong việc làm giảm gánh nặng trợ giá từ ngân sách. Từ việc HTX 16 rớt thầu với hàng chục xã viên lao đao, xung quanh việc đấu thầu, ngành giao thông TP.HCM còn nhiều việc phải làm không chỉ cho hình thức đấu thầu kinh doanh khai thác tuyến phát huy hiệu quả hơn, mà còn để giảm tối đa mức trợ giá từ ngân sách TP cho vận tải hành khách công cộng...

Rớt thầu ngay trên sân nhà!

Ngày 7-8, Sở GTVT chính thức có quyết định thay đổi đơn vị đảm nhận hoạt động trên hai tuyến xe buýt có trợ giá Đầm Sen - Bàu Cát và chợ Bến Thành - Metro Bình Phú. Theo đó, đơn vị đảm nhận chính thức là HTX 16 và đơn vị bàn giao là Công ty Xe khách Sài Gòn. Ngược lại, tuyến xe buýt Sài Gòn - Thới An sẽ được Công ty xe khách Sài Gòn tiếp nhận vận chuyển khách theo kết quả đấu thầu khai thác tuyến xe buýt đã được phê duyệt.

Theo hồ sơ đấu thầu, giá gói thầu của tuyến Sài Gòn - Thới An là 10,37 tỉ đồng/3 năm (3,46 tỉ đồng/năm). HTX 16 đưa ra giá dự thầu là 9,61 tỉ đồng/3 năm (3,2 tỉ đồng/năm), tức mỗi năm Nhà nước sẽ giảm tiền trợ giá 260 triệu đồng. Tuy nhiên, Công ty Xe khách Sài Gòn đưa ra giá dự thầu chỉ có 7,8 tỉ đồng/3 năm (2,6 tỉ đồng/năm), tức mỗi năm trên tuyến này TP giảm chi trợ giá đến gần 1 tỉ đồng nên đã trúng thầu khai thác tuyến Sài Gòn - Thới An.

Rớt thầu, gần 30 xã viên của HTX 16 đứng trước nguy cơ trắng tay vì mắc nợ ngân hàng. Theo các xã viên HTX 16, từ giữa năm 2004 các xã viên đã cầm cố nhà cửa thế chấp để trả trước cho ngân hàng 30% tổng trị giá khoảng 590 triệu đồng cho chiếc xe buýt B55 đưa vào khai thác trên tuyến Sài Gòn - Thới An. Thời hạn vay vốn ngân hàng khoảng sáu năm với tiền vay lên đến gần 400 triệu đồng và đến nay hầu như xã viên của HTX đều còn nợ ngân hàng chưa trả hết.

Làm lại từ đầu!

Trước những khó khăn của xã viên HTX 16, Sở GTVT đã có giải pháp tháo gỡ là bố trí đơn vị này vào hoạt động khai thác trên hai tuyến xe buýt có trợ giá khác là tuyến Bến Thành - Metro Bình Phú và tuyến Đầm Sen - Bàu Cát. Tuy nhiên đây là hai tuyến xe buýt có trợ giá đang hoạt động mà Công ty Xe khách Sài Gòn đã báo cáo lỗ và đề nghị được ngưng hoạt động.

Theo báo cáo của Công ty Xe khách Sài Gòn, tuyến Đầm Sen - Bàu Cát bình quân doanh thu tiền vé được 21.690 đồng/chuyến, đạt 16,36% tổng chi phí; tuyến Bến Thành - Metro Bình Phú đạt 34.133 đồng/chuyến, đạt 33,12% tổng chi phí của chuyến. Tổng cộng trong sáu tháng đầu năm, hai tuyến xe này lỗ hơn nửa tỉ đồng. Như vậy khi tiếp nhận hai tuyến xe buýt mới, các xã viên HTX 16 phải đối phó với tình trạng lỗ tiếp tục khi lượng khách đi lại rất ít, đồng thời phải trả nợ lãi vay ngân hàng cho việc đầu tư trên tuyến cũ.

Ngày 9-8, trong ngày đầu tiên tiếp nhận và vận chuyển khách tuyến Bến Thành - Metro Bình Phú, chủ xe buýt 53N-6477 cho biết: "Tuyến này ít khách quá, mỗi chuyến chỉ 7-8 khách. Đến hơn 9g30, xe tôi chạy ba chuyến chỉ được tổng cộng 22 vé. Nhưng phải ráng chạy thôi, tôi hi vọng vạn sự khởi đầu nan".

Ông Lê Trung Tính, trưởng Phòng quản lý vận tải công nghiệp Sở GTVT, cho biết đây sẽ là đơn vị duy nhất rớt thầu còn được tham gia vận chuyển trên tuyến xe buýt có trợ giá. Ông Tính cũng khẳng định: "Về khía cạnh pháp lý, thật ra đã tham gia đấu thầu là tham gia cuộc chơi của quy luật thị trường nên không thể có trường hợp ngoại lệ. Điều đó có nghĩa những đơn vị rớt thầu phải tự xử lý số phương tiện dôi ra của đơn vị mình. Thế nhưng do đặc điểm của các đơn vị vận tải ở thành phố, đồng thời xét cả về yếu tố trật tự, an toàn và an sinh xã hội, chúng ta không thể chỉ dùng lý để giải quyết hậu quả này".

Đấu thầu trên tuyến chọn lọc

Hiện nay TP có 148 tuyến xe buýt thì vẫn còn đến 114 tuyến có trợ giá và chỉ 34 tuyến không trợ giá. Đấu thầu khai thác tuyến là hình thức để TP giảm trợ giá, nhưng hiện nay TP.HCM chỉ mới đưa năm tuyến vào đấu thầu và chỉ mới có bốn tuyến đưa vào khai thác theo kết quả thầu là các tuyến Sài Gòn - Thới An, Chợ Lớn - Gò Vấp, Củ Chi - Bình Mỹ, Chợ Lớn - bến xe miền Đông. Tuyến bến xe Văn Thánh - Tân Sơn Nhất đã đấu thầu nhưng Sở Tài chính chưa thống nhất phương tiện vận chuyển nên chưa đưa vào khai thác. Như vậy vẫn còn đến 110 tuyến TP đang trợ giá 100%.

Theo ông Tính, mỗi năm tiền trợ giá cho các tuyến đã đấu thầu khai thác giảm bình quân 860 triệu đồng/tuyến xe buýt. Vì thế nhất thiết chúng ta phải tiếp tục tổ chức đấu thầu các tuyến xe buýt. Tuy nhiên, sẽ không thực hiện đấu thầu mở rộng một cách ồ ạt mà chỉ nên từng bước, cụ thể là trong năm 2008 chỉ chọn đấu thầu 4-6 tuyến. Tuyến tổ chức đấu thầu cần có sự ổn định cao, ít có hậu quả phải giải quyết về mặt "hậu" đấu thầu. Chọn các tuyến mới, tuyến không hiệu quả (trợ giá trên 50%) hoặc tuyến chưa có thống nhất về mức khoán... để tổ chức khai thác đấu thầu.

Cần nói thêm để giảm chi phí trợ giá từ ngân sách cho hoạt động vận tải hành khách công cộng ngoài đấu thầu kinh doanh khai thác tuyến, vẫn còn nhiều biện pháp tài chính khác cho hoạt động xe buýt nhưng chậm áp dụng như biện pháp thu tiền quảng cáo bên ngoài thành xe buýt đã được TP đồng ý nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.

Phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Xuân Mai, khoa kỹ thuật giao thông Trường đại học Bách khoa TP.HCM, từng đề xuất tính toán để thu được phí giữ xe, cũng như phí đi xe buýt từ các doanh nghiệp, đơn vị có số lao động tham gia giao thông cao để đưa vào nguồn tiền phát triển cũng như trợ giá hoạt động vận tải khách công cộng của TP. Ông Mai nhấn mạnh số tiền giữ xe hay các loại phí khác phải được cơ quan nhà nước thu để trợ giá hoặc tái đầu tư cho vận tải công cộng chứ không thể để các tổ chức, cá nhân thu một cách tràn lan, lãng phí như hiện nay...

NGỌC HẬU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp