24/01/2022 11:14 GMT+7

Dấu ấn Việt Nam tại Hội đồng Bảo an

LAN HƯƠNG
LAN HƯƠNG

TTO - Việt Nam vừa kết thúc thành công nhiệm kỳ 2 năm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hiệp Quốc (LHQ) 2020 - 2021. Dấu ấn của Việt Nam được thể hiện trong nhiều vấn đề mà các nước quan tâm.

Dấu ấn Việt Nam tại Hội đồng Bảo an - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện với các sĩ quan Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam tại Hội nghị tổng kết 2 năm Việt Nam làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ ngày 22-1 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Ngày 22-1 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị tổng kết nhiệm kỳ ủy viên không thường trực HĐBA LHQ. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

5 dấu ấn lớn

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ trước đây chúng ta phải nhờ cộng đồng quốc tế để có được thống nhất, hòa bình, phát triển, thoát khỏi bao vây cấm vận. Nhưng lúc này chúng ta ở vị thế khác và ta lại tham gia hòa giải, tham gia vào các diễn đàn đa phương để mang lại hòa bình, hợp tác, phát triển cho các nước, khu vực và trên thế giới.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh tham gia vào HĐBA là cơ hội lớn để đẩy mạnh và nâng tầm tham gia của nước ta vào các diễn đàn đa phương, góp phần duy trì môi trường hòa bình, tạo thuận lợi cho công cuộc đổi mới, cơ hội cho nắm bắt thông tin, xu thế. Nhờ những điều này, Việt Nam vừa có thể ngăn chặn từ sớm từ xa các nguy cơ an ninh với Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc vừa có cơ hội làm sâu sắc hơn quan hệ song phương, khai thác nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển bền vững của đất nước.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết đánh giá một cách khái quát, nhiệm kỳ ủy viên không thường trực HĐBA LHQ 2020 - 2021 của Việt Nam ghi đậm 5 dấu ấn lớn.

Đầu tiên, Việt Nam đã góp phần thúc đẩy cách tiếp cận đa phương, kiên trì đề cao luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ. Hai là, chúng ta đã thúc đẩy việc tìm kiếm giải pháp bền vững, toàn diện cho xung đột, trong đó có cả xử lý hậu quả xung đột, hướng tới phát triển lâu dài của quốc gia.

Ba là, Việt Nam thúc đẩy tinh thần nhân văn, nhân ái, hướng tới người dân, tăng cường bảo vệ thường dân trong xung đột, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ em một cách thực chất. Bốn là, Việt Nam nỗ lực thúc đẩy hợp tác giữa LHQ, HĐBA với các tổ chức khu vực trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, cũng như đề cao vai trò trung tâm và sự hiện diện của ASEAN tại HĐBA.

Cuối cùng, theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, Việt Nam đã chủ động đề xuất các giải pháp toàn cầu về nhiều vấn đề toàn cầu, nhất là xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh biển, ứng phó với dịch bệnh.

Nhiều bài học đáng quý

Chia sẻ tại hội nghị, đại sứ Đặng Đình Quý - trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ - cho biết những kinh nghiệm "trực chiến" trong suốt 2 năm qua - một nhiệm vụ mà theo ông là "nặng nề" nhưng cũng là cơ hội hiếm có, là "chiến dịch lớn" của mặt trận ngoại giao.

Theo đại sứ Quý, trong hai năm qua trước sức ép của những công việc HĐBA, Phái đoàn Việt Nam đã luôn nhận được sự tin tưởng, và từ đó ý thức được trách nhiệm cao để hoàn tất công việc. "Chúng ta làm việc theo nguyên tắc bình thông nhau. Khi phái đoàn ngủ thì các cơ quan ở nhà giúp thu thập tài liệu, từ đó biến sự bất tiện về múi giờ thành lợi thế", ông Quý chia sẻ.

Đại sứ Quý cho biết bài học đầu tiên chính là việc chọn thời điểm và tranh thủ thời cơ. Việt Nam chọn nhiệm kỳ 2020 - 2021 và vận động để trở thành ứng cử viên duy nhất của nhóm châu Á - Thái Bình Dương, dẫn đến thành tích phiếu bầu ấn tượng vào nhiệm kỳ (192/193 phiếu).

Việt Nam có lợi thế vừa là chủ tịch ASEAN vừa giữ vai trò ở HĐBA trong tháng 1 để hướng đến mục tiêu là cầu nối hợp tác của LHQ với ASEAN cũng như các tổ chức khu vực.

Tiếp theo là bài học sáng tạo. Theo đại sứ Đặng Đình Quý, tháng đầu tiên đảm nhận vai trò chủ tịch HĐBA tại LHQ luôn là thách thức đối với các thành viên, nhưng Việt Nam đã biến thách thức này trở thành cơ hội khi chọn chủ đề phiên thảo luận mở là Thượng tôn Hiến chương trong duy trì an ninh quốc tế, tạo kỷ lục về số bài phát biểu (111 bài).

Bài học thứ 3 của Việt Nam là khai thác các bài học lịch sử. Là quốc gia trải qua các cuộc chiến tranh, cộng đồng quốc tế trông đợi Việt Nam tham gia trực tiếp, kiến tạo hòa bình và sẽ có đóng góp tích cực. Theo đại sứ Quý, hai năm qua Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy vấn đề bom mìn và sáng kiến về bom mìn này đã được thông qua trở thành nghị quyết 2573.

"Cảm nhận chung là các nước nể Việt Nam hơn, các bạn bè đối tác quý trọng Việt Nam hơn. Kinh nghiệm vừa qua cho thấy Việt Nam cần tiếp tục tham gia lần thứ 3 trong 10 năm tới. Khi đó với thế và lực của Việt Nam, cộng đồng quốc tế sẽ trông đợi vào một sự đóng góp thiết thực hơn" - đại sứ Quý nhấn mạnh.

Tích cực và thực chất hơn

Trong 2 năm đảm nhiệm vai trò thành viên HĐBA LHQ, các đề xuất của Việt Nam luôn nhận được sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các nước thành viên, đặc biệt là các nước thành viên của HĐBA.

Việt Nam đã đề xuất và được thông qua 2 nghị quyết về gia hạn các cơ chế tòa án còn tồn đọng và bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột vũ trang; 3 tuyên bố của chủ tịch về tôn trọng Hiến chương LHQ, tăng cường quan hệ giữa LHQ với các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin, và giải quyết hậu quả bom mìn; 1 tuyên bố báo chí về vụ tấn công khủng bố ở Indonesia; tuyên bố Hà Nội về phụ nữ, hòa bình và an ninh.

Trong đó có nghị quyết về bảo vệ cơ sở hạ tầng được 65 nước thành viên LHQ và 15 nước HĐBA bảo trợ. Điều này không dễ dàng gì bởi quan điểm giữa các nước thành viên HĐBA là rất khác nhau.

Kết quả này thể hiện uy tín, sự tin cậy và tầm vóc của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế. Và nếu so sánh với việc tham gia HĐBA 10 năm trước, thì lần này sự tham gia của Việt Nam đã tích cực và thực chất hơn rất nhiều.

Đại sứ Trương Triều Dương (nguyên vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế đa phương, Bộ Ngoại giao) - L.H. ghi

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việt Nam góp phần mang lại hòa bình, hợp tác cho thế giới Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việt Nam góp phần mang lại hòa bình, hợp tác cho thế giới

TTO - Người đứng đầu Chính phủ nhận xét nếu trước đây Việt Nam phải nhờ cộng đồng quốc tế để có được thống nhất, hòa bình, phát triển thì giờ đây nước ta đã ở vị thế có thể đóng góp cho hòa bình, hợp tác và phát triển của các nước.

LAN HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp