21/12/2024 08:56 GMT+7

Dấu hỏi cho quyền lực của Đảng Cộng hòa

Tối 19-12, Hạ viện Mỹ không thông qua dự luật ngân sách tạm thời được Tổng thống đắc cử Donald Trump ủng hộ, đẩy chính phủ nước này đến sát bờ vực đóng cửa vào lúc 0h ngày 21-12 (giờ địa phương).

Dấu hỏi cho quyền lực của Đảng Cộng hòa - Ảnh 1.

Từ trái qua: ông Johnson, ông Trump, ông Musk và ông J. D. Vance cùng xuất hiện tại một trận đấu bóng bầu dục hôm 14-12 - Ảnh: REUTERS

Thất bại này của Hạ viện Mỹ phản ánh rõ những chia rẽ chưa thể hàn gắn trên chính trường Mỹ nói chung và trong nội bộ Đảng Cộng hòa nói riêng, đồng thời phơi bày những toan tính riêng trên bàn cờ chính trị vào thời điểm chuyển giao quyền lực.

Dự luật vội vàng

Mọi chuyện bắt đầu từ rạng sáng 18-12. Khi ấy Hạ viện Mỹ chuẩn bị biểu quyết thông qua dự luật ngân sách tạm thời đã được lưỡng đảng nhất trí ủng hộ.

Khoảng 4h15 sáng cùng ngày, người giàu nhất thế giới Elon Musk bắt đầu đăng lên mạng xã hội X một loạt bài đăng phản đối dự luật này. Tổng cộng trong ngày 18-12, đồng minh hàng đầu của ông Trump đã đăng khoảng 150 bài chỉ về chủ đề trên. Không lâu sau ông Musk, đích thân ông Trump cũng đăng bài kêu gọi những người cùng đảng bỏ phiếu chống dự luật.

Kết quả là không có dự luật nào được thông qua. Ngay sau đó, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson giới thiệu một dự luật ngân sách mới được tổng thống đắc cử ủng hộ. Dự luật này về cơ bản giống với dự luật vừa bị bác bỏ, với điểm khác biệt lớn nhất là việc đình chỉ trần nợ công đến đầu năm 2027.

Chuỗi sự kiện trên diễn ra trong bối cảnh nếu không có dự luật ngân sách mới nào được lưỡng viện Quốc hội thông qua và sau đó Tổng thống Joe Biden ký thành luật trước 0h ngày 21-12, Chính phủ Mỹ sẽ "hết tiền" và đóng cửa một phần.

Sự gấp rút trên buộc ông Johnson đẩy nhanh quá trình xem xét và thông qua dự luật mới chỉ trong một ngày, thay vì nhiều ngày như mọi khi. Tuy nhiên dù được ông Trump ủng hộ, dự luật mới vẫn nhận thất bại nặng nề với 235 phiếu chống và chỉ 174 phiếu thuận, trong đó có đến 38 phiếu chống từ các nghị sĩ Đảng Cộng hòa.

Trong vài năm trở lại đây, ngân sách đã trở thành "vũ khí" hàng đầu được các phe phái trên chính trường Mỹ sử dụng để ép nhau đưa ra những nhượng bộ chính sách.

Hồi tháng 3 Hạ viện Mỹ cuối cùng cũng thông qua đạo luật ngân sách cho năm tài khóa 2023 - 2024, muộn khoảng sáu tháng. Sự chậm trễ này đến từ quan điểm trái ngược nhau của hai đảng tại Hạ viện.

Đảng Dân chủ muốn tăng ngân sách để theo đuổi các chính sách của chính quyền ông Biden, trong khi Đảng Cộng hòa muốn giảm để kìm hãm đà tăng nợ công. Chính nội bộ Đảng Cộng hòa cũng không thể thống nhất giảm ngân sách đến đâu là phù hợp, khiến không dự luật nào đạt quá bán dân biểu ủng hộ. Những tranh chấp trên dẫn đến việc ông Kevin McCarthy, chủ tịch Hạ viện trước ông Johnson, mất ghế.

Nổi loạn quy mô nhỏ?

Vụ lùm xùm dự luật ngân sách hai ngày qua trên chính trường Mỹ có phần còn phức tạp hơn với nhiều toan tính riêng. Dự luật ngân sách mới được ông Trump ủng hộ vì có điều khoản đình chỉ trần nợ, giúp chính quyền sắp tới của ông rộng tay theo đuổi chính sách của mình.

Tuy nhiên dự luật mới này lại đi ngược quan điểm của phe bảo thủ trong Đảng Cộng hòa, vốn luôn muốn cắt giảm chi tiêu công. Do đó có đến 38 dân biểu đảng này phản đối dự luật mới. Đáng chú ý ở chỗ đây chính là phe ủng hộ ông Trump trung thành nhất. Con số 38 trên khiến không ít người băn khoăn liệu đây chỉ là một hành động "nổi loạn" nhỏ hay báo hiệu quyền lực của ông Trump với Đảng Cộng hòa không thật sự mạnh như giới phân tích vẫn nghĩ.

Trong lần tranh cãi này, người chịu thiệt nhất chính là ông Johnson. Quốc hội khóa mới sẽ khai mạc ngày 3-1-2025, đồng nghĩa chức danh chủ tịch Hạ viện sẽ phải bầu lại. Những năm gần đây, thành viên Đảng Cộng hòa nào muốn giành những vị trí quan trọng thì trước hết đều cần sự ủng hộ của ông Trump. Do đó, để duy trì sự ủng hộ của tổng thống đắc cử, ông Johnson đã hết mực chiều lòng ông Trump trong vụ dự luật ngân sách này.

Tuy nhiên điều này lại khiến bộ phận dân biểu Đảng Cộng hòa - những người sẽ trực tiếp bỏ phiếu bầu chủ tịch Hạ viện - quay lưng với ông Johnson ngày càng đông. Chưa kể thất bại trên cũng có thể khiến giá trị của chủ tịch Hạ viện trong mắt ông Trump sụt giảm và tổng thống đắc cử có thể sẽ cân nhắc một ứng viên mới.

Về phía Đảng Dân chủ, các nghị sĩ đảng này được cho là phản đối dự luật ngân sách mới chủ yếu nhằm thể hiện sự phẫn nộ trước pha "quay xe" phút cuối của Đảng Cộng hòa. Ngoài ra, họ cũng đang không hài lòng trước sức ảnh hưởng chính trị ngày càng tăng của ông Musk - một tỉ phú chưa từng nắm giữ chức vụ công quyền nào.

Việc dự luật ngân sách được ông Trump ủng hộ bị chính Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát bác cho thấy dấu chấm hỏi lớn về quyền lực của phe Cộng hòa, dự kiến sẽ chính thức lưỡng viện quốc hội vào năm tới khi ông Trump lên nắm quyền.

Ông Musk làm chủ tịch Hạ viện?

Trước những thất bại gần đây của ông Johnson, một số nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã bắt đầu bàn chuyện đề cử ông Musk làm lãnh đạo Hạ viện. Về cơ bản, tỉ phú này hoàn toàn đáp ứng yêu cầu cho vị trí trên vì chủ tịch Hạ viện không bắt buộc phải là đại biểu Quốc hội. Chức vụ này sẽ hợp thức hóa quyền lực chính trị đang ngày một tăng của ông Musk.

Sau khi dự luật mới không được thông qua, dân biểu Marjorie Taylor Greene - người từng kêu gọi phế truất ông Johnson - đăng trên mạng xã hội: "Tôi sẽ cởi mở với việc ủng hộ ông Elon Musk làm chủ tịch Hạ viện. Ban Hiệu suất chính phủ (do ông Musk lãnh đạo) sẽ chỉ thật sự có quyền hành nếu kiểm soát Quốc hội và thúc đẩy hiệu quả chính phủ thực chất".

Dấu hỏi cho quyền lực của Đảng Cộng hòa - Ảnh 2.Hạ viện Mỹ bác dự luật chi tiêu của Đảng Cộng hòa, chính phủ sắp phải đóng cửa

Ngày 19-12, Hạ viện Mỹ bác bỏ dự luật chi tiêu do phe Cộng hòa đề xuất, trong bối cảnh các cơ quan liên bang sẽ không còn tiền vào tối 20-12 và ngừng hoạt động từ cuối tuần này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp