Phóng to |
Ảnh: vulinh |
Mùa hè năm 1975, cả nước vẫn đang hân hoan vô bờ bến trong niềm vui thống nhất. Lúc ấy tôi chừng sáu tuổi và bị bệnh gan rất nặng, suốt ngày đêm cứ sốt li bì, người vàng vọt, yếu ớt. Tôi nhớ là mình yếu lắm, đến nhấc tay hay mở miệng nói cũng thấy mệt. Cứ về cuối chiều, sẩm tối là thân nhiệt lại tăng cao hơn, nhìn vật gì cũng thấy sắc vàng. Đó cũng là lúc trên Đài Tiếng nói Việt Nam phát chương trình dân ca và nhạc cổ truyền rất hay, nên sau này tôi cứ ám ảnh về những giờ phút nằm bẹp trên giường khi nghe thấy những giai điệu trữ tình, thướt tha đó.
Sau này nghe kể lại, tôi biết mọi người trong gia đình đã nghĩ đến tình huống xấu là tôi không qua khỏi. Ba tôi công tác xa nhà liên miên. Bà nội ở cách xa gần 200 cây số nghe tin vội lặn lội về nhà tôi để chăm sóc tôi. Bà và mẹ đưa tôi đến Bệnh viện huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình) cách nhà chừng gần 20 cây số để khám chữa bệnh.
Những ngày đầu nhập viện, tình trạng bệnh của tôi rất nặng nên suốt ngày tôi nằm bẹp trên giường. Mệt mỏi, tôi cứ nửa thức nửa ngủ, đôi mắt khép hờ. Trời nóng bức nên bà nội cứ ngồi đưa quạt cho tôi dễ chịu. Trong những lúc mơ màng, tôi cảm nhận được bàn tay chăm sóc đầy yêu thương, sự lo lắng tột cùng của bà nội và mẹ đối với tôi. Và thêm người thứ ba mà tôi cảm nhận được rất rõ. Đó chính là một cô bác sĩ luôn để ý đến tôi. Lớn nên, tôi nghe bà và mẹ kể lại khi đó cô bác sĩ chừng ngoài 30 tuổi. Cô xuất hiện vào những lúc tôi phải tiêm hoặc uống thuốc. Cô xuất hiện vào giờ tôi ăn cháo. Cô xuất hiện vào những lúc mà tôi có biểu hiện bất thường... Và cô thường đặt bàn tay mềm mại, mát dịu lên trán tôi để theo dõi sự thay đổi nhiệt độ cơ thể tôi. Những khi sốt cao, bàn tay mát dịu đó càng khiến tôi nhận thấy rõ rệt tấm lòng của cô.
Phía cuối giường bệnh tôi nằm là ô cửa sổ, nhìn ra khu vườn có hàng rào bằng những cây thông nhỏ. Tôi nằm, lúc tỉnh hay lúc mê man sốt cũng thường đưa ánh mắt hướng về phía cửa sổ, nhìn ra rặng cây và thấy rất nhiều châu chấu, cào cào, có con to như ngón tay người lớn. Nhiều lần cô bác sĩ đến nơi tôi nằm, thấy tôi nhìn ra cửa sổ, cô nhìn theo và bảo tôi: “Cháu cố gắng uống thuốc cho mau khỏi để còn ra vườn chơi, bắt châu chấu nhé!”. Tôi nhìn cô với nụ cười gắng gượng vì quá mệt.
Rồi một hôm, sau khi cho tôi uống xong thuốc, cô bác sĩ lấy ra một hộp giấy nhỏ đưa cho tôi. Cô bảo: “Cô cho cháu. Cháu chịu khó ăn cháo, uống thuốc để khỏe mạnh lại rồi đi chơi như con châu chấu này nhé. Nó khỏe mạnh nên tự bay nhảy đi chơi đấy”.
Thế là cả ngày hôm đó, cứ khi nào tỉnh dậy tôi lại mở chiếc hộp, cầm chú châu chấu ra chơi. Đến chiều, nghe lời bà, tôi nhờ bà để chiếc hộp lên bậu cửa sổ để chú châu chấu bay ra vườn.
Hôm sau, cô bác sĩ cho tôi uống thuốc rồi hỏi về con châu chấu. Tôi trả lời cô: “Cháu để ở cửa sổ cho nó bay ra vườn rồi”. Cô mỉm cười đi ra ngoài một lát, sau đó cô quay vào với chiếc hộp giấy khác trên tay đưa cho tôi, trong đó lại có một chú châu chấu. Cứ như thế, buổi chiều tối tôi thả chú châu chấu ra vườn bằng lối cửa sổ, hôm sau cô bác sĩ lại bắt cho tôi một chú châu chấu khác...
Nhờ sự chăm sóc, chữa chạy của bà nội, của mẹ tôi, của cô bác sĩ và nhiều y bác sĩ trong bệnh viện, bệnh tình của tôi giảm dần. Qua hai tuần, tôi đã thấy người dần khỏe lại, ít sốt hơn, nhiều lúc ngồi chơi được trên gường bệnh. Và ngày nào cũng vậy, tôi có thêm bạn để chơi là một chú châu chấu mà mỗi buổi sáng cô bác sĩ cho tôi. Sau hơn một tháng nằm viện điều trị, tôi đã mạnh khỏe trở lại và nhiều hôm sau khi khám, tiêm hoặc cho tôi uống thuốc, cô bác sĩ dẫn tôi ra vườn cây chơi. Hai cô cháu cùng bắt châu chấu, chơi đùa vui vẻ và cô còn căn dặn tôi: “Cháu không được ra vườn chơi vào lúc trời nắng hay mưa nhé”.
Ngoài việc chữa bệnh cho tôi bằng thuốc, bằng sự quan tâm tràn đầy tình cảm của cô bác sĩ, cô còn mang đến cho tôi sự háo hức mỗi buổi sáng hằng ngày với món quà nhỏ là chiếc hộp giấy đựng một chú châu chấu. Sau gần hai tháng điều trị, tôi khỏe mạnh và được xuất viện. Hôm ra viện, cô bác sĩ dắt tôi ra tận cổng, chia tay gia đình tôi và tôi, dặn tôi tiếp tục uống nốt số thuốc còn lại đều đặn hằng ngày. Đó là ấn tượng tuổi thơ của chú bé sáu tuổi theo tôi đến tận bây giờ và mãi mãi...
Một chú bé sáu tuổi có thể không nhớ hết được mọi chi tiết sự việc. Nhưng từ những hình ảnh rất đỗi đơn giản, nhỏ bé có thể khơi gợi lại ký ức tuổi thơ của chú. Đó là hình ảnh dấu cộng màu đỏ trên chiếc mũ trắng hay trên ngực áo blouse của cô bác sĩ. Đó là hình ảnh những chú châu chấu màu xanh lá cây mượt mà, hùng dũng, khỏe mạnh, tràn đầy sinh lực... Sau này lớn lên, đọc Chiếc lá cuối cùng của O.Henry, thấy chuyện của mình sao mà cũng giống như vậy!
Dấu cộng màu đỏ, mỗi lần nhìn thấy nó ở bệnh viện, ở xe cấp cứu chạy trên đường là tôi lại nghĩ đến cô nhiều hơn. Tên cô là Cộng và mọi người gọi cô là bác sĩ Cộng. Bà và mẹ tôi thường nói: “Hồi đó con sống được là nhờ có bác sĩ Cộng!”.
|
Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận