Một học sinh lớp 2 tại TP.HCM đem sách vở đến trường cho giáo viên kiểm tra - Ảnh: NHƯ HÙNG
Đầu năm học 2019-2020, nhiều phụ huynh ở TP.HCM đau đầu với việc mua sắm đồ dùng học tập theo yêu cầu của giáo viên chủ nhiệm và nhà trường.
Bìa bao phải có logo của trường
Chị Hoàng, phụ huynh một trường tiểu học ở quận Phú Nhuận (TP.HCM), phản ảnh cuối năm học trước nhà trường thông báo phụ huynh nào có nhu cầu mua SGK cho năm học mới thì đăng ký. Chị đã đăng ký, đóng tiền và cầm chắc là con mình đã có đầy đủ SGK.
Đầu năm học này, nhà trường lại thông báo là ngoài bộ SGK đã mua, phụ huynh phải mua thêm bộ sách bài tập nữa. "Tôi chạy ra nhà sách, khu bán lẻ đã hết một số cuốn, không đủ cả bộ sách bài tập. Còn ở khu bán cả bộ, muốn mua bộ sách bài tập phải mua luôn cả bộ SGK" - chị Hoàng kể.
Chị Thu Hồng, phụ huynh lớp 1 ở quận 8 (TP.HCM), cho biết: "Tôi đi tìm tới 4 nhà sách nhưng đều đã hết 2 cuốn mỹ thuật và thủ công. Tôi tự hỏi tại sao khi bán trọn bộ thì hệ thống phân phối SGK lại không đưa sách thủ công và mỹ thuật vào cho phụ huynh đỡ cực? Tôi hỏi bạn bè ở các quận khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Cuối cùng phải chạy ra nhà sách của Công ty Sách và thiết bị trường học mới mua được 2 cuốn này".
"Ngay cả bìa bao tập, chúng tôi cũng phải làm theo quy định của nhà trường: vở tiếng Việt màu xanh lá, vở toán màu xanh da trời, vở tiếng Anh màu vàng, vở bài học màu đỏ, vở tập làm văn màu tím. Những bìa bao này đều có in logo và nhãn vở của trường nên bắt buộc phụ huynh phải mua tại trường.
Lúc đầu tôi nghĩ làm như vậy là tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh lớp 1 vì các con chưa biết chữ. Quy ước thế để khi cô giáo kêu học sinh lấy tập màu xanh da trời ra là các con biết ngay đó là vở toán. Nhưng không, đến lớp 5 học sinh vẫn phải làm theo quy định như vậy" - chị Nương, phụ huynh một trường tiểu học ở quận 1, thông tin.
Theo chị Nương: "Nếu nói lý do bao tập theo kiểu "đồng phục" cho đẹp thì cũng không đúng vì vô năm học được vài tuần là cô giáo chủ nhiệm sẽ lấy những cuốn tập đó (đã bao bìa giấy màu theo quy định nhà trường và một lớp bìa nhựa trong) bao thêm một loại bìa cứng bằng giấy nữa ra ngoài và dán thêm một nhãn vở nữa. Thật lãng phí và hình thức quá mức cần thiết".
Mẹ và con cùng đi mua SGK, dụng cụ học tập trong ngày 23-8 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Mua sách giáo khoa từ năm học trước
Thay vì tự mua sách tại các nhà sách, nhiều phụ huynh đã chọn hình thức "đăng ký theo lớp". "Mua theo lớp có đắt hơn vài chục ngàn do kèm theo sách tham khảo nhưng tiện. Hơn nữa, cô giáo chủ nhiệm gợi ý mua theo lớp, mình tách ra thì ngại. Trong lớp, hầu hết phụ huynh đăng ký mua. Vài người tự mua SGK ở ngoài phải bổ sung các sách tham khảo giáo viên có dùng để dạy" - anh P., một phụ huynh có con học lớp 7 tại Hà Nội, cho biết.
Nhiều phụ huynh có con học tiểu học cho biết việc đăng ký mua SGK được đưa ra ngay trong các buổi họp cuối năm học trước (tháng 5-2019). Trong buổi họp, giáo viên chủ nhiệm thông báo, phụ huynh đăng ký nộp tiền luôn.
"Ngoài các vở bài tập in các môn học gần như bắt buộc còn có một số sách tham khảo nâng cao. Bộ SGK lớp 5 theo niêm yết của NXB Giáo Dục là 89.000 đồng, mua thêm các sách khác giá gần 200.000 đồng/bộ" - một phụ huynh có con học lớp 5 cho biết.
Ở bậc trung học cũng luôn có từ 3-4 đầu sách tham khảo phải mua thêm. Đặc biệt, lớp 9 và lớp 12 sẽ mua nhiều sách tham khảo để ôn thi. Một số học sinh lớp 12 ở Hà Nội mua gần 300.000 đồng/bộ sách (gồm cả những đầu sách ôn tập thi THPT).
Một số hiệu trưởng trường tiểu học cho biết hằng năm thông tin về mua SGK được phòng GD-ĐT thông báo. "Chúng tôi cũng yêu cầu các tổ giáo viên theo từng khối xem sách nào có ích thì giới thiệu cho phụ huynh, không bắt buộc. Tuy nhiên, vở bài tập in thì khuyến khích cha mẹ học sinh mua cho con vì nó giảm thời gian các con phải chép vào vở, thêm thời gian cho cô trò luyện tập" - hiệu trưởng một trường ở quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết.
“Trong khi cả nước kêu gọi hạn chế dùng sản phẩm nilông, bọc nhựa để bảo vệ môi trường thì rất nhiều trường tiểu học, trung học trên địa bàn TP.HCM vẫn vô tư yêu cầu học sinh phải bao tập, sách bằng bìa giấy rồi sau đó bao bìa nhựa trong ra ngoài. TP.HCM có hơn 1 triệu học sinh phổ thông, nếu tất cả học sinh các trường đều làm như vậy thì cực kỳ tốn kém và lãng phí. Không biết Sở GD-ĐT TP.HCM nghĩ sao về vấn đề này?” - một phụ huynh ở TP.HCM nêu thắc mắc.
Vì sao nhà trường bán SGK?
Sở GD-ĐT Hà Nội từng có công văn số 1214/SGDĐT-VP ngày 5-4-2019 và công văn số 2297 ngày 6-6-2019 về việc phát hành SGK và thiết bị giáo dục phục vụ năm học 2019-2020, đề nghị các phòng GD-ĐT và lãnh đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc tổ chức phát hành theo danh mục. Sở
GD-ĐT Hà Nội không chỉ định đơn vị cung ứng SGK. Ngoài các loại sách theo quy định, nhà trường không bắt buộc học sinh mua thêm các loại sách, tài liệu tham khảo, các loại vở và học liệu khác. Việc phát hành SGK về các nhà trường, theo một cán bộ cấp phòng GD-ĐT ở Hà Nội, còn có một ý nghĩa khác là hỗ trợ NXB trong việc khảo sát nhu cầu sử dụng SGK, một căn cứ để có cơ sở cung ứng đủ số lượng, tránh việc thiếu sách cho năm học mới.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Thái Văn Tài - quyền vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT - khẳng định bộ không có văn bản nào buộc học sinh tiểu học sử dụng vở bài tập in trong các trường tiểu học. Các văn bản chỉ đạo của Bộ GD-ĐT cũng nghiêm cấm các nhà trường gợi ý hay bắt buộc phụ huynh và học sinh mua các loại sách tham khảo dưới mọi hình thức.
"SGK là tài liệu học tập chính của học sinh. Căn cứ vào chương trình, giáo viên có thể sử dụng các tài liệu khác cho học sinh luyện tập trên lớp, không giao bài tập về nhà đối với học sinh đã học 2 buổi/ngày. Trường nào và giáo viên nào đang làm sai quy định này, các sở GD-ĐT cần kiểm tra, chấn chỉnh ngay" - ông Tài cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận