2 lần phẫu thuật, u vẫn khổng lồ phá hủy khuôn mặt
Cô gái V.T.H. (23 tuổi, Hải Phòng) nhập viện trong tình trạng khối u men xương hàm trên kích thước rất lớn (u men răng), đã được phẫu thuật 2 lần cách đây 2 năm tại bệnh viện tuyến trung ương.
Sau phẫu thuật khối u vẫn tiếp tục phát triển nhanh hơn, xâm lấn phá hủy khuôn mặt khiến người bệnh đau đớn tự ti không dám tiếp xúc với người xung quanh, không thể nói và ăn uống dẫn đến cơ thể suy kiệt và bị từ chối phẫu thuật tại bệnh viện tuyến trung ương.
Trên hình ảnh phim chụp cắt lớp vi tính trước phẫu thuật, ổ tiểu xương hàm trên bên trái kích thước 8 x 7cm, có dấu hiệu thối vỏ làm mỏng màng xương, gây phá vỡ vỏ xương xâm lấn vào thành xoang hàm, xoang bướm lân cận, xâm lấn ra phần mềm xung quanh tạo khối kích thước 12 x 9cm.
Với sự phối hợp của các bác sĩ chuyên gia đến từ 8 chuyên khoa thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp: Ung bướu, Tạo hình, Phẫu thuật sọ não - Cột sống, Gây mê - Hồi sức, Hồi sức tích cực, Răng - Hàm - Mặt, Tai - Mũi - Họng, Mắt đã tiến hành và quyết định mổ ghép mạch máu và cắt bỏ các cơ quan bị khối u xâm lấn, tạo hình lại khuôn mặt...
Ngày 18-7-2023, sau gần 6 giờ tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy bỏ được toàn vẹn khối u. Cắt bỏ toàn bộ khối xương hàm trên, sàn hốc mắt trái, mũi xoang, đặt chất liệu "Titan mesh" dựng hình mũi, sàn ổ mắt, xương hàm trên trái - cung gò má trái, lót vạt niêm mạc má che phủ, khâu tạo hình phục hồi nửa mặt trái cho bệnh nhân.
Sau hơn 20 ngày được chăm sóc hậu phẫu tích cực tại khoa ngoại ung bướu và chăm sóc giảm nhẹ, tình trạng sức khỏe của người bệnh đã ổn định, đi lại sinh hoạt, có thể nhai nuốt và được xuất viện.
PGS.TS Phạm Như Hải - phó hiệu trưởng Trường đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết - u men răng không phải là hiếm gặp, chiếm 6% các loại u về răng hàm mặt (kể cả u lành tính và ác tính). Tại Việt Nam chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng ở Mỹ số người mắc trong 1 năm là 400.000 ca.
Bệnh thường gặp ở thanh thiếu niên và người trưởng thành từ 10 - 45 tuổi. Hầu hết bệnh nhân đến viện trong tình trạng muộn, sưng vùng mặt ở xương hàm, lung lay răng, rụng răng nên điều trị rất khó khăn và tốn kém.
Bệnh rất khó được phát hiện bởi khối u không gây đau nhức, bệnh nhân vẫn ăn uống được bình thường, bệnh tiến triển âm thầm, chỉ đến khi bị sưng, bị lệch mặt, răng lung lay... đi khám may chăng mới phát hiện.
Nhưng khi khối u đã thấy rõ, gây biến dạng khuôn mặt thì xương hàm đã bị hủy hoại. Thời gian từ lúc bệnh nhân phát hiện bất thường đến lúc điều trị thường khoảng 2 - 3 năm.
Theo PGS Hải, phương pháp điều trị duy nhất cho những loại bệnh này là phẫu thuật để lấy u. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đến sớm thì phẫu thuật đơn giản, tiên lượng tốt, bảo toàn được răng, còn khi đến trễ thì điều trị khó, thậm chí còn để lại nhiều di chứng như lép mặt, răng rụng, hàng loạt cản trở các chức năng nhai, nuốt, nói...
Nhiều bệnh nhân đã phải cắt hết cả xương hàm và phải ghép xương hàm bằng xương tự thân (sụn sườn và thân sườn hoặc xương mào chậu), hay bằng mảnh ghép kim loại và mang hàm giả. Việc tái tạo xương hàm khá tốn kém và phức tạp... và cũng không thể giúp hồi phục hoàn toàn.
Tái phát cao và dễ thành ác tính
PGS.TS Phạm Như Hải nhấn mạnh u men răng chủ yếu là u lành tính, nhưng vì tỉ lệ tái phát cao nên được coi là u ác tính.
Khi bị u nếu không được điều trị đúng, u không chỉ lan vào các tổ chức xung quanh như phần mềm, xương hàm, khớp thái dương hàm, sàn sọ... mà còn thoái hóa thành u ác tính, di căn vào máu và hệ bạch huyết, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Điều đáng quan tâm nhất hiện nay là hầu như người dân không biết tới bệnh này, chỉ thấy răng bị lung lay là nhổ bỏ.
Hơn nữa, u chỉ được phát hiện bằng cách chụp X-quang toàn bộ xương hàm. Vì vậy, đã có rất nhiều bệnh nhân được điều trị sai vì các bác sĩ thấy răng bệnh nhân bị lung lay nên chỉ nhổ bỏ răng, hoặc mổ u không triệt để dẫn tới bệnh tiến triển ngày một nặng hoặc tái phát trầm trọng.
Theo PGS.TS Hải, hiện chưa rõ nguyên nhân gây bệnh nên rất khó có biện pháp phòng ngừa, chỉ biết đó là sự phát triển bất thường của tổ chức răng. Tuy nhiên, người ta nghi ngờ sâu răng, nhiễm trùng răng hoặc chấn thương răng dễ dẫn đến u răng. Vì vậy, cần tránh các tổn thương này.
Hơn nữa, các bác sĩ đều khuyên trẻ chậm mọc răng, hàm bị thiếu răng... cần phải đi chụp kiểm tra xem răng nằm ở đâu, có u chèn vào răng hay không.
Khi có bất kỳ các biểu hiện bất thường nào như: răng lung lay, xương hàm lệch, có biểu hiện viêm xoang, viêm mũi (u phát triển vào xoang hàm gây viêm xoang, viêm mũi)... cần đi chụp X-quang răng để kiểm tra.
Không nên chủ quan với những bất thường nào ở răng dù nhỏ vì với bệnh lý u men răng, có trường hợp khuôn mặt trông vẫn bình thường nhưng xương hàm đã bị tiêu hủy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận