Hầu hết trường THCS và THPT tại TP.HCM đều có các hoạt động dạy tăng tiết trái buổi có thu tiền (gọi chung là dạy thêm, học thêm) ngay trong trường.
Phương pháp được đa số trường thực hiện là duy trì lớp học chính khóa và chuyển thành lớp học thêm trái buổi để tránh sự xáo trộn, giáo viên chủ nhiệm (hoặc giáo viên dạy toán, văn) sẽ quản lý lớp học chính khóa và cả buổi thứ hai.
Ở khá nhiều trường, 100% học sinh chính khóa học thêm tại trường vào buổi còn lại.
Đủ kiểu thu, chi
Không thể không học thêm Chương trình bậc THPT nặng, thời lượng học chính khóa không đủ, áp lực tốt nghiệp THPT và vào đại học, học sinh thiếu tự giác học tập, đó là thực tế và lý do mà các hiệu trưởng đưa ra khi tổ chức hoạt động tăng tiết (nay gọi là dạy thêm, học thêm). Theo nhiều hiệu trưởng, việc tổ chức dạy tăng tiết đồng loạt ngay tại trường đã giúp kết quả học tập của học sinh tăng lên rõ rệt, tỉ lệ đậu tốt nghiệp, ĐH, CĐ tăng cao. Với việc tổ chức dạy thêm trong trường và được ban giám hiệu chịu trách nhiệm về chất lượng, giáo viên của trường trực tiếp giảng dạy, phụ huynh không phải lo lắng việc tìm chỗ học thêm bên ngoài cho con, cơ sở vật chất nhà trường được tận dụng; đồng thời hạn chế tối đa việc giáo viên đưa học sinh về nhà mình dạy thêm, gây những tiêu cực không đáng có. |
Mức thu học phí học thêm và chi trả từ khoản thu này dựa trên thỏa thuận giữa trường với phụ huynh, trường với giáo viên và có khoảng cách khá xa giữa các trường, tùy quan điểm của ban giám hiệu và điều kiện dạy học thực tế. Số tiết học dao động 10-12 tiết/tuần. Tại quận 11, một hiệu trưởng cho biết mức thu tại trường của ông là 6.000 đồng/tiết, trong đó 70% chi cho giáo viên.
Tại Gò Vấp lại có trường thu ở mức 10.000-12.000 đồng/tiết, tuy nhiên giáo viên chỉ được hưởng khoảng 20% trong số này, phần còn lại dùng làm quỹ sửa chữa, trang bị cơ sở vật chất, nâng thu nhập cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên, điều này cũng khiến không ít giáo viên tâm tư.
Tại quận này có những trường trả cho giáo viên khối 12 là 140.000 đồng/tiết, khối 10 và 11 là 120.000 đồng/tiết, nhưng cũng có trường trả theo số học sinh, giáo viên được trả 3.500 đồng/tiết nhân với số học sinh, như vậy mỗi tiết dạy giáo viên có thể được hưởng khoảng 165.000 đồng.
Bên cạnh đó, có trường chỉ thu 6.500 đồng/tiết và chi cho giáo viên 60% suốt nhiều năm nay và có thêm cơ chế: nếu giáo viên dạy tại trường buổi tối có thể nhận được 80%, vì dạy buổi tối sẽ thu nhỏ tối đa các bộ phận gián tiếp tổ chức hoạt động này.
Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP.HCM, các trường phải ngưng các hoạt động dạy học tăng tiết có thu tiền và phải tiến hành đầy đủ thủ tục pháp lý theo quy định để được cấp phép hoạt động dạy thêm, học thêm.
Sở yêu cầu: học sinh tham gia trên cơ sở tự nguyện, phải được gia đình đồng ý, không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo biên chế các lớp học chính khóa, mở lớp dạy thêm phải căn cứ trên học lực của học sinh và học sinh cùng lớp phải có học lực tương đương, mỗi học sinh học thêm không quá sáu tiết/môn/tuần và không quá 18 tiết/tuần. Sở cũng sẽ đưa ra “mức trần” học phí dạy thêm trong trường.
Một điểm học thêm tại nhà ở Q.10, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng |
Xáo trộn
Hiệu trưởng các trường phổ thông đang rất đau đầu vì những quy định mới về dạy thêm, học thêm.
Một hiệu trưởng phân tích: “Quy định đưa ra khi năm học mới đã bắt đầu, các trường vẫn đang duy trì tăng tiết theo kiểu cũ. Việc xáo trộn các lớp dẫn đến giáo viên đang chủ nhiệm hoặc đang dạy ở lớp này không được dạy học sinh của mình, mà chỉ các thầy cô này mới nắm được các em học yếu ở đâu mà gỡ. Ngược lại, học sinh cũng sẽ chủ động nghỉ nếu không được học với giáo viên mình thích. Giáo viên sẽ có người dạy nhiều không hết, người ngồi chơi không với cách làm mới này”.
Đến thời điểm này, các trường đang chờ văn bản liên ngành của Sở GD-ĐT và Sở Tài chính về quy định thu, quản lý và sử dụng tiền dạy thêm, học thêm. Một số trường vẫn tạm thu theo kiểu cũ trong khi chờ hướng dẫn mới.
Tại Gò Vấp, một hiệu trưởng thừa nhận việc tổ chức dạy thêm tại trường với trên 90% học sinh tham gia đã làm tăng tỉ lệ học sinh đậu vào các trường ĐH, CĐ hằng năm. Sau nhiều năm thực hiện, chuyện dạy thêm đã đi vào quy củ, nề nếp, chất lượng học tập tăng lên khiến phụ huynh an tâm, giáo viên cũng đồng thuận khi các khoản thu đủ trang trải cho giáo viên và nhà trường.
Hiệu trưởng này băn khoăn: “Chúng tôi đang rối vì những quy định mới này. Đây là thế mạnh của trường từ trước đến nay, việc thay đổi có thể gây ảnh hưởng đến việc dạy học. Tôi tin nhiều trường sẽ gặp khó khi không được dạy thêm theo lớp chính khóa, như vậy sẽ xáo trộn, tổ chức lại và sẽ rất rối chứ không còn ổn định như trước.
Hoạt động dạy học này có vai trò quyết định rất lớn đến chất lượng và kết quả của học sinh. Việc học sinh tự đăng ký dẫn đến sẽ có nhiều giáo viên được xếp lịch rất dày, nhưng cũng có những người lượng học sinh đăng ký học rất ít, vì vậy sẽ mất cân đối hoạt động nhà trường”.
Giải pháp phần ngọn Hiệu trưởng một trường phổ thông khác nêu quan điểm: “Ở Hàn Quốc người ta gọi là “thị trường gia sư”, một thị trường rất lớn. Ở nước ta cũng có thể gọi là “thị trường học thêm”. Có cung thì có cầu, nhiều chính sách đưa ra để hạn chế tiêu cực dạy thêm, học thêm nhưng có được đâu. Và quy định mới này của sở cũng vậy, mới chỉ nắm giữ được phần ở trường, còn giáo viên kéo học sinh về nhà dạy có quá nhiều cách để lách, ai có thể kiểm tra, giám sát. Vấn đề cốt lõi nằm ở chuyện chương trình quá nặng, không học thêm không được, trong khi học sinh nhiều em đầu vào thấp, rất yếu và không theo nổi. Vì vậy đưa dạy thêm, học thêm vào nhà trường để dễ quản lý cũng mới chỉ là giải pháp phần ngọn mà thôi”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận