02/06/2017 14:19 GMT+7

Dầu lậu nóng bỏng trên biển Tây Nam

DUY KHÁNH
DUY KHÁNH

TTO - Chỉ trong vòng một tháng (từ 22-4 đến 22-5), Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4 đã bắt hai vụ sang mạn dầu trái phép trên biển Tây Nam từ 6 tàu buôn của Thái Lan với số lượng lên đến 2,6 triệu lít xăng dầu, trị giá hơn 30 tỉ đồng.

Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết (trái) - phó chính ủy Cảnh sát biển VN - trực tiếp lấy lời khai của thuyền trưởng tàu nước ngoài buôn lậu dầu - Ảnh: Duy Khánh
Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết (trái) - phó chính ủy Cảnh sát biển VN - trực tiếp lấy lời khai của thuyền trưởng tàu nước ngoài buôn lậu dầu - Ảnh: Duy Khánh

Nạn buôn lậu dầu trên tuyến biển Tây Nam đang diễn biến hết sức phức tạp và ngày càng khốc liệt khi giá xăng dầu của VN có cao hơn một số nước trong khu vực.

Hơn 50 chuyến chỉ bị bắt 2 lần

Ngày 21-5, biên đội tàu CSB 4039, CSB 6009 của Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4 bao vây, khống chế một tốp 3 tàu dầu của Thái Lan đang sang mạn bơm dầu trái phép cho 4 tàu cá Việt Nam tại khu vực cách tây nam bãi cạn Cà Mau khoảng 35 hải lý, thuộc vùng biển Việt Nam.

Qua kiểm tra, tổng số lượng dầu trên 3 tàu của Thái Lan và 4 tàu cá Việt Nam có khoảng 1,3 triệu lít dầu D.O. Các thuyền viên trên 7 tàu thừa nhận hành vi sang mạn dầu trái phép. Điều đáng nói là trong số các tàu của Thái Lan, có tàu đã bị lực lượng Cảnh sát biển 4 bắt giữ 3-4 lần trước đó.

Thuyền trưởng Buntham Bunnun Pattani của tàu Asia Star (Thái Lan) trong lần bị bắt này khai mọi thỏa thuận mua bán đều diễn ra trên bờ, các tàu chỉ cần đến đúng tọa độ đã thông báo trước, nhận đúng ám hiệu là tiến hành sang mạn dầu. Khi đã bơm xong, chỉ cần thuyền trưởng hai bên ký xác nhận là coi như xong giao dịch.

Nếu như bị lực lượng chức năng phát hiện thì quăng sổ ký giao nhận dầu xuống biển. Thuyền trưởng quốc tịch Thái Lan này khai đã thực hiện trót lọt hơn 50 phi vụ và bị bắt lần này là lần thứ 2.

Còn thuyền trưởng Nuat Sukthong Tae của tàu Lucky (cũng quốc tịch Thái Lan) thì cho biết chỉ là người làm thuê, được ông chủ giao lấy dầu từ Singapore sau đó đưa vào vùng biển Việt Nam để bán cho tàu cá của ngư dân.

“Hết dầu lại quay về Singapore lấy tiếp, mỗi tàu chỉ chở khoảng 20.000-30.000 lít. Chuyến trước thì bán hết, chuyến này mới bị bắt” - Nuat Sukthong Tae khai.

Ông Danh Inh - thuyền trưởng một tàu cá của Việt Nam, bị bắt quả tang mua dầu lậu trên biển - cho biết “muốn bao nhiêu cũng có”. Với những tàu đánh cá dài ngày, “đánh bắt xong khỏi cần chạy vô bờ vì có tàu thu mua cá tới tận nơi, rồi lại lấy dầu lậu để đánh bắt tiếp”.

Lực lượng Vùng cảnh sát biển 4 lập biên bản một tàu nước ngoài buôn lậu dầu trái phép trên vùng biển Tây Nam của Việt Nam - Ảnh: D.Khánh
Lực lượng Vùng cảnh sát biển 4 lập biên bản một tàu nước ngoài buôn lậu dầu trái phép trên vùng biển Tây Nam của Việt Nam - Ảnh: D.Khánh


Cuộc chiến chưa ngừng nghỉ

Theo Vùng cảnh sát biển 4, nếu như trước đây tình hình buôn lậu dầu trên biển Tây Nam diễn ra chủ yếu trên vùng biển tiếp giáp giữa Việt Nam - Campuchia với quy mô nhỏ, các đối tượng chủ yếu sử dụng loại xuồng “cà lơ” (loại xuồng hẹp, dài của Campuchia) chở những can dầu 30 lít - mỗi lần chở 120-150 can từ bên kia biên giới về Việt Nam tiêu thụ - thì nay mạng lưới buôn lậu được tổ chức rất quy mô, được điều hành bởi những đầu nậu xuyên quốc gia.

Thiếu tướng Lê Văn Minh - tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4 - cho biết các đối tượng buôn lậu dầu tính toán chặt chẽ, sử dụng các loại tàu có tải trọng vừa phải từ 300-600 tấn để dễ cơ động.

“Các tàu này ban ngày neo đậu tại vùng biển nước bạn, đến tối tiến vào vùng biển của nước ta để sang mạn. Chỉ cần phát hiện có lực lượng chức năng của Việt Nam là họ lập tức nhổ neo bỏ chạy về vùng biển của họ nên rất khó để bắt giữ” - ông nói.

Cũng theo thiếu tướng Lê Văn Minh, địa bàn quản lý của Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4 dài hơn 575km từ bờ bắc cửa Định An (Trà Vinh) đến Hà Tiên (Kiên Giang), diện tích khu vực biển và thềm lục địa khoảng 150.000km2, tiếp giáp nhiều nước trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, Malaysia nên công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại trên biển gặp nhiều khó khăn.

Hầu hết các tàu buôn lậu đều trang bị những thiết bị hiện đại để theo dõi sự di chuyển của các tàu thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên biển. Thậm chí, chúng cắt cử những tàu giả dạng tàu đánh cá chuyên làm nhiệm vụ cảnh giới trên biển.

Buôn lậu dầu trên vùng biển Tây Nam - theo những người thực thi công vụ - sẽ là những cuộc đuổi - bắt liên tục, khi mà giá dầu giữa các quốc gia lân cận còn chênh lệch và ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận ngư dân còn chưa cao.

Cho nên, cùng với việc trinh sát, tuần tra, truy bắt, Vùng cảnh sát biển 4 còn gần dân, xây dựng mạng lưới thông tin từ nhân dân và tuyên truyền, vận động ngư dân tuân thủ pháp luật.

Các đại lý xăng dầu kêu trời

Chủ một đại lý xăng dầu tại cảng An Thới (Phú Quốc, Kiên Giang) cho biết trước kia mỗi lần chuẩn bị cho chuyến đi biển dài cả tháng, các tàu cá đều lấy dầu của đại lý này. Nhưng thời gian gần đây họ chỉ lấy số lượng rất ít, vừa đủ chạy ra tới ngư trường.

“Nghe họ truyền tai nhau dầu ngoài đó rẻ, mua bao nhiêu cũng có, nên doanh số bán dầu của các đại lý trong bờ như chúng tôi giảm đáng kể” - chủ đại lý này cho biết. Tình hình này cũng diễn ra với nhiều đại lý xăng dầu khác.

Vỏ quýt dày có móng tay nhọn

“Để bắt quả tang được một vụ buôn lậu dầu lớn, chúng tôi phải trinh sát hàng tháng trời không chỉ trên biển mà còn theo dõi cả những giao dịch trên bờ của các đầu nậu lớn” - thượng tá Nguyễn Tư Phong, trưởng phòng trinh sát Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4, cho biết.

Đồng thời, để đối phó với thủ đoạn tinh vi của những kẻ buôn lậu, lực lượng Cảnh sát biển 4 sử dụng rất nhiều biện pháp khác nhau: cải trang thành ngư dân xin đi biển trên các tàu đánh cá dài ngày, xây dựng mạng lưới thông tin từ những ngư dân...

DUY KHÁNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp