10/09/2023 10:04 GMT+7

Dẫu 'thắt lưng buộc bụng', vẫn đầu tư tiền tỉ cho con học

Dù phải 'thắt lưng buộc bụng', giảm chi tiêu nhưng nhiều gia đình vẫn giữ nguyên đầu tư giáo dục cho con, thậm chí còn tăng lên.

Ngoài việc cho con theo học các môn kiến thức, nhiều cha mẹ cũng đầu tư vào các môn năng khiếu như nhạc, họa, đặc biệt là thể thao để trang bị cho con tốt hơn. Trong ảnh: một lớp học năng khiếu bóng đá tại Q.5, TP.HCM - Ảnh minh họa: NHƯ HÙNG

Ngoài việc cho con theo học các môn kiến thức, nhiều cha mẹ cũng đầu tư vào các môn năng khiếu như nhạc, họa, đặc biệt là thể thao để trang bị cho con tốt hơn. Trong ảnh: một lớp học năng khiếu bóng đá tại Q.5, TP.HCM - Ảnh minh họa: NHƯ HÙNG

Khi các con vừa bước vào năm học mới cũng là lúc chị N.T.T. (43 tuổi, ngụ ở Q. Phú Nhuận, TP.HCM) ngồi tính toán, cân đối chi tiêu trong gia đình.

Để không ảnh hưởng đến khoản đầu tư giáo dục

Sau dịch COVID-19, tổng thu nhập của hai vợ chồng chị giảm hơn 20 triệu đồng/tháng. Thu nhập của hai vợ chồng cùng giảm nên chị T. phải cắt giảm nhiều khoản chi tiêu trong gia đình. Chỉ có một khoản chị không cắt giảm là chi phí đầu tư giáo dục cho hai con.

Con gái đầu năm nay vừa đỗ khoa kinh doanh quốc tế, hệ cử nhân tài năng của Trường đại học Kinh tế TP.HCM. Dù con gái chị học giỏi có thể đỗ vào nhiều trường khác hoặc chọn học hệ tiếng Việt của trường này cho chi phí rẻ hơn nhưng chị T. luôn cho rằng "đầu tư giáo dục cho các con luôn là khoản đầu tư quan trọng nhất vì đầu tư giáo dục là đầu tư cho tương lai".

Bé nhỏ nhà chị năm nay học lớp 5. Bé cũng đang học tích hợp tại một trường tiểu học, bé học giỏi nên chị đã đăng ký cho con luyện thi tại một trung tâm để thi vào trường chuyên cho năm sau.

"Nhiều năm trước gia đình tôi thường hay đi du lịch, ăn hàng quán, đi cà phê, coi phim, đi mua sắm..., còn giờ tôi dậy sớm nấu ăn cho cả nhà, tôi nấu cả phần cơm trưa mang đi. Các ngày lễ trong năm nhà tôi chỉ đi quanh quanh TP và gần như không mua sắm gì" - chị T. chia sẻ.

Còn chị N.T.M. (40 tuổi, ngụ ở Q.10) chia sẻ: "Kinh tế khó khăn nhưng năm nay chi phí đầu tư giáo dục cho hai con tôi lại tăng nhiều hơn so với những năm trước". Thu nhập vợ chồng chị không đủ trang trải sinh hoạt gia đình, đóng tiền học cho con.

Dù vậy, chị M. vẫn không giảm đầu tư giáo dục cho con mà còn tăng thêm vì năm nay hai con chị đều đang học cuối cấp. Khoản tiền hai vợ chồng chị tích lũy được từ trước, chị chi ra dần để đầu tư giáo dục cho con.

"18 năm kim cương đầu đời của các con rất quan trọng. Ba mẹ có thể khó khăn, cắt giảm thứ này hay thứ khác nhưng khoản đầu tư về thể chất cho các con lớn và khoản đầu tư học hành cho các con không thể cắt giảm", chị M. lập luận.

Ngoài học tích hợp tại hai trường có tiếng trong TP, chị M. còn đầu tư cho hai con học piano, vẽ và học tiếng Anh tại Hội đồng Anh.

Ở chung cư cũ nhưng đầu tư 1 tỉ đồng tiền học mỗi năm

Gặp và tiếp xúc với chị N.H.Q. (46 tuổi, ngụ ở Q.3) không ai nghĩ chị có thể đầu tư cho con nhiều tiền học đến thế. Chị làm trong một cơ quan nhà nước, chồng chị vừa làm giảng viên một trường đại học vừa cùng bạn mở công ty riêng.

Gia đình chị đang sống tại một chung cư cũ ở Q.3 nhưng hai con chị lại học một trường quốc tế ở Q.2. Tổng học phí mỗi năm chị đóng cho hai con lên đến 1 tỉ đồng.

Chị Q. chia sẻ thay vì có thể mua một căn nhà 15 tỉ để ở, vợ chồng chị lại chọn ở chung cư cũ và số tiền còn lại dành cho con đi học.

Ngoài đầu tư giáo dục, gia đình chị tiêu xài như những người dân bình thường khác, ăn uống bình thường, chưa có xe hơi để đi. Điều khác biệt duy nhất là chồng của chị có quan điểm đầu tư giáo dục cho con thật tốt. Anh ấy bảo có hai cô con gái, sau này cũng không cần sắm nhà cho con, chỉ lo cho hai con học thật tốt.

Theo chị Q., vợ chồng chị có được cuộc sống như ngày hôm nay cũng nhờ được cha mẹ đầu tư cho học hành bài bản. Vì vậy, vợ chồng chị cũng tin rằng chỉ khi được đầu tư vào giáo dục tốt, thế hệ kế tiếp mới có thể có một tương lai tốt đẹp!

"Cũng may, các con hiểu được tấm lòng của cha mẹ biết chăm chỉ học hành, biết thương yêu cha mẹ nên vợ chồng tôi thấy con đường mình đã chọn, cách mình đầu tư là rất đúng", chị Q. hào hứng nói.

TS Lê Thị Mai Liên, trưởng khoa tâm lý Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, cho biết tâm lý chung của các bậc cha mẹ là mong muốn mang đến những điều tốt đẹp nhất cho con. Trong khả năng của mình, nhiều người đã hy sinh những nhu cầu bản thân để đầu tư hết mức cho con.

Tuy nhiên, TS Mai Liên lưu ý không phải cứ đầu tư cho con một môi trường giáo dục tốt nhất, chu cấp mọi thứ đầy đủ nhất là trẻ sẽ phát triển tốt nhất. Ngoài việc được học trong môi trường giáo dục tốt, các bậc cha mẹ phải dạy trẻ tính tự lập, biết giải quyết vấn đề của mình, trẻ cũng cần có trải nghiệm thiếu thốn một chút để ước mơ, để nỗ lực...

"Đầu tư" cho con thế nào mới đúng?'Đầu tư' cho con thế nào mới đúng?

Cha mẹ nào cũng luôn yêu thương, đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc cho con, mong muốn sau này con thành công, hạnh phúc... Nhưng 'đầu tư' thế nào mới đúng?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp