Lực lượng chức năng giữ an ninh trật tự tại một dự án điện gió ở Bến Tre - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Trên cửa sông Hàm Luông (Bến Tre), dự án nạo vét luồng sông Hàm Luông và một dự án điện gió đang có những vị trí giao cắt, chồng lấn nhau.
Dự án chồng dự án
Dự án nạo vét luồng sông Hàm Luông (Bến Tre) được chấp thuận chủ trương và được phê duyệt báo cáo tác động môi trường năm 2013. Khoảng 2 năm sau, Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bến Tre. Ngày 21-9-2018, UBND tỉnh Bến Tre có quyết định chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện gió số 5.
Dự án điện gió ra đời sau nhưng chủ đầu tư dự án nhà máy điện gió cho rằng dự án nạo vét luồng sông Hàm Luông mới có vị trí luồng chồng lấn vào ranh giới đã thực hiện dự án điện gió của công ty này.
Mới đây, Công ty cổ phần Tân Hoàn Cầu Bến Tre (đơn vị đầu tư dự án điện gió) đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bến Tre và Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) kiến nghị các cơ quan chức năng kiểm tra lại vị trí nạo vét luồng lạch để đồng bộ với vị trí luồng lạch đã được Bộ Công thương lấy ý kiến của các bộ ban ngành trong quá trình lập quy hoạch phát triển điện gió Bến Tre.
Trong khi đó, theo văn bản của Sở Công thương Bến Tre gửi Sở Giao thông vận tải, qua tính toán sơ bộ, có ít nhất 3 trụ tuôcbin điện gió nằm cách luồng chỉ khoảng từ 90m đến 160m, tiềm ẩn các rủi ro tàu thuyền có thể va chạm vào móng tuôcbin gió.
Sở Công thương Bến Tre kiến nghị Sở Giao thông vận tải yêu cầu các bên ngồi lại điều chỉnh thiết kế, xây dựng phương án triển khai thi công nhằm đảm bảo an toàn hàng hải khu vực và an toàn các trụ tuôcbin đã xây dựng.
Lo an ninh trật tự quanh dự án điện gió
Tại Sóc Trăng, thời gian qua đã xảy ra một số xung đột giữa người dân xung quanh khu vực dự án điện gió với đơn vị thi công.
Ông Võ Văn Chiêu, giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng, cho biết tỉnh có 20 dự án điện gió được cấp chủ trương đầu tư, 11 dự án đã thi công. Việc triển khai các dự án cơ bản thuận lợi, tuy nhiên cũng có dự án gặp "trục trặc" khâu bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng như dự án điện gió Lạc Hòa 2 thuộc địa bàn 3 xã Hòa Đông, Lạc Hòa và Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu).
"Có 259 hộ bị ảnh hưởng bởi dự điện gió Lạc Hòa 2. Thời gian qua, với lý do đơn vị thi công chưa trả lại hiện trạng cống B11 như ban đầu, không đảm bảo việc thoát nước cho nuôi trồng thủy sản nên dân ra ngăn cản việc thi công 4 trụ tuôcbin", ông Chiêu cho hay.
Nhiều người đã dựng chòi tạm, căng dây, không cho vận chuyển vật tư, thiết bị. Chính quyền địa phương cũng "đau đầu" khi tình hình trật tự căng thẳng quanh dự án. Một số người còn manh động, chống trả người thi hành công vụ. Có những vụ đụng độ đổ máu giữa một vài đối tượng hình sự và tệ nạn cư trú tại địa phương và công nhân của đơn vị thi công.
UBND tỉnh Sóc Trăng đã thành lập tổ công tác, do một phó chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng. Đích thân chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu đã khảo sát thực địa, tiếp xúc người dân và làm việc với chính quyền địa phương, đại diện chủ đầu tư, đơn vị thi công.
"Sau khi đã giải quyết đền bù thỏa đáng cho người dân, lại phát sinh thêm một số hộ mới. Hiện chúng tôi đang phối hợp với chính quyền địa phương, chủ đầu tư và đơn vị thi công tập trung giải quyết trong thời gian sớm nhất", ông Chiêu cho hay.
Trước đó, tại một dự án thi công điện gió ở Bến Tre cũng xảy ra tình trạng tranh chấp giữa người dân với đơn vị thi công. Sự việc kéo dài hằng tháng trời gây thiệt hại cho nhà đầu tư cũng như khiến người dân rất mệt mỏi.
Dự án điện gió ảnh hưởng giao thông thủy
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Niệm, phó giám đốc Sở Công thương Bến Tre, cho biết UBND tỉnh Bến Tre đã có văn bản đề nghị đơn vị đầu tư điện gió tại cửa sông Hàm Luông phải có biện pháp đảm bảo an toàn cho tàu, ghe qua lại khu vực này.
Tỉnh Bến Tre đã yêu cầu công ty ngưng ngay việc thi công hệ thống trụ và đường dây 22kV cắt ngang luồng chạy tàu (đoạn nối từ trụ tuôcbin WTG2-2 sang trụ tuôcbin WTG3-2 và từ trụ tuôcbin WTG3-6 sang trụ tuôcbin WTG3-7), đồng thời điều chỉnh thiết kế và xây dựng phương án đảm bảo an toàn.
Công ty chỉ được thi công đường dây 22kV khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép về an toàn hàng hải.
Các phương án thiết kế đảm bảo an toàn hàng hải theo yêu cầu kỹ thuật của Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam.
Theo đó, hoặc là xây dựng đường dây cáp ngầm kết nối 2 trụ tuôcbin có độ sâu 12m xuyên qua tuyến luồng chạy tàu cửa sông Hàm Luông hoặc xây dựng đường dây trên không vượt tuyến luồng chạy tàu cửa sông Hàm Luông với chiều rộng hai trụ 250m và chiều cao tính từ mặt nước trung bình đến vị trí dây dẫn gần nhất từ 48m trở lên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận