17/03/2015 11:08 GMT+7

​"Đau để thương" thay vì "trả thù rửa hận"

HUỲNH QUANG LÂM - PHẠM MINH HIỀN
HUỲNH QUANG LÂM - PHẠM MINH HIỀN

TTO - Nếu nhìn nhận vụ nữ sinh bị đánh ở góc độ, nền tảng văn hóa tình thương, ta dễ dàng xúc cảm "đau để thương", thay vì chỉ trích, phê phán, "trả thù rửa hận".

Tranh minh họa

Vì các em còn quá nhỏ, mà giáo dục là công việc của mọi người, mọi ngành chứ không phải riêng ai.

Nếu cứ đặt vấn đề con cháu mình là nạn nhân, thì việc đề ra cách thức giải quyết và ngăn chặn sẽ thấy khó khăn.

Thôi thì, mọi người cần xem đó là rủi ro đáng tiếc, ngoài ý muốn của ta, để cùng nhau suy ngẫm, tìm cách thức ngăn ngừa, phòng bệnh hơn chữa bệnh vẫn hay hơn.

Để chúng ta được sống với nhau bằng văn hoá tình thương "bầu bí" như ông bà ta đã dạy.

Trường học cần chú trọng giúp cho các em hiểu được thế nào là văn hóa tình thương của người Việt Nam. Tình thương, tình nghĩa, tình cảm, tình yêu, tình bạn, tình non nước, tình người.

Chúng ta tổ chức ngoại khoá, cho các em đi thăm các em trẻ mồ côi để các em nhìn thấy những mảnh đời bất hạnh cần được giúp đỡ.

Chúng ta đưa các em đến trại cải tạo, trại giam để răn đe, khuyến khích.

Phụ huynh hãy đưa các em tham gia vào trại hè quân đội, lớp tu học mùa hè...

Chúng ta cần giúp các em trở thành người tử tế, không ganh tị người hơn mình, không khinh khi người kém mình để biết vươn lên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống là điều cần thiết.

Chúng ta cần xem sự cố bạo lực học đường này là sự cảnh tỉnh cho mọi người.

Nhà trường cần quản lý chặt chẻ hơn, gia đình chăm sóc con cháu tốt hơn, khắc phục hệ lụy "cha mẹ bất hoà con bất hạnh",

Cơ chế giáo dục cũng cần được vận hành theo hệ thống nhân văn và tiến bộ hơn, mà trước tiên Nhà nước mình cần đầu tư cho giáo dục tốt hơn...

Chỉ trích và phê phán đôi khi cũng cần, nhưng thuyết phục và kêu gọi để nhận thức, làm theo  hướng tích cực và tiến bộ vẫn cần và hay hơn...

Có vậy, chúng ta tin rằng cuộc đổi mới giáo dục sẽ thành công, đất nước sẽ nhanh chóng hưng thịnh.

HUỲNH QUANG LÂM (TRƯỜNG THPT CHUYÊN BẠC LIÊU)

+ Ngày tôi còn là một học sinh trung học cơ sở, tôi hình dung có khi cô giáo chủ nhiệm gần như bất lực với tôi.

Cứ vào giờ sinh hoạt lớp cuối tuần, tên tôi luôn có trên bảng về các tội; Không làm bài tập được giao, nói chuyện trong lớp, trêu chọc bạn bè, thường xuyên đi trễ...

Có một lần, cô nói trước cả lớp: "Cô không bắt ép các bạn phải học giỏi, vì mỗi người có một tính cách riêng. Có thể là quậy phá, có thể là học dốt, nhưng... các em phải thông minh, phải biết học hỏi, phải biết nhìn những gì tốt người ta làm được tại sao mình lại không?".

Lời nói của cô giáo đã làm thay đổi tôi hoàn toàn. Tôi bắt đầu nhìn đứa bạn ngồi cạnh, bài kiểm tra của nó sao luôn có điểm 10? Đứa bạn cuối lớp, tại sao luôn ngoan hiền, vâng lời thầy cô, và được bạn bè, thầy cô yêu mến?

Một đứa bạn gần giống như tôi, tụ tập bè phái, trêu chọc bạn bè, vô lễ với thầy cô, thì... thường xuyên làm bảng kiểm điểm, bạn bè e dè khi tiếp xúc.

Ấy là lúc, tôi bắt đầu thay đổi, bắt đầu biết chiêm nghiệm...

Cô là một giáo viên dạy Văn, và tôi yêu văn cũng từ cô. Cô không bao giờ trách mắng học trò. Cô chỉ dạy chúng tôi bằng những lời Văn trong trẻo.

Tôi cảm nhận được những cảm xúc rất thật từ đôi mắt cô, khi cô dạy bảo.

Bạo lực học đường là một chuyện đau đớn. Khi Internet và mạng xã hội được phát triển rộng khắp, bên cạnh những cái tốt mạng đã đem lại, những cái xấu cũng đi song song.

Thầy cô giáo cũng đang từng ngày đổi mới phương pháp dạy. Thầy cô được "khuyên" không được "nổi nóng" khi học trò sai. Nhưng thầy cô cũng có quyền biểu lộ cảm xúc, cũng như khi học trò sai, học trò đúng... những cảm xúc hoàn toàn khác nhau. Vì thầy cô là một người rất con người chớ không phải "máy móc".

Tôi còn nhớ, khi tôi lội xuống mương nước trước trường học lúc giờ ra chơi. Người tèm nhem, tôi móc đất chọi vào mấy đứa bạn. Đứa nào đứa nấy, áo trắng thành áo đen.

Khi ấy, một người thầy không làm tôi nhớ, nhưng tôi vẫn đau đáu về nhát roi năm ấy. Thầy bắt tôi không được nghịch ngợm như vậy, cứ ngồi yên mà học. Những nhát roi thầy rót vào tôi, tôi hoàn toàn biết... đó là những nhát roi bất lực. Nhát roi ấy không đau, nhưng tôi cảm thấy tàn bạo. Bất lực làm người thầy mất tự chủ cứ liên tiếp xả roi vào mông.

Và tôi dám chắc, bạo lực càng dữ tợn hơn khi người ta cố kỳ công dẹp bỏ... Vậy, dẹp những bạo lực này như thế nào đây? Cho roi cho vọt hay cho ngọt cho bùi? Tại sao lại phải đóng khung một hình thức dạy roi vọt hay ngọt bùi?

Trong khi học sinh mỗi em một tính cách, một hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau, hoàn toàn có những lối giáo dục riêng biệt.

Cứ giữ nguyên những gì rất con người, kết hợp với khả năng sư phạm mà bước lên lớp, mà dạy học sinh cũng như có hình thức dạy bảo lại những em này.

Tôi tin, lời dạy từ trái tim, sẽ đến được với trái tim.

Phạm Minh Hiền (hoboidatduc@...)

 

Hai bài viết thể hiện quan điểm của bạn đọc Quang Lâm và Phạm Minh Hiền. Mời bạn đọc tiếp tục tham gia những câu chuyện, những giải pháp để tình trạng bạo lực học đường không còn cơ hội tồn tại. Hãy email đến [email protected] hoặc phần Ý kiến bạn đọc dưới bài viết.
HUỲNH QUANG LÂM - PHẠM MINH HIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp