30/10/2024 05:37 GMT+7

'Đất vàng' ngàn tỉ bỏ hoang hàng chục năm

Ai cũng xót xa những khu "đất vàng" - tài sản ngàn tỉ ở vị trí đắc địa tại TP Đà Nẵng bị bỏ hoang hàng chục năm qua.

Đất vàng ngàn tỉ bỏ hoang mấy mươi năm - Ảnh 1.

Hai dự án Golden Square (bìa phải) và Viễn Đông Meridian (bìa trái, chỉ toàn cỏ dại) ở giữa trung tâm Đà Nẵng - Ảnh: Đ.CƯỜNG

Tại Đà Nẵng có những khu "đất vàng" nằm ở trung tâm TP bị bỏ hoang gần 20 năm. Ngoài ra, có hàng ngàn khu đất, dự án nằm ở các vị trí đắc địa khác cũng rơi vào cảnh hoang phế, "đứng bánh" do vướng phải các kết luận thanh tra và bản án. 

Cả chục năm nay, người dân và doanh nghiệp mỏi mòn chờ tháo gỡ.

Nguồn lực khổng lồ bị tắc

Hai dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước (39ha) và The Sunrise Bay (181ha) nằm ở nơi cực kỳ đắc địa thuộc quận Hải Châu. Khi hai dự án này khởi động vào năm 2016, chính quyền và người dân Đà Nẵng kỳ vọng sẽ tạo ra siêu đô thị đẳng cấp bên bờ biển ở trung tâm TP. 

Nhưng không lâu sau khi khởi công, hai dự án trên buộc phải dừng thi công khi thanh tra, điều tra vào cuộc làm rõ các sai phạm liên quan đến công tác quản lý đất đai.

Từ đó, hai dự án rơi vào cảnh hoang phế. Hàng trăm căn nhà liền kề, hàng chục cao ốc đang xây dở dang phơi nắng mưa, rêu phủ kín. Bao năm nay, người dân Đà Nẵng và du khách mỗi lần đi trên con đường ven biển qua dự án này cảm thấy xót xa khi nguồn lực bị lãng phí nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Văn An, một người dân sống gần khu đô thị quốc tế Đa Phước, nói: "Nhìn đất đai bỏ hoang ngay giữa trung tâm TP mà đau lòng. Người dân lỡ mua nhà đất ở đây và chủ đầu tư đã nhiều lần kiến nghị TP sớm tháo gỡ để tiếp tục triển khai dự án. 

Lãnh đạo TP trả lời có nhiều nội dung vượt quá thẩm quyền giải quyết của TP nên hứa báo cáo lên trung ương để tháo gỡ, nhưng đến nay chưa tháo gỡ được gì. Bao nhiêu năm trời thấy bê tông, sắt thép dãi nắng dầm mưa vậy ai không xót!".

Công ty Đa Phước (chủ đầu tư dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước) đã ký kết hợp đồng hợp tác liên doanh với hàng chục đối tác khác nhau. Theo đó, các đối tác của Công ty Đa Phước đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng để cùng xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng, đường sá… 

Có nhiều công trình từ 18 - 25 tầng đã được xây dựng xong phần thô. Các công trình nằm ngay sát biển, nếu không được hoàn thiện sớm sẽ bị xuống cấp rất nhanh.

Cách đó không xa, dự án khu phức hợp thương mại sân vận động Chi Lăng - "chảo lửa" một thời của người Đà Nẵng - cũng rơi vào cảnh hoang tàn. Đã ngót 10 năm từ khi sân vận động Chi Lăng được bán cho Tập đoàn Thiên Thanh và dính vào đại án Phạm Công Danh, tất cả rơi vào bế tắc không thể tháo gỡ được.

Theo nguyện vọng của người dân, xét thấy hợp lý, năm 2019 UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản kiến nghị trung ương xin trích ngân sách trả lại gần 1.300 tỉ đồng cho Tập đoàn Thiên Thanh để lấy lại khu đất này làm công trình công cộng phục vụ người dân nhưng không thể thực hiện được. Lý do là khu đất đang là tài sản thi hành án.

Ôm "đất vàng" rồi bỏ hoang gần 20 năm

Nói về sự lãng phí nguồn lực đất đai ở Đà Nẵng, phải kể đến các khu "đất vàng" rộng lớn nằm ngay trên các trục đường sầm uất của TP. Kế bên nhà hát Trưng Vương là dự án Da Nang Center do Công ty CP địa ốc Vũ Châu Long làm chủ đầu tư. Khu đất ba mặt tiền này có diện tích 7.878m2 đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư 16 năm trước.

Dự án được kỳ vọng xây dựng và kinh doanh khu căn hộ cao tầng tiêu chuẩn cao cấp, khu trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao... Sau khi khởi công năm 2008, dự án bị "đắp chiếu". Không chỉ lãng phí đất đai mà dự án bỏ hoang nhiều năm tạo nên khung cảnh nhếch nhác, ô nhiễm.

Gần đó là dự án Golden Square của Công ty CP địa ốc Đông Á cũng án ngữ ở vị trí bốn mặt tiền. Các công trình ở đây sau thời gian phơi nắng mưa đã rêu mốc, xung quanh tường rào thành nơi đổ rác, viết vẽ bậy. Dự án này đã chấm dứt sau 14 năm được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Đối diện với hai dự án trên là Viễn Đông Meridian của Công ty CP địa ốc Viễn Đông Việt Nam được chính quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2007 cũng chỉ toàn là cây cỏ dại. Đến 2019, TP có thông báo chấm dứt hoạt động dự án Viễn Đông Meridian. 

Khu đất đã được thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất qua nhà đầu tư mới. Sau đó, khu "đất vàng" này vẫn tiếp tục bỏ hoang.

Đất vàng ngàn tỉ bỏ hoang mấy mươi năm - Ảnh 2.

Dự án Golden Square hoang phế theo thời gian - Ảnh: Đ.C

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Chí Cường - phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho biết hiện có tới 1.200 - 1.300 dự án với nguồn lực rất lớn đang gặp các vướng mắc cần khơi thông.

Theo ông Cường, vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành kết luận 77 về phương án tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh thành trong đó có Đà Nẵng.

Những nội dung công việc nào thuộc Chính phủ và các bộ, ngành thì Chính phủ và các bộ, ngành triển khai. Những nội dung cần báo cáo lên cấp cao hơn như Quốc hội thì Quốc hội sẽ có chính sách.

Đối với những công việc thuộc thẩm quyền của TP thì đang triển khai. Ông Cường cũng cho biết sắp tới TP Đà Nẵng có thẩm quyền sẽ trình Quốc hội nghị quyết cơ chế chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số địa phương, trong đó có Đà Nẵng.

Người dân, doanh nghiệp nộp "tiền oan"

Tại Đà Nẵng, có rất nhiều khu đất, dự án của người dân và doanh nghiệp không thể triển khai xây dựng. Nếu muốn triển khai xây dựng, chuyển nhượng đất hay làm thủ tục thế chấp lô đất vay vốn ngân hàng thì buộc phải nộp một khoản tiền mà nhiều người gọi là "tiền... oan".

Ông Nguyễn Văn L., một người dân vừa phải nộp gần 1 tỉ đồng "tiền oan", chua xót nói: "Bao năm nay, lãnh đạo TP hứa tháo gỡ khó khăn cho các khu đất, dự án nhưng thực tế chỉ dừng lại ở… lời hứa.

Thực tế, chúng tôi quá bế tắc. Mười năm trước tôi có mua một lô đất của người khác (thuộc diện người mua thứ cấp chứ không phải mua trực tiếp qua đấu giá của Nhà nước). Vừa rồi, tôi kẹt tiền rao bán lô đất và nhận cọc của người mua. Tuy nhiên khi tiến hành làm thủ tục sang tên, Văn phòng đăng ký đất đai quận Sơn Trà dừng làm thủ tục.

Họ yêu cầu tôi phải làm đơn tự nguyện nộp thay chủ mua đất đầu tiên khoản tiền gần 1 tỉ (đây gọi là tiền thất thoát do Nhà nước đã giảm khi tổ chức đấu giá với chủ đất đầu tiên). Nghe vậy, tôi choáng váng không chấp nhận nộp. Nhưng không nộp thì Văn phòng đăng ký đất đai họ không làm thủ tục sang tên, buộc tôi phải nộp oan gần 1 tỉ".

Bao năm nay người dân và doanh nghiệp là chủ các lô đất phải cắn răng chịu đựng việc này.

Xin tạm dừng rà soát

Tại báo cáo UBND TP Đà Nẵng cũng đã nêu ra các khó khăn vướng mắc trong thực hiện kết luận 2852 năm 2012 của Thanh tra Chính phủ đối với hàng trăm dự án lớn khác. Theo đó, trong thời gian qua TP Đà Nẵng đã huy động nhiều nguồn lực và áp dụng nhiều biện pháp để thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Đến thời điểm hiện nay, TP Đà Nẵng đã thực hiện truy thu được cả ngàn tỉ đồng tiền thất thu theo kết luận của thanh tra.

Ngoài 46 dự án theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, hiện nay Đà Nẵng còn khoảng 1.061 dự án tương tự. Đây là điều rất khó thực hiện và ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Vì vậy, đề xuất xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho phép TP Đà Nẵng dừng việc rà soát, xử lý đối với các trường hợp tương tự nêu tại điểm 3.3 phần II kết luận của Thanh tra Chính phủ đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm tạo điều kiện giải phóng nguồn lực từ hàng trăm dự án và các khu đất trên địa bàn TP.

Đất vàng ngàn tỉ bỏ hoang mấy mươi năm - Ảnh 3.TP.HCM đã hoàn thành thu hồi 2 khu 'đất vàng' theo bản án

TP.HCM đã tổ chức thu hồi, quản lý theo quy định đối với hai khu 'đất vàng' tại số 8-12 Lê Duẩn và số 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp