An ninh được thắt chặt ở Paris và các vùng lân cận sau vụ tấn công khủng bố mới đây - Ảnh: Reuters |
Theo Hãng tin AFP, ước tính có tới 7 triệu CĐV nước ngoài đến Pháp suốt VCK Euro 2016 diễn ra từ ngày 10-6 đến 10-7, riêng thủ đô Paris sẽ đón 3 triệu người. Hiện tại, bóng ma vụ tấn công khủng bố đêm 13-11 ở Paris vẫn ám ảnh nước Pháp. Do đó, vấn đề an ninh trở thành ưu tiên hàng đầu của quốc gia chủ nhà. Ngay sau vụ tấn công 13-11, chủ tịch Ủy ban tổ chức Euro 2016 Jacques Lambert khẳng định Pháp cần cảnh giác cao độ với nguy cơ khủng bố tại VCK Euro tới.
Có nghĩa là cả chính phủ, ban tổ chức (BTC) đến các thành phố tổ chức những trận đấu VCK Euro 2016 đều phải nỗ lực tối đa và tốn kém chi phí lớn. Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) chỉ hỗ trợ chi phí bảo vệ an ninh bên trong các sân vận động, sân tập và khách sạn nơi 24 đội bóng trú ngụ. Do đó 10 thành phố là Lille, Lens, Lyon, Saint-Etienne, Bordeaux, Toulouse, Nice, Marseille, Paris và Saint-Denis đang phải đau đầu tính toán chuyện chi phí.
Trước đó, chính quyền các thành phố như Saint-Etienne và Toulouse đã lên tiếng bày tỏ khó khăn về việc duy trì các khu vực dành cho giới CĐV (fan zone), nơi họ tụ tập và theo dõi các trận đấu qua màn hình lớn. Một số thành phố lớn như Paris và Marseille cam kết sẽ thành lập fan zone, nhưng thừa nhận chi phí bảo vệ an ninh những địa điểm này rất lớn. Ví dụ fan zone dưới chân tháp Eiffel ở Paris có thể thu hút tới 120.000 người mỗi ngày.
Mới đây, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve trấn an dư luận rằng Chính phủ Pháp sẽ tăng số lượng máy quay an ninh, tăng cường kiểm tra xung quanh các sân vận động và tuyển dụng thêm nhân viên an ninh để bảo vệ các fan zone. Để đi vào các sân vận động, CĐV sẽ phải trải qua vòng kiểm tra an ninh tương tự như vào sân bay. An ninh ở sân vận động cũng sẽ kiểm tra chứng minh và hộ chiếu của CĐV.
Nhà chức trách cũng sẽ lập hàng rào quanh các fan zone để kiểm tra an ninh. Ông cho biết chính quyền sẽ công bố mức chi phí an ninh của Euro 2016 vào tháng 1 tới. Nhưng chi phí tuyển dụng thêm 1.000 nhân viên an ninh là vấn đề lớn nhất. Ngay sau lễ bốc thăm chia bảng Euro 2016, nhà chức trách Pháp sẽ bắt đầu trao đổi với lực lượng tình báo - an ninh trong và ngoài nước để đánh giá nguy cơ khủng bố của từng trận đấu, qua đó áp dụng các biện pháp bảo vệ an ninh sao cho phù hợp.
Ngoài ra, thủ đô Paris còn tổ chức một loạt sự kiện văn hóa - giải trí nhân dịp Euro 2016, dự kiến thu hút nhiều khán giả. Có thể kể đến các cuộc triển lãm văn hóa của 23 quốc gia dự Euro hay chương trình du lịch Paris do LĐBĐ Pháp hậu thuẫn, một liên hoan phim và một số sự kiện thu hút thanh niên. An ninh Pháp sẽ phải gồng mình bảo vệ thêm những sự kiện này.
Và Chính phủ Pháp cũng phải đảm bảo việc quân đội cùng cảnh sát hợp tác ăn ý và hiệu quả với các công ty an ninh tư nhân được BTC thuê mướn. Phó thị trưởng Paris Jean-François Martins cho biết nhà chức trách sẽ áp dụng các biện pháp an ninh nghiêm ngặt hơn nhiều so với các giải đấu trước đây. “Tôi không dám đảm bảo 100%, nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực để tổ chức một Euro an toàn nhất từ trước đến nay” - ông Martins cam kết.
Tây Ban Nha rơi vào bảng khó Theo kết quả lễ bốc thăm chia bảng VCK Euro 2016, nước chủ nhà Pháp sẽ có nhiều thuận lợi khi chỉ phải đối đầu các đội bóng nhẹ ký. Trong khi đó, đương kim vô địch Tây Ban Nha sẽ có nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với các đối thủ khó chịu như CH Czech, Croatia và Thổ Nhĩ Kỳ. Đương kim vô địch thế giới Đức cũng không quá lo lắng trước Ukraine, Ba Lan hay Bắc Ireland. Dưới đây là danh sách các bảng đấu: Bảng A: Pháp, Romania, Albania, Thụy Sĩ. Bảng B: Anh, Nga, Xứ Wales, Slovakia Bảng C: Đức, Ukraine, Ba Lan, Bắc Ireland Bảng D: Tây Ban Nha, CH Czech, Thổ Nhĩ Kỳ, Croatia Bảng E: Bỉ, Ý, CH Ireland, Thụy Điển Bảng F: Bồ Đào Nha, Iceland, Áo, Hungary |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận