07/11/2018 11:37 GMT+7

Đậu nành Mỹ trùm mền 'nhìn' thương chiến

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Lúc này các nông dân trồng đậu nành ở vùng Bắc Dakota đã bước vào mùa thu hoạch. Nhưng đậu vẫn phải nằm chất đống trong kho vì thị trường lớn nhất của họ là Trung Quốc đã dừng mua.

Đậu nành Mỹ trùm mền nhìn thương chiến - Ảnh 1.

Một trang trại đậu nành ở Mỹ - Ảnh: Reuters

Theo dữ liệu thống kê mới nhất của liên bang do báo New York Times cung cấp trong bài viết đăng ngày 5-11, cho tới giữa tháng 10 năm nay, doanh số bán đậu nành Mỹ vào Trung Quốc đã giảm 94% so với mùa thu hoạch năm ngoái.

Mong tăng giá trước khi hư thối

Nếu bình thường, công việc của một nông dân ở đây vào buổi sáng sẽ là vào mạng kiểm tra xem bao nhiêu công ty Trung Quốc đã đặt hàng trong đêm.

Thói quen vài chục năm này mới đây đã thay đổi. Lý do không gì khác là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lúc này vẫn mù mịt như mấy tấm vải bạt đang trùm lên các cánh đồng và núi đậu nành thu về của họ.

Trong hai thập kỷ qua, so với các hạt khác ở Mỹ, các nông dân ở hạt Cass (bang Bắc Dakota) là những người có cuộc sống thịnh vượng hơn cả nhờ vào cây đậu nành. 

Nông sản của họ sau khi thu hoạch sẽ được vận chuyển đường thủy xuyên qua Thái Bình Dương tới Trung Quốc để cung cấp nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi cho các trang trại heo, gà và làm dầu ăn cho người dân ở quốc gia đông dân nhất thế giới. 

Trên thực tế ngành công nghiệp đậu nành của bang Bắc Dakota được tạo ra bởi nhu cầu từ thị trường Trung Quốc.

Nhưng năm nay Trung Quốc đã dừng mua gần như toàn bộ đậu nành của Mỹ. Thị trường lớn nhất của nông dân trồng đậu nành Mỹ đã đóng cửa. Bắc Kinh đã áp thuế với đậu nành Mỹ để trả đũa việc chính quyền của Tổng thống Trump áp thuế bổ sung với hàng hóa Trung Quốc.

Theo ông Kevin Karel - tổng quản lý của Công ty Arthur Companies, đơn vị đã có nhiều năm bán đậu nành cho Trung Quốc, năm nay là năm đầu tiên công ty ông phải lưu trữ hàng trong kho với số lượng lên tới 1 triệu giạ (bushel, 1 bushel đậu nành = 27,2kg). Họ hi vọng trữ hàng chờ khi thương chiến Mỹ - Trung kết thúc, hoặc ít nhất là giảm nhiệt, để giá bán tăng thêm.

Một số nông dân ở Bắc Dakota bày tỏ hi vọng ông Trump sẽ thương thuyết thành công vì lợi ích quốc gia. Thậm chí những người là "fan" của tổng thống Mỹ đương nhiệm sẵn sàng chịu đựng gian khổ ngay lúc này để đời con cháu họ được hưởng lợi. 

Song dĩ nhiên cũng có những người bày tỏ hoang mang, không hiểu nổi mục đích của chính quyền là gì trong cuộc thương chiến vì với họ tất cả đều sẽ thất bại nếu không tìm ra lối thoát.

"Trung Quốc sẵn sàng đối thoại"

Tại Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc ở Thượng Hải ngày 5-11, chủ tịch điều hành Tập đoàn Alibaba, tỉ phú Jack Ma, cho rằng mục đích của thương mại nên là thúc đẩy hòa bình và trao đổi hơn là xung đột, việc gia tăng chủ nghĩa bảo hộ là sai lầm. 

"Không ai có thể ngăn chặn được tự do thương mại" - ông khẳng định. Giới đầu tư kỳ vọng cuộc gặp dự kiến giữa ông Trump và ông Tập bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina cuối tháng này sẽ là cơ hội để hai bên tháo ngòi căng thẳng.

Trong khi đó tín hiệu tích cực mới nhất trong quan hệ Mỹ - Trung là hai bên sẽ nối lại cuộc đối thoại an ninh và ngoại giao cấp cao từng bị trì hoãn trong ngày thứ sáu tuần này (9-11) tại Washington sau cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Tập tuần trước.

Phát biểu trong một diễn đàn kinh tế tại Singapore ngày 6-11, Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn lặp lại quan điểm Trung Quốc sẵn sàng đối thoại và hợp tác với Mỹ để giải quyết những xung đột thương mại.

Trung Quốc ngỏ lời đàm phán thương mại với Mỹ

TTO - Hôm nay (6-11), Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn ngỏ lời rằng Bắc Kinh đã sẵn sàng đàm phán với Mỹ để chấm dứt cuộc chiến thuế quan kéo dài mấy tháng qua.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp