17/09/2023 08:50 GMT+7

Đấu giá biển số đẹp: Tăng nguồn thu, tăng minh bạch

Phiên đấu giá 11 biển số ô tô lần đầu tiên hôm 15-9 đã đạt được kết quả khả quan khi được đăng ký mua lên đến hơn 82 tỉ đồng, trong đó có biển số trúng đấu giá cao nhất lên tới hơn 32 tỉ đồng.

Biển số xe sẽ được giao cho khách tại Đội đăng ký phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, số 282 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Biển số xe sẽ được giao cho khách tại Đội đăng ký phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, số 282 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Từ phiên đấu giá này đặt ra vấn đề cần đẩy mạnh đấu giá tài sản công như thế nào để tăng thu ngân sách nhà nước, đảm bảo hiệu quả và minh bạch? Tuổi Trẻ đã ghi nhận các ý kiến về vấn đề này.

* Đại biểu Quốc hội NGÔ TRUNG THÀNH (phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội): Tài sản công nào có thể đấu giá thì cần đẩy mạnh

Đấu giá: tăng nguồn thu, tăng minh bạch - Ảnh 2.

Phiên đấu giá biển số ô tô vừa qua đã cho thấy tín hiệu rất đáng mừng bởi kết quả thực hiện tốt, số tiền trúng đấu giá khá lớn. Việc này cũng cho thấy sự công khai, minh bạch, công bằng và sau khi các cá nhân trúng đấu giá nộp tiền sẽ mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước.

Thực tế khi thẩm tra dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe, tôi cũng đã có ý kiến là nên mở hết kho biển số, thậm chí không cần số đẹp mà các số người dân có nhu cầu đều có đấu giá để sở hữu.

Song hiện việc này Quốc hội đã quyết định làm thí điểm trong vòng ba năm nên sau khi kết thúc, các cơ quan sẽ tiến hành tổng kết và có đánh giá cụ thể.

Trên cơ sở kết quả bước đầu việc đấu giá biển số ô tô như vậy, các cơ quan chức năng cũng nên có rà soát, đánh giá để xem xét thấy các tài sản công nào khác có thể đưa ra đấu giá được tốt, hiệu quả, tạo nguồn thu cho ngân sách thì cần đẩy mạnh.

Bên cạnh đó, với việc đấu giá biển số ô tô không nên quá lo lắng việc bùng hay bỏ cọc, bởi tính chất của biển số khác với những tài sản khác. Nếu như với đất đai, việc bỏ cọc có thể gây ảnh hưởng đến các khu vực, nhà đầu tư, việc triển khai các dự án...

Còn với biển số thì không hao hụt, vẫn nằm trong kho, thậm chí sau này giá có thể còn cao hơn giá đã trúng đấu giá tại phiên đầu tiên. Người bỏ này sẽ bị mất khoản tiền cọc 40 triệu đồng, thu vào ngân sách nhà nước. Về ý kiến cho rằng mức cọc 40 triệu đồng thấp hay không thấp thì đây mới đang là thí điểm, do đó vẫn cần phải rà soát, đánh giá để có mức phù hợp với từng điều kiện, thời gian.

Hiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sẽ được trình Quốc hội xem xét ở kỳ họp thứ 6 sắp tới. Do vậy chắc chắn các vấn đề về pháp lý, quy định liên quan sẽ được hoàn thiện để đảm bảo việc đấu giá đạt kết quả cao nhất, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực...

Thời gian tới, để ngăn việc bùng hay bỏ cọc trong đấu giá có thể nghiên cứu theo hướng quy định điểm tín nhiệm, nhất là với doanh nghiệp. Cũng cần nâng mức cọc lên để đảm bảo. Riêng với đấu giá đất đai có thể yêu cầu doanh nghiệp, cá nhân chứng minh tài chính để đảm bảo đủ tiền nộp sau khi trúng đấu giá.

* PGS.TS ĐINH TRỌNG THỊNH (giảng viên cao cấp của Học viện Tài chính): Cần chế tài mạnh việc bùng cọc

Đấu giá: tăng nguồn thu, tăng minh bạch - Ảnh 3.

Việc đấu giá các tài sản công, trong đó có đấu giá biển số xe theo hình thức trực tuyến vừa qua, rất nên làm, cần ủng hộ vì có tác động lớn tạo ra sự công khai, minh bạch. Đồng thời tạo ra sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng, văn minh hơn cho mọi người khi ai có nhu cầu, thích hơn sẽ trả giá cao hơn như biển số xe.

Hoạt động này cũng ngăn chặn tư túi, móc ngoặc, tham nhũng vặt và nâng lòng tin của người dân vào các cơ quan chức năng, quản lý. Nhất là đối với biển số xe, dù thực hiện bấm biển ngẫu nhiên nhưng vẫn có những hành vi tiêu cực để chọn biển đẹp mà báo chí, dư luận đã phản ánh, thậm chí có vụ bị phanh phui. Hoạt động này cũng giúp tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, biển số xe theo quan điểm phong thủy là dãy số đẹp thường không quá nhiều, nói cách khác là một lượng giới hạn. Vì vậy thời gian tới không chỉ biển số xe mà cần nghiên cứu sửa đổi các quy định hoặc có cơ chế thí điểm để có thể đấu giá các tài sản khác như nhà cửa, đất đai, trang thiết bị, xe cộ công sản... trực tuyến. Đây cũng là việc thể hiện rõ chính quyền số, kinh tế số, giảm chi phí, tạo thuận tiện, công khai, minh bạch, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Về khả năng bùng hay bỏ cọc thực tế đã xảy ra trong không ít cuộc đấu giá, như trước đây ở Thủ Thiêm (TP.HCM), do đó cần có xem xét phù hợp. Cần có quy định chế tài mạnh xử lý đối với cá nhân, doanh nghiệp khi bùng cọc. Chẳng hạn ngoài việc phạt tiền cọc, có thể thêm cơ chế xử phạt số tiền 3 - 5% của tổng số tiền trúng đấu giá, cấm tham gia các cuộc đấu giá khác...

Riêng về việc quy định cá nhân hay doanh nghiệp cần chứng minh tài chính để tham gia đấu giá, tôi cho rằng chỉ phù hợp với đấu giá đất đai, còn với biển số xe là không phù hợp bởi sẽ không thể biết được cụ thể giá của biển số đó bao nhiêu để có yêu cầu.

* Luật sư TRƯƠNG ANH TÚ (Đoàn luật sư Hà Nội): Nhà nước là người bán; doanh nghiệp, cá nhân là người mua

Đấu giá: tăng nguồn thu, tăng minh bạch - Ảnh 4.

Hiện nay theo quy định, với trường hợp bỏ cọc trúng đấu giá biển số ô tô ngoài việc mất tiền cọc 40 triệu đồng thì chưa có chế tài xử lý thêm. Thực tế mức cọc 40 triệu đồng nhưng có những biển trúng đấu giá lên tới cả chục tỉ đồng thì số tiền cọc hiện tại là thấp, không thỏa mãn tính đảm bảo của việc đặt cọc.

Thời gian tới các cơ quan chức năng có thể nghiên cứu mức cọc theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, trong đó tính theo tỉ lệ phần trăm, ở mức 5 - 10% giá trị.

Với việc đấu giá chính là hình thức bán hàng, trong đó Nhà nước là người bán còn doanh nghiệp, cá nhân là người mua, do đó phải tuân theo các quy định về pháp luật dân sự, hợp đồng. Không nên áp dụng quá cứng nhắc các quy định chỉ nhằm mục đích duy nhất là đảm bảo thực hiện giao dịch vì không toàn diện.

* Anh Nguyễn Ngọc Quân (quận Bình Tân, TP.HCM): Dân có thêm nhiều lựa chọn

Đấu giá: tăng nguồn thu, tăng minh bạch - Ảnh 5.

Trước đây tôi từng tham gia đấu giá xe máy cũ bị tịch thu do vi phạm giao thông. Tuy nhiên cũng gặp không ít khó khăn từ các khâu nhận thông báo đấu giá, kế hoạch đấu giá, mua và nộp hồ sơ tham gia đấu giá... Ngoài ra, vì tham gia kiểu "đơn lẻ" nên khó cạnh tranh được với các nhóm tham gia đấu giá khác.

Về biển số xe tôi nghĩ ai cũng có nhu cầu gắn biển số đẹp cho xe của mình. Những ngày qua từ việc đấu giá trực tuyến biển số đẹp đã tạo ra nơi đấu giá cho tất cả mọi người cùng tham gia.

Mọi người đều biết danh sách các biển số đẹp để chọn số đẹp theo nhu cầu và khả năng riêng của mình, biết giá khởi điểm, tham gia quá trình đấu giá công khai, ai là người trúng đấu giá biển số cũng được thông báo rõ ràng.

Từ kinh nghiệm trực tuyến đấu giá biển số xe, tôi mong rằng Nhà nước sẽ ngày càng mở rộng đấu giá trực tuyến cho nhiều loại tài sản nữa (như xe máy cũ, ô tô cũ...) để người dân có thêm nhiều lựa chọn.

* Đấu giá viên Đặng Phi Anh (Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM): Bảo đảm đồng bộ các văn bản pháp luật

Đấu giá: tăng nguồn thu, tăng minh bạch - Ảnh 6.

Luật Đấu giá tài sản hiện hành xét về bản chất là luật hình thức, chủ yếu quy định khung pháp lý về trình tự, thủ tục đấu giá.

Trong khi đó nhiều quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến các loại tài sản phải bán thông qua đấu giá và các quy trình trước khi đấu giá (thẩm quyền, thủ tục đưa tài sản ra đấu giá, việc định giá, xác định giá khởi điểm) và sau đấu giá tài sản (việc ký hợp đồng mua bán, phê duyệt kết quả, cấp phép cho người trúng đấu giá, việc nộp tiền trúng đấu giá) đã hoặc đang được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới sau thời điểm Luật Đấu giá tài sản 2016 được ban hành.

Trong quá trình thực hiện Luật Đấu giá tài sản 2016 đã phát sinh một số vấn đề hạn chế, bất cập, cần sửa đổi, bổ sung: pháp luật về đấu giá tài sản, còn một số quy định chưa chặt chẽ về trình tự, thủ tục, chưa phù hợp với thực tiễn gây khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá và các cá nhân, tổ chức có liên quan. 

Hiện nay dự thảo Luật Đấu giá tài sản sửa đổi, bổ sung đã trải qua nhiều lần thẩm định và Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 8 vừa qua. Tôi cho rằng phải đảm bảo được tính thống nhất, đồng bộ văn bản pháp luật liên quan đấu giá để việc đấu giá và thực hiện được hiệu quả.

* Đấu giá viên Lê Trung Phát: Tiền cọc phù hợp để nhiều người tham gia

Đấu giá: tăng nguồn thu, tăng minh bạch - Ảnh 7.

Có ý kiến nên tăng số tiền đặt trước để ràng buộc, tránh việc người đấu giá bỏ cọc, nhưng theo tôi không nên tăng tiền đặt trước quá cao. Bởi lẽ số tiền đặt trước cao (ví dụ tăng lên 50%) thì vô hình trung hạn chế quyền tham gia đấu giá, đánh mất cơ hội của nhiều người cùng muốn tham gia.

Về khoản tiền đặt trước thì cũng có vai trò trong việc sàng lọc khả năng và ràng buộc người đấu giá không bỏ kết quả đấu giá.

Theo quy định Luật Đấu giá tài sản hiện hành, số tiền đặt trước là 5 - 20% giá khởi điểm. Tuy nhiên có thể xem xét để bổ sung quy định, xây dựng tỉ lệ tiền đặt trước phù hợp tương ứng với giá trị tài sản, nhu cầu của xã hội đối với tài sản đấu giá.

Theo tôi, từ kinh nghiệm đấu giá trực tuyến biển số, Nhà nước cần mở rộng thêm để đấu giá trực tuyến với nhiều loại tài sản nữa để thu ngân sách và bảo đảm minh bạch cho nhiều người tham gia.

Nộp tiền sau trúng đấu giá ra sao?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) nêu rõ đấu giá biển số ô tô nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Việc khai thác có hiệu quả tài sản công là kho biển số nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và công khai, minh bạch.

Đại diện cục cũng cho hay theo quy định trong thời hạn bảy ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả đấu giá, biên bản đấu giá, danh sách người trúng đấu giá từ tổ chức đấu giá tài sản, Bộ Công an ban hành văn bản phê duyệt kết quả đấu giá. Bộ Công an gửi thông báo kết quả trúng đấu giá biển số ô tô vào thư điện tử và gửi tin nhắn thông báo tới số điện thoại đã đăng ký tại tài khoản truy cập cho người trúng đấu giá ngay sau khi phê duyệt kết quả đấu giá.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả đấu giá, người trúng đấu giá phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá sau khi đã trừ số tiền đặt trước vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an. Ngay sau khi nhận đủ số tiền trúng đấu giá, Bộ Công an cấp hóa đơn điện tử bán tài sản công và văn bản điện tử xác nhận biển số ô tô trúng đấu giá gửi vào thư điện tử cho người trúng đấu giá để làm thủ tục đăng ký xe.

Ai được đấu giá?

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đã bổ sung cách thức bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá bằng hình thức trực tuyến thông qua Cổng đấu giá tài sản quốc gia và trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá.

Dự thảo cũng bổ sung các trường hợp không được đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản như cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, công ty mẹ, công ty con, các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động doanh nghiệp khác... để bảo đảm tính khách quan, minh bạch, tránh tình trạng thông đồng, dìm giá giữa những người này khi tham gia đấu giá...

Dự thảo cũng quy định mức đặt cọc tối thiểu là 10%, tối đa 20% giá khởi điểm trong trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất.

Biển xe P7 đã thiết lập kỷ lục thế giới mới về giá sau khi được bán đấu giá thành công 55 triệu dirham (15 triệu USD) vào ngày 10-4-2023 tại Dubai, UAE - Ảnh: Emirates Auction Llc

Biển xe P7 đã thiết lập kỷ lục thế giới mới về giá sau khi được bán đấu giá thành công 55 triệu dirham (15 triệu USD) vào ngày 10-4-2023 tại Dubai, UAE - Ảnh: Emirates Auction Llc

Dubai tổ chức đấu giá biển số xe thế nào?

Tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Cơ quan Giao thông và đường bộ (RTA) là đơn vị phụ trách việc đấu giá các biển số xe đặc biệt.

Đấu giá biển số xe đã trở thành một nguồn thu ngân sách lớn cho UAE. Điển hình như trong cuộc đấu giá tháng 3-2023, RTA thu được gần 30 triệu Dh chỉ trong một ngày với việc đấu giá khoảng 90 biển số "siêu đặc biệt".

Trong phiên đấu giá tháng 3-2023 Dubai chào bán 90 biển số xe "siêu đặc biệt", trong đó một người đã bỏ 2,74 triệu Dh để mua biển số AA90 và một người khác đã bỏ 2,36 triệu Dh để mua biển M73. Trong khi biển W55555 bán được 1,71 triệu Dh, biển X800 bán được 1,02 triệu Dh. (Dh - đơn vị tiền tệ của UAE, theo tỉ giá ngày 16-9, 1 dirham bằng khoảng 6.700 đồng Việt Nam).

Theo báo Gulfnews, RTA tổ chức các cuộc đấu giá này định kỳ, cả trực tiếp lẫn trực tuyến, mỗi kỳ đấu giá khoảng vài trăm biển số. Từ vài ngàn cho tới hàng chục triệu dirham, ai cũng có thể sở hữu một biển số xe đặc biệt cho mình.

Thông thường, các biển số có 3, 4 và 5 chữ số được đấu giá online. Các biển số "siêu đặc biệt", kiểu như biển "AA90" hay "M73" đấu giá vào tháng 3 năm nay sẽ được mở đấu giá trực tiếp nhưng có thêm đấu giá trực tuyến đồng thời.

RTA công bố các thông tin chi tiết về đấu giá online trên trang web của họ gồm: ngày đấu giá, tổng số biển số sẽ đấu giá; danh sách các biển số này và giá khởi điểm với từng cái; phí ký quỹ (5.000 Dh cho đấu giá online) và phí tham gia (120 Dh).

Để có thể đấu giá online, người tham gia phải có hoặc một chiếc xe đã đăng ký tại Dubai, hoặc bằng lái xe được cấp tại Dubai. Sau khi thỏa mãn yêu cầu này, họ cần lập tài khoản online của RTA, trong đó yêu cầu cung cấp địa chỉ email, số điện thoại di động và hồ sơ giao thông cá nhân online (thông tin bằng lái, số xe đã đăng ký...).

Các phiên đấu giá online có thể mở trong vài ngày. Người chiến thắng sẽ phải thanh toán số tiền đã đưa ra đấu giá trong vòng 10 ngày sau khi phiên này kết thúc. Nếu không nhận biển số đã thắng đó, sẽ bị trừ 500Dh trong số tiền 5.000Dh đã ký quỹ, tương đương 10%.

Bên cạnh đó, theo trang Dubizzle, tại UAE đã hình thành một hoạt động đầu tư kinh doanh với biển số xe khi nhiều người bỏ khoản vốn khổng lồ để mua những biến số đặc biệt trong phiên đấu giá chỉ để bán lại kiếm lời sau đó với giá cao hơn.

Ông Abdulla al Mannaie, giám đốc điều hành tại Công ty đấu giá Emirates Auctions, chia sẻ với Đài ABC (Mỹ) rằng tại UAE, những biển số xe "5" và "7" có thể bán được giá gấp gần 10 lần so với giá trị của chiếc xe gắn biển đó. "Nhiều chủ xe có thể đổi xe nhưng sẽ giữ một biển số yêu thích duy nhất trong đời họ". Chính bản thân ông Mannaie cũng đã giữ biển số xe "383" trong hơn 30 năm qua và ông thậm chí còn mua một số điện thoại di động cho khớp với biển số đó.

Chủ nhân trúng đấu giá biển số ngũ quý 6 sẵn sàng bán lại với giá "xứng tầm"Chủ nhân trúng đấu giá biển số ngũ quý 6 sẵn sàng bán lại với giá 'xứng tầm'

Anh N.M.H. trúng đấu giá biển số 98A-666.66. Anh cho biết trước mắt sẽ giữ biển này để sử dụng và chỉ đồng ý bán lại khi có người trả mức giá xứng tầm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp