Tân Tổng thống Emmerson Mnangagwa tuyên thệ trưa ngày 24-11 trong sự ủng hộ của phe quân đội - Ảnh: REUTERS
Nguyện vọng của tôi là cùng với tất cả người dân Zimbabwe bước vào một kỷ nguyên mới, nơi tình trạng tham nhũng, thiếu năng lực, lười biếng, suy đồi về văn hóa và xã hội không được chấp nhận
Tân Tổng thống Zimbabwe Mnangagwa
Sự bất định về tương lai của Zimbabwe một phần nằm ở chính người sẽ lèo lái quốc gia này: ông Emmerson Mnangagwa, 75 tuổi, người được mệnh danh là "Cá sấu".
Mới mà cũ
Emmerson Mnangagwa không hề là người xa lạ. Ông là phụ tá trung thành của ông Robert Mugabe suốt 40 năm qua, sát cánh cùng ông Mugabe trong cuộc chiến giải phóng Zimbabwe trong những năm 1970 và thời kỳ độc lập sau đó.
Ông giữ nhiều vị trí quan trọng trong chính quyền như Bộ trưởng tư pháp, Bộ trưởng quốc phòng. Mnangagwa trở thành Phó tổng thống vào năm 2014 và mang hàm cấp tướng trong quân đội.
Biệt danh "Cá sấu" thể hiện phần nào con người ông: đáng sợ và chết chóc, gắn với tai tiếng sau vụ thảm sát tàn ác đối thủ chính trị mà ông Mugabe lĩnh xướng trong những năm 1980.
"Cá sấu" Mnangagwa là người đứng đầu phe "cựu chiến binh" đấu lại phe "G40" của Đệ nhất phu nhân Grace Mugabe trong Đảng ZANU-PF.
Báo New York Times (NYT) mô tả đây là một cuộc đấu đá nội bộ lâu dài, mang tính cá nhân và khốc liệt giữa hai ứng cử viên thèm muốn chiếc ghế tổng thống.
Ông Mugabe, bênh vợ, từng nói rằng Mnangagwa nên lập ra một đảng riêng thì hơn chứ không nên đấu đá sống mái trong nội bộ Đảng ZANU-PF.
Nhiều lần, ông Mnangagwa mô tả mối quan hệ của mình với ông Mugabe "được phát triển qua nhiều năm tháng khó khăn, vượt xa ranh giới ông chủ và người hầu, mà như cha với con". Tuy nhiên, "ông con" lại muốn cầm quyền thay "ông bố".
Ông Emmerson Mnangagwa và vợ, bà Auxilia, phát biểu tại trụ sở Đảng ZANU-PF cầm quyền ngày 22-11 - Ảnh: AFP
Theo NYT, sau khi bị sa thải ngày 6-11, sợ bị bắt, ông Mnangagwa đã cùng con trai trốn sang nước láng giềng Mozambique, nơi ông có quan hệ thân thiết với lực lượng quân đội và sau đó đến Nam Phi.
Nhiều giờ sau khi Mnangagwa đi Mozambique, ông Christopher Mutsvangwa, lãnh đạo Hội cựu chiến binh và cũng là một trong những người thân tín nhất của Mnangagwa, bay đi Nam Phi.
Những ngày sau đó, Mutsvangwa đã gặp các quan chức tình báo Nam Phi, cảnh báo với họ về khả năng quân đội sẽ can thiệp vào chính quyền ở Zimbabwe. Người này cố gắng thuyết phục Nam Phi - đất nước có sức ảnh hưởng lớn ở khu vực - không dùng chữ "đảo chính" trong các tuyên bố về sau.
Báo NYT thừa nhận mặc dù những điều này không được xác nhận bởi giới chức Nam Phi, nhưng thực tế là Nam Phi đã không dùng chữ "đảo chính" khi nhắc đến việc quân đội quản thúc ông Mugabe.
Ngày 14-11, phe quân đội quản thúc vợ chồng Tổng thống Mugabe. Kể từ đó, trong các cuộc biểu tình với hàng ngàn người xuống đường đòi ông Mugabe rời bỏ quyền lực, người dân đã giơ cao các tấm biểu ngữ ca ngợi ông Mnangagwa như thể họ đã chuẩn bị kỹ càng từ trước.
Phe cựu chiến binh của Mnangagwa trong Đảng ZANU-PF đã phối hợp hết sức nhịp nhàng. Một mặt họ kêu gọi bãi miễn ông Mugabe khỏi vị trí lãnh đạo đảng, loại trừ tư cách đảng viên của bà Grace và tước bỏ các chức vụ khác như lãnh đạo Đoàn Thanh niên, chủ tịch Hội Phụ nữ. Mặt khác, họ vận động để trong cuộc họp các ủy viên trung ương đảng ngày 19-11, ông Mnangagwa được bầu làm lãnh đạo mới của Đảng ZANU-PF.
Từ vị trí là người lãnh đạo bị sa thải phải sống lưu vong, ông Mnangagwa đàng hoàng trở về Harare bước lên ghế tổng thống trong sự tung hô của người dân và được ca ngợi là "người anh hùng".
Người dân Zimbabwe chờ nghe tuyên bố nhậm chức của tân Tổng thống Emmerson Mnangagwa ngày 24-11 - Ảnh: REUTERS
Sáng tối lẫn lộn
Ngày 22-11, phát biểu trước đám đông ủng hộ tại thủ đô Harare, ông Mnangagwa một lần nữa khiêm nhường gọi ông Mugabe là tổng thống. Với 90% dân số không có việc làm, ông Mnangagwa đã đặt ra các mục tiêu như phát triển kinh tế, việc làm, hòa bình, dân chủ - là những thứ người dân Zimbabwe khát khao nhiều thập kỷ.
Một người dân Zimbabwe, ông Bernard Mpalanga, 47 tuổi, trả lời đài truyền hình Al Jazeera cho biết ông tin tổng thống mới sẽ lãnh đạo đảng và đất nước theo một đường lối khác. "Ông ấy không phải là người vô cảm, nếu ông ấy hứa làm gì, ông ấy sẽ làm điều đó. Tôi có niềm tin vào ông ấy".
Chúng tôi hi vọng ông ấy sẽ là người mang đến sự thay đổi. Chúng tôi không quan tâm ai sẽ nắm quyền mà chỉ muốn Mugabe phải ra đi"
Nicky Chihwa, sinh viên người Zimbabwe 28 tuổi
Tuy nhiên, dù có được tung hô thế nào, ông Mnangagwa không thể gội sạch quá khứ đen tối vì dính dáng tới vụ thảm sát Matabeleland làm chết khoảng 10.000 - 20.000 người ở các tỉnh phía tây nam Zimbabwe với tư cách là người phụ trách an ninh quốc gia thời điểm đó.
Ông Tod Moss, một chuyên gia về châu Phi tại Trung tâm Phát triển toàn cầu, nghi ngờ: "Người Zimbabwe biết ông ta là người gây ra những vụ thảm sát Matabeleland và tham gia cướp bóc tài sản của đất nước cùng ông Mugabe. Mnangagwa là một phần của quá khứ đau buồn chứ không phải tương lai mới của Zimbabwe".
Chính trị gia đối lập ở Zimbabwe, David Coltart viết trên Twitter: "Chúng tôi đã loại bỏ kẻ độc tài chứ không phải chế độ độc tài".
Liệu kỷ nguyên dân chủ mới mà Mnangagwa hứa hẹn sẽ kế thừa những di sản của chế độ Mugabe ở mức độ nào vì chính "Cá sấu" cùng các nhân vật cao cấp nhất của Đảng ZANU-PF đều từng hỗ trợ ông Mugabe thi hành các chính sách gây ra nghèo khó cho người dân?
Tuy nhiên, chính Mnangagwa đã cam kết rõ ràng tại Harare: "Tôi cam kết sẽ là người phục vụ của các bạn".
Ông Eldred Masunungure, giảng viên khoa học chính trị tại ĐH Zimbabwe, nhận định có lý do để tin tưởng vào một Zimbabwe mới dưới trào ông Mnangagwa. Tuy nhiên, ông này cũng không giấu được sự lo ngại nhất định.
"Không có gì tranh cãi về khả năng ông Mnangagwa có thể lãnh đạo đất nước một cách ổn định và mạnh mẽ, nhưng liệu ông ấy có trở thành một nhà dân chủ hay không?" - ông Eldred Masunungure nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận