25/01/2015 12:30 GMT+7

Kinh tế thế giới 2015: khó khăn nhưng cũng lạc quan

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại Davos năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới đứng trước ngưỡng một năm mới với đầy thách thức.

Ðến hẹn lại lên, hơn 2.500 lãnh đạo doanh nghiệp, chính trị gia, giới trí thức và các nhà báo có mặt tại Davos (Thụy Sĩ) để tìm cách “cải thiện tình hình thế giới”.

Nội dung chính là thảo luận biện pháp tháo gỡ những thách thức và tìm ra những ý tưởng phát triển mới cho nền kinh tế thế giới trước một năm chông gai.

Bàn nhiều chủ đề lớn

Trong bốn ngày hội nghị có chủ đề “Bối cảnh toàn cầu mới”, hàng loạt vấn đề được thảo luận từ thương mại và đầu tư quốc tế, bình đẳng giới, phát triển cơ sở hạ tầng, an ninh lương thực và nông nghiệp đến chống tham nhũng, biến đổi khí hậu, xung đột địa chính toàn cầu.

Những con số ở Davos

1.700 chuyến bay tư nhân. Trong tuần diễn ra diễn đàn, Davos đón khoảng 1.700 chuyến bay cá nhân khiến quân đội Thụy Sĩ phải mở cửa căn cứ không quân để hỗ trợ.

Nhiều khách mời phải đậu ở xa và đi trực thăng đến nơi dự hội nghị.

67% khách đến từ hai châu lục. Đa số người tham gia diễn đàn đến từ bắc Mỹ và châu Âu dù hai khu vực này chỉ chiếm chưa đến 1/5 dân số thế giới. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng hai nơi này chiếm hơn một nửa GDP toàn cầu.

17% phụ nữ. Nhà sáng lập WEF Klaus Schwab khẳng định những phụ nữ ưu tú nhất thế giới đã tập trung tại Davos. Tuy nhiên, số nữ giới vẫn còn ít ỏi dù cơ quan tổ chức đã áp dụng nhiều chính sách khuyến khích các đối tác đưa thêm nữ giới đến diễn đàn. Năm ngoái, con số này thậm chí còn thấp hơn, chỉ 15%.

43 USD giá mỗi chiếc bánh mì kẹp. Theo kênh NBC News, tại trung tâm hội nghị một chiếc bánh mì kẹp xúc xích với hành và mù tạt có giá đến 43,5 USD và nếu muốn ăn salad gà, thực khách phải bỏ thêm 10 USD.

Về kinh tế, giới phân tích cho rằng tăng trưởng toàn cầu, được dự báo ở mức 3,8% trong năm 2015, đang đứng trước cơ hội lớn nhờ giá dầu giảm và các ngân hàng trung ương giữ lãi suất thấp.

Tuy nhiên, chính sách tiền tệ toàn cầu không đồng bộ cũng có thể tạo ra sự bất ổn trên thị trường tiền tệ, nhất là đối với các nền kinh tế mới nổi, trong khi dòng vốn hiện đang rất khó có thể kiểm soát.

Ðó là chưa kể các vấn đề cũ từ năm ngoái như tình trạng thiếu việc làm, các cuộc khủng hoảng tài chính.

Ngoài ra, các rủi ro địa chính trị, an ninh, y tế cũng là những vấn đề thu hút sự chú ý, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây ở mức tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh, dịch bệnh Ebola còn đe dọa ở Tây Phi, vấn đề vũ khí hạt nhân và các vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Pháp.

Tổng thống Pháp François Hollande đã tận dụng diễn đàn để kêu gọi các doanh nghiệp tham chiến chống khủng bố bằng cách ngăn nạn rửa tiền và buôn người.

Dù vậy, khá nhiều nhận định lạc quan tại WEF tin rằng kinh tế thế giới đang dần thoát khỏi giai đoạn suy thoái, trong đó nền kinh tế Mỹ dẫn đầu về tốc độ phục hồi. Cuộc khủng hoảng ở châu Âu đã dịu bớt với nợ của các hộ gia đình đang có chiều hướng giảm.

Châu Âu mới đây cũng tung ra kế hoạch bơm hơn 1.100 tỉ euro trong những năm tới để vực dậy nền kinh tế. Một số quốc gia, đặc biệt là Tây Ban Nha, Ireland và Latvia, đã đạt được những tiến bộ đáng kể về cải cách cơ cấu, khôi phục tài chính công và hệ thống ngân hàng. Thâm hụt tài chính của khu vực đồng tiền chung euro cũng có thể sẽ giảm xuống dưới mức 3% vào năm 2015.

Tuy nhiên, lãnh đạo kinh tế, tài chính của các nền kinh tế lớn vẫn cảnh báo về các nguy cơ trong năm tới. Giáo sư Mỹ Nouriel Roubini, người đoạt giải Nobel kinh tế, cảnh báo một cuộc khủng hoảng khác sẽ nổ ra trong hai năm nữa.

Còn tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế, bà Christine Lagarde không loại trừ khả năng khu vực đồng euro sẽ rơi vào giảm phát, dù chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi phủ nhận nguy cơ này.

Nóng chuyện giàu nghèo

Một thách thức khác mà cộng đồng quốc tế vẫn còn phải đương đầu là cách biệt giàu nghèo ngày càng gia tăng. Bất bình đẳng được cho là đe dọa tiến trình chống nghèo đói trên thế giới, ảnh hưởng đến sự đoàn kết dân tộc và mục tiêu dân chủ. Lần đầu tiên, WEF ghi nhận cách biệt đó có thể là nguồn gốc dẫn tới bất ổn xã hội.

Phát pháo đầu tiên nã vào vấn đề này là bản báo cáo của Tổ chức Oxfam cho thấy hiện nay 1% dân số trên hành tinh đang nắm một nửa của cải toàn cầu và vẫn cứ tiếp tục giàu hơn. Thông tin được bình luận khá nhiều tại Davos, rằng liệu người giàu có phải đang nhận nhiều hơn những gì họ đóng góp.

Larry Elliott trên tờ Guardian thậm chí bình luận hài hước rằng một trong những lý do chính tổ chức WEF tại khu trượt tuyết nghỉ dưỡng Davos là để giới nhà giàu có dịp tụ họp, tìm cơ hội làm ăn và có thể trốn đi chơi khi đã chán nghe bà Lagarde nói về “sự mất cân bằng toàn cầu”.

Còn nhà kinh tế Pháp Thomas Piketty cho rằng “những người trong cộng đồng kinh doanh thế giới đến Davos để nói về chuyện làm ăn... Họ nói về những điều sẽ không được thảo luận tại phòng hội nghị”.

Tuy nhiên, đài CNN cho biết phần lớn người giàu tin rằng họ đang đóng góp nhiều cho kinh tế thế giới. Giám đốc điều hành Martin Sorrell của Công ty quảng cáo/quan hệ công chúng WPP nói rằng công ty của ông đang giúp đỡ cho những người nghèo thông qua việc đóng thuế. “Hàng tỉ người tại các nền kinh tế đang gia nhập tầng lớp trung lưu - ông khẳng định - Tôi không thấy có lỗi vì đã lập ra một công ty thuê hơn 179.000 người”. 

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh tham dự những phiên họp quan trọng

Chiều 23-1 (theo giờ địa phương), Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã tham dự và phát biểu tại một số phiên thảo luận quan trọng của hội nghị thường niên WEF tại Davos, trong đó có phiên thảo luận “Chương trình nghị sự ASEAN”, phiên họp “Triển vọng địa chính trị toàn cầu 2015”.

Phó thủ tướng cũng có những cuộc tiếp xúc bên lề với các chính trị gia, lãnh đạo doanh nghiệp lớn. Tại cuộc gặp đại diện thương mại Mỹ Michael Froman (ảnh của TTXVN), hai bên đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ đối tác toàn diện VN - Mỹ thời gian qua.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Mỹ tiếp tục dành cho VN những điều kiện linh hoạt cần thiết để có thể sớm kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), khẳng định VN đã và đang nỗ lực nhằm bảo đảm TPP là một hiệp định có chất lượng cao và cân bằng.

Ðại diện thương mại Mỹ đánh giá cao nỗ lực của VN, nhận định vòng đàm phán vừa qua đã đạt bước tiến tích cực và hi vọng các bên có thể tìm được giải pháp để sớm kết thúc đàm phán TPP.

 

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp