Nhà đầu tư đặt giá trong phiên đấu giá sáng nay |
Với giá bỏ thầu 126.000 đồng/cổ phần và mua trọn hết số cổ phần chào bán, công ty Cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco) đã trở thành đầu tư chiến lược của Công ty Vissan trong phiên đấu giá cổ phần chào cho các nhà đầu tư chiến lược của công ty Vissan sáng 24-3.
Toàn hội trường đã ồ lên khi phiếu giá của nhà đầu tư Anco được đọc lên đầu tiên.
Đây là kết quả khá bất ngờ cho giới quan sát vì trước diễn ra phiên đấu giá, nhiều đồn đoán cho thấy quyết tâm của nhà đầu tư Hàn Quốc CJ muốn thông qua thương vụ này để lấn sân vào mảng bán lẻ thực phẩm VN.
Tuy nhiên, trong phiên bỏ phiếu sáng nay, công ty này chỉ bỏ giá 120.600/cp đồng so với giá khởi điểm của phiên đấu giá là 80.053 đồng/cp.
Công ty cổ phần Việt - Pháp sản xuất thức ăn gia súc (Proconco) đặt mức giá 125.000 đồng/cp. Cả Proconco, Anco đều là công ty con của tập đoàn Masan.
Như vậy, sau hai phiên đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) và phiên bán đấu giá cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược của công ty Vissan, nhà nước đã thu về gần 2.330 tỷ đồng, tương đương 28%, trong đó phiên bán đấu giá cho các nhà đầu tư chiến lược là 1.430 tỷ đồng.
Theo quy định, sau ba ngày kể từ khi phiên bán đấu giá, Anco phải chuyển đủ tiền cho Vissan.
Theo phương án cổ phần hoá, Vissan có vốn điều lệ 809,14 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ chiếm 65%, nhà đầu tư chiến lược là 14%, nhà đầu tư bên ngoài 14%, cán bộ nhân viên và tổ chức công đoàn công ty là 7%.
Cũng theo phương án này, ngày 29-4 tới, Vissan sẽ tổ chức đại hội cổ đông đầu tiên và hoàn thành thủ tục đăng ký, đi vào hoạt động theo hình thức cổ phần vào tháng 6-2016.
Trao đổi với Tuổi Trẻ sau phiên đấu giá, ông Lê Tùng, chủ tịch hội đồng thành viên Satra cho biết kết quả này không bất ngờ vì ngay từ đầu ba nhà đầu tư đều thể hiện sự quyết liệt.
“Chúng tôi hài lòng vì chọn được nhà nhà đầu tư chiến lược cùng đồng hành với Vissan phát triển hệ thống phân phối lớn hơn, mạnh hơn cũng như thực hiện mô hình 3S từ trang trại đến bàn ăn phục vụ người tiêu dùng, cung ứng các sản phẩm chế biến từ thịt tốt nhất, đảm bảo chất lượng nhất”, ông Tùng nói.
Từ ngày 15-4 tới đây, toàn bộ hệ thống cửa hàng Vissan chỉ cung ứng thịt heo VietGap.
Mặc dù không trúng phiên đấu giá lần này, tuy nhiên trong phiên IPO, CJ cũng mua được 4,18% cổ phần nên tập đoàn này cũng sẽ tham gia vào quá trình phát triển của Vissan. Theo đánh giá của ông Tùng, việc có nhiều đầu tư tiềm lực, có kinh nghiệm cùng nhau hợp tác để phát triển là điều tốt cho Vissan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận