05/08/2010 08:00 GMT+7

Đầu ra cho phim nghệ thuật: Thiếu một nhạc trưởng

CÁT KHUÊ
CÁT KHUÊ

TT - Trong khi các hãng phim nhà nước còn xa lạ với công tác phát hành phim thì vài năm nay, bằng nhiều hình thức khác nhau, dù đơn lẻ, tư nhân đã lặng lẽ làm thay phần việc đó.

Kỳ 3:

BiCfd6pr.jpgPhóng to
Khán giả sẽ khó có cơ hội xem lại những bộ phim VN này nếu như Phương Nam phim không kết hợp với Hãng Phim truyện VN phát hành bản DVD

Sớm nhận thấy nhu cầu từ phía khách hàng và xuất phát từ việc muốn phát triển thị trường "home video" (video trong nhà) - đặc biệt là các sản phẩm "made in VN", Phương Nam phim đã từng bước ký hợp đồng thỏa thuận với các hãng phim trong nước để phát hành phim truyện VN dưới dạng DVD.

Những con đường nhỏ lẻ

Theo lời bà Phan Thị Lệ (tổng giám đốc Công ty Phương Nam), Phương Nam phim đã phát hành hơn 30 trong tổng số 60 phim của Hãng Phim truyện VN. Phát hành chỉ mới hai tháng, số lượng bán ra đã vượt mức mong đợi (trên 1.000 DVD/phim, nhiều nhất là những phim rất nổi tiếng như Biệt động Sài Gòn, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Làng Vũ Ðại ngày ấy...).

Ða số phim đã bắt đầu được in tái bản, dự kiến tháng 9-2010 sẽ lần lượt phát hành toàn bộ 60 phim mà kho phim của Hãng Phim truyện VN đang có. Phương Nam phim cũng đã thỏa thuận với Hãng phim Giải Phóng, Hãng phim Tài liệu & khoa học T.Ư... để dự kiến cuối năm nay có khoảng 100 tập phim VN được bày bán trên kệ DVD trong cả nước.

Trong khi đó, "ông Tây" Gerry Herman nhanh chóng được giới yêu phim Hà Nội biết đến khi biến căn biệt thự cũ trong hẻm 22A Hai Bà Trưng thành một chốn đi về của người yêu phim nghệ thuật. Hà Nội Cinematheque có phòng chiếu 89 ghế ngồi, màn hình tiêu chuẩn chống lóa, âm thanh tốt và khoảng 300 phim kinh điển có bản quyền.

Ngoài chiếu phim theo chuyên đề như phim của nhà làm phim nổi tiếng Hitch Cock, phim kinh điển Pháp, điện ảnh miền Viễn Tây hay phim âm nhạc...; Gerry Herman còn được nhắc đến nhiều qua việc ông đã phục dựng bộ phim kinh điển Bao giờcho đến tháng 10 từ bản nhựa đang có nguy cơ hỏng sang bản DVD chất lượng cao. Sau đó Gerry tiếp tục chuyển sang DVD các phim như Thương nhớ đồng quê, Gánh xiếc rong, Canh bạc, loạt phim truyền hình Ðất phương Nam... và sắp tới là Em bé Hà Nội.

Từ năm 2003 phim Việt còn liên tục đến Mỹ một cách hệ thống thông qua "kênh" IVCE (Viện Văn hóa và giáo dục VN tại Mỹ). Anh Trần Thắng - chủ tịch IVCE - cho Tuổi Trẻ biết đến nay thông qua IVCE, đã có chín phim tài liệu, 14 phim truyện và 12 nhà làm phim Việt sang Mỹ để giới thiệu phim ở các trường đại học, các liên hoan phim.

Nhờ những cơ hội này, nhiều người Mỹ trẻ có quan tâm đến VN được nhìn thấy VN trong một hơi thở mới mẻ, chứ không phải hình dung về một VN của chiến tranh nữa. Cũng đem phim xuất ngoại, BHD là đơn vị có thâm niên đem phim Việt đi chào bán tại các liên hoan phim, hội chợ phim khu vực và thế giới.

1YAVWACY.jpgPhóng to

Thói quen thưởng thức - khán giả có lỗi không?

Ðạo diễn Charlie Nguyễn cho biết ở Mỹ và một số nước phương Tây, dù phạm vi phổ biến của phim nghệ thuật hẹp hơn phim thương mại nhưng vẫn tồn tại một thị trường. Tại các rạp, lịch chiếu được thông báo đều đặn trước hằng tháng, tạo nên một thói quen thưởng thức. Ở nước ta, sau thời kỳ khủng hoảng của phim mì ăn liền, thói quen đến rạp xem phim được khơi dậy từ khi VN nhập về các phim Hollywood, cùng sự có mặt của hệ thống rạp hiện đại, sang trọng. Cũng không thể phủ nhận phim Việt kéo được khán giả là từ Gái nhảy - một phim thương mại của đạo diễn Lê Hoàng.

Bây giờ lịch chiếu phim rạp phủ sóng dày đặc phim Hollywood và vài phim giải trí Việt mùa tết. Thế nên với số đông khán giả, điện ảnh sẽ chỉ là điện ảnh Mỹ, phim sẽ chỉ là phim giải trí. Phim Việt làm ra chiếu một vài lần nhân dịp lễ lạt rồi biến mất. Muốn xem cũng không có cơ hội xem vì in ra một bản phim không phải rẻ, mà rạp nào chịu chiếu? Biết đi đâu để xem phim Việt cũ, xem phim kinh điển nghệ thuật của thế giới?

Các nhà quản lý điện ảnh nước ta có vẻ đã lãng quên rằng điện ảnh - với hơn 100 năm đóng góp vào kho tàng văn hóa của nhân loại những tác phẩm bất hủ - ngoài yếu tố giải trí còn là một ngành nghệ thuật hấp dẫn với các chức năng giáo dục thẩm mỹ, truyền bá và khám phá văn hóa. Tại sao VN lại thiếu những nơi có thể xem được phim nghệ thuật, phim kinh điển của thế giới cũng như của chính VN?

Nhiều người hay đổ lỗi cho thói quen của khán giả: thích đến rạp coi phim Hollywood, thích mua đĩa lậu về coi tại nhà hơn là tìm đến một không gian cho nghệ thuật với những giao lưu học hỏi thú vị. Nhưng thật ra khán giả tự tạo ra thói quen hay chính hoàn cảnh thiếu thốn hạ tầng điện ảnh - cụ thể ở đây là rạp chiếu phim - đã bắt khán giả có thói quen đó?

Ðạo diễn Khải Hưng thừa nhận: "Ðúng là thói quen! Những năm 1980-1990, người Hà Nội đổ về các rạp chiếu phim, người đến chậm phải mua vé "phe", vé được phân phối đến các cơ quan nhà nước. Riêng tôi tuần nào cũng đến rạp xem phim ít nhất một lần, đó là thói quen. Nhưng bây giờ muốn có thói quen, trước hết phải có phim hay, rạp tốt và giá vé vừa phải so với thu nhập của cộng đồng. Thói quen đến rạp thưởng thức điện ảnh là một thói quen cao quý, cần phải tạo lại thói quen này".

Để khán giả Việt không phải ước...

Nói như đạo diễn Khải Hưng, đúng là “điện ảnh VN đang thiếu một nhạc trưởng” để điều phối nên các nỗ lực mang điện ảnh đích thực đến với khán giả vẫn là sự tự phát, riêng lẻ. Fansland của Dũng Digital cũng xuất phát từ sự đơn lẻ ấy và đã thành công trong hàng chục năm.

Giữa cơn bão không chỉ của phim Hollywood mà còn nhiều loại hình giải trí khác, để khán giả yêu nghệ thuật điện ảnh vẫn có cơ hội thưởng thức những món ăn tinh thần chuyên biệt, có lẽ đã đến lúc cần bàn tay Nhà nước biết đầu tư cho đầu ra của phim nghệ thuật trong và ngoài nước một cách hệ thống. Để khán giả Việt không phải ước rằng bao giờ cho đến ngày xưa...

CÁT KHUÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp