Phóng to |
Theo nhiều dự báo, khai thác dầu và khí của Việt Nam sẽ tăng nhanh trong những năm tới |
Ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam đang thu hút một số lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài đến thăm dò, khai thác các mỏ dầu khí dọc bờ biển dài của nước này.
Tại châu Á, Việt Nam đang ngày càng đóng một vị trí quan trọng hơn với tư cách là một quốc gia xuất khẩu dầu. Cùng với việc xuất khẩu ngày càng nhiều các sản phẩm giày dép, may mặc, hải sản, gạo và các mặt hàng đòi hỏi nhiều sức nhân công khác ra khác thị trường nước ngoài, trong năm 2005, Việt Nam xuất khẩu 110.000 thùng dầu mỗi ngày. Lượng dầu này chủ yếu được bán cho các công ty lọc dầu ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.
Triển vọng phát triển của ngành dầu khí Việt Nam rất khả quan, trong bối cảnh các công ty khai thác lớn lên kế hoạch khai thác các mỏ dầu mới nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước ngày càng tăng, cũng như tiếp tục đẩy mạnh công tác thăm dò, tìm kiếm.
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển nhanh chóng này, ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với một vấn đề không nhỏ. Đó là việc thiếu nguồn nhân lực có đủ kinh nghiệm và trình độ để đáp ứng số lượng giàn khoan đang tăng lên nhanh chóng.
Colin Rogers, Giám đốc khu vực của Opus Oil and Gas, một công ty chuyên tuyển dụng nhân sự cấp cao cho các công ty dầu khí trên thế giới nói: “Với số lượng các lô mà Chính phủ Việt Nam hiện cho phép thăm dò, nhu cầu nhân lực cho ngành dầu khí của Việt Nam sẽ rất lớn. Tốc độ phát triển của ngành này ở Việt Nam hiện nay phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhân lực”.
Trong nhiều năm vừa qua, Việt Nam đã cho cấp phép thăm dò dầu khí tại hàng loạt lô cho các công ty như Nippon Oil Exploration, Talisman Energy, Chevron Texaco, Singapore Petroleum và Petronas.
Theo tạp chí The Oil and Gas Journal, hoạt động khoan thăm dò dầu khí tại Việt Nam trong năm 2006 tăng gần gấp đôi so với năm 2005, đồng thời, trong năm nay, sẽ có thêm nhiều giấy phép thăm dò được cấp.
Cả khai thác dầu và khí của Việt Nam sẽ tăng nhanh trong những năm tới. Nippon Oil Exploration và Korean National Oil Corporation cùng với các đối tác của các công ty này mới đây đã công bố kế hoạch khai thác các mỏ mới.
Thiếu hụt nhân lực trong ngành dầu khí không phải là vấn đề của riêng Việt Nam. Theo tính toán của giới chuyên môn, thế giới sẽ có 48 giàn khoan thăm dò và khai thác dầu được đưa vào hoạt động trên thế giới trong năm nay, khiến nguồn nhân lực của ngành công nghiệp dầu khí toàn cầu sẽ thiếu khoảng 5.000 chuyên gia ở những vị trí quan trọng.
Các công ty dầu khí đang hoạt động tại Việt Nam, một trong những quốc gia có ngành công nghiệp dầu khí phát triển mạnh nhất trong khu vực, hiện đã và đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng gia tăng trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực đủ trình độ.
Theo Rogers, Việt Nam chưa có đủ nhân lực có kinh nghiệm để đảm nhiệm các vị trí quản lý hoặc kỹ thuật cao cấp trong ngành công nghiệp dầu khí, một lĩnh vực đòi hỏi các chuyên gia phải có hơn 10 năm kinh nghiệm.
Ông nói: “Chính phủ Việt Nam yêu cầu đảm bảo tỷ lệ nhân sự người Việt Nam nhưng các chuyên gia Việt Nam lại chưa có đủ trình độ và kinh nghiệm. Người ta không thể ngay lập tức có được 10 năm kinh nghiệm".
Hiện Việt Nam chỉ sử dụng các chuyên gia có chuyên môn đặc biệt không thể tuyển dụng trong nước. Tuy nhiên, việc xin phép để các chuyên gia kỹ thuật nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam còn mất nhiều thời gian và khó khăn.
Theo giới chuyên môn, Petro Vietnam, đối tác trong nhiều liên doanh thăm dò và khai thác dầu khí đang cố gắng đưa các chuyên gia Việt Nam vào các vị trí kỹ thuật chủ chốt. Hiện Petro Vietnam đã thành lập một công ty thành viên chuyên về lĩnh vực nhân sự và dịch vụ dầu khí để đào tạo và cung cấp kỹ sư khoan thăm dò để đáp ứng nhu cầu của thị trường cả trong và ngoài nước.
Ngoài ra, số tiền phải trả để thuê chuyên gia nước ngoài cũng có thể xem là một rào cản khác đối với việc đưa chuyên gia nước ngoài vào làm việc.
Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam đang phát triển mạnh, áp lực phải thuê chuyên gia nước ngoài và trả lương cho họ ở mức xứng đáng đang ngày càng tăng lên. Rogers nói: “Đây là một trong những ngành công nghiệp tăng trưởng chủ đạo của Việt Nam và cần phải có sự cân bằng giữa việc đưa dầu ra khỏi lòng đất và đưa nhân lực vào để thực hiện điều đó”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận