26/05/2015 09:54 GMT+7

Đặt trạm ở đường này để thu phí cho đường khác

TUẤN PHÙNG - L.GIANG
TUẤN PHÙNG - L.GIANG

TT - Cơ quan chức năng chưa có hướng giải quyết tình trạng đặt trạm ở đường này để thu phí hoàn vốn cho đường khác.

Trạm thu phí Quán Hàu thu phí cho đoạn quốc lộ 1 tránh TP Đồng Hới - Ảnh: Lam Giang
Trạm thu phí Quán Hàu thu phí cho đoạn quốc lộ 1 tránh TP Đồng Hới - Ảnh: Lam Giang

Trên các tuyến quốc lộ vẫn tồn tại các trạm thu phí đặt ở đường này nhưng thu phí hoàn vốn cho đường khác khiến những xe không đi qua đường BOT vẫn phải đóng phí.

Cho tới thời điểm này, các bộ ngành liên quan vẫn chưa có hướng giải quyết tình trạng trạm thu phí đặt sai chỗ gây bức xúc cho người dân.

Đặt ở đường này thu cho đường khác

Tại Hà Nội, trạm thu phí ở đường Bắc Thăng Long - Nội Bài (tuyến đường thuộc địa phận Hà Nội nối cầu Thăng Long với sân bay Nội Bài) được dùng để thu phí hoàn vốn cho dự án xây dựng quốc lộ 2 theo hình thức BOT, đoạn tránh TP Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc).

Dù cuối tháng 12-2010 dự án đường tránh Vĩnh Yên mới hoàn thành nhưng nhà đầu tư là Công ty cổ phần BOT Vietracimex 8 (thuộc Tổng công ty CP Thương mại xây dựng - Vietracimex) đã được thu phí trên đường Bắc Thăng Long - Nội Bài từ ngày 1-9-2009.

Thời gian qua, UBND TP Hà Nội nhiều lần kiến nghị dời trạm này đi nơi khác nhưng đến nay trạm thu phí này vẫn án binh bất động ở tuyến đường cửa ngõ thủ đô.

Tương tự, để hoàn vốn đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (ngày 27-5 mới thông xe khai thác một đoạn ở Hải Phòng), nhưng Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) được chuyển giao nguyên trạng hai trạm thu phí trên quốc lộ 5 (nối Hà Nội - Hải Phòng) từ ngày 16-1-2009.

Việc chuyển giao này thực hiện theo chủ trương Nhà nước hỗ trợ nguồn kinh phí cho dự án đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Nhiều năm trước, dư luận bức xúc với trạm thu phí Tào Xuyên đặt ở km 318 quốc lộ 1 (huyện Hoằng Hóa, cách đường tránh Thanh Hóa khoảng 2km) ngay cửa ngõ TP Thanh Hóa để thu phí hoàn vốn cho dự án xây đường tránh TP Thanh Hóa trong thời hạn thu 30 năm 8 tháng kể từ ngày 1-1-2009.

Do nhiều người dân phản ảnh không đi đường tránh vẫn phải đóng tiền cho trạm thu phí Tào Xuyên, trong chuyến đi tiếp xúc cử tri tại Thanh Hóa, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng thống nhất với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tạm dừng thu phí từ ngày 1-10-2012 để chuyển trạm Tào Xuyên đến vị trí mới, nhưng đến chiều 1-10-2012, khi bộ trưởng Bộ GTVT ra công điện buộc dừng thu phí, trạm Tào Xuyên mới chấm dứt hoạt động.

Sau đó, UBND tỉnh Thanh Hóa và Bộ GTVT thống nhất di dời trạm thu phí Tào Xuyên về km 286+397 quốc lộ 1 (thuộc địa phận thị xã Bỉm Sơn, cách vị trí hiện tại khoảng 32km về phía bắc) và thực hiện thu phí trở lại từ ngày 12-11-2012.

Tuy nhiên, giới vận tải vẫn cho rằng việc di chuyển trạm Tào Xuyên là kéo giãn khoảng cách, thực chất trạm này vẫn đặt trên quốc lộ 1 để thu cho đường tránh TP Thanh Hóa là sai chỗ.

Tương tự, trạm thu phí Quán Hàu trên quốc lộ 1 (thuộc địa bàn xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) vốn đặt ra để thu phí cầu Quán Hàu. Từ tháng 9-2010, Bộ GTVT quyết định dừng thu phí cầu Quán Hàu nhưng vẫn giữ lại trạm để thu phí cho tuyến quốc lộ 1 tránh TP Đồng Hới.

Gần năm năm qua, trạm thu phí này vẫn duy trì một tình trạng rất vô lý: xe không đi trên tuyến đường tránh Đồng Hới vẫn phải trả phí, trong khi xe đi trên tuyến này lại khỏi thu phí.

Ông Trần Viết Toàn, lái xe tải chở vật liệu xây dựng ở Đồng Hới, cho biết: “Ngày nào tôi cũng chở hàng vật liệu vào các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy phải qua trạm Quán Hàu dù không hề đi trên đường tránh. Tôi đã phải trả không biết bao nhiêu là phí. Vô lý quá mà không ai dẹp bỏ”.

Ông Bùi Ngọc Đảm - phó giám đốc Công ty TNHH BOT Đường tránh TP Đồng Hới - cho rằng không thu sai đối với các xe đi từ Đồng Hới vào phía Nam.

Ông Đảm nói các xe này có đi trên một đoạn gần 1km mà họ không biết. Ý ông Đảm muốn nói đến các xe này có đi trên một đoạn khoảng 100m từ trạm phí Quán Hàu đến đường rẽ vào TP Đồng Hới. Ông Đảm còn nói số xe không đi đường tránh mà bị thu phí ở trạm “cũng không nhiều lắm”.

Trong khi đó ông Lê Quốc Cường, phó giám đốc Sở GTVT Quảng Bình, cho hay bất cập này sở đã biết, có báo cáo với Bộ GTVT và đang chờ ý kiến chỉ đạo.

Trạm thu phí: bỏ ít lập nhiều

Sau khi có phản ánh của báo chí về những bất hợp lý của các trạm thu phí đường bộ, Bộ Tài chính vừa có báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề này.

Theo Bộ Tài chính, việc chuyển các trạm BOT về đúng vị trí gặp nhiều khó khăn vì lưu lượng phương tiện qua trạm giảm, dẫn đến không đảm bảo khả năng hoàn vốn, đó là chưa kể không có mặt bằng đặt trạm hoặc không đảm bảo khoảng cách so với các trạm của dự án liền kề...

“Thực tế trường hợp trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài, UBND TP Hà Nội và Bộ GTVT thống nhất chủ trương xóa trạm này nhưng do ngân sách hạn hẹp chưa thể bồi thường hợp đồng cho nhà đầu tư nên hiện nay vẫn sử dụng để hoàn vốn cho dự án xây dựng đường tránh TP Vĩnh Yên” - Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai dẫn chứng trong báo cáo gửi Thủ tướng.

Báo cáo Thủ tướng, Bộ Tài chính cho rằng huy động nguồn lực xã hội đầu tư hạ tầng trong điều kiện ngân sách có hạn là cần thiết. Tuy nhiên, việc có nhiều dự án BOT quy mô đầu tư quá nhỏ (độ dài tuyến đường ngắn) mà mỗi dự án lập một trạm thu phí thì không đủ khoảng cách theo quy định.

Đặc biệt khi lập dự án BOT thường là chưa xác định vị trí cụ thể của trạm thu phí, sau đó mới xây trạm, dễ dẫn đến sự không đồng thuận của người dân do vị trí không phù hợp.

Để đảm bảo công khai, minh bạch, nhận được sự đồng thuận của người dân, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng giao Bộ GTVT rà soát tổng thể các dự án BOT đã hoàn thành và đang, dự kiến triển khai để đánh giá những bất cập, vướng mắc và hướng giải quyết; khẩn trương hoàn thành quy hoạch tổng thể hệ thống đường có gắn với trạm thu phí để trên các tuyến quốc lộ trình và công bố công khai quy hoạch để người dân biết.

Bộ Tài chính còn cho biết khi thực hiện thu quỹ đường bộ theo đầu xe thì có 20 trạm thu phí cho ngân sách nhà nước bị bãi bỏ.

Nhưng số trạm thu phí BOT phát sinh nhiều hơn số trạm đã dừng thu. Để đảm bảo thống nhất chủ trương xã hội hóa trong việc phát triển hạ tầng giao thông, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT nghiên cứu đánh giá tình hình thực hiện thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện với việc thu phí qua trạm BOT (hiện đang ngày càng tăng nhanh) để nghiên cứu hoàn thiện đồng bộ chính sách thu phí sử dụng đường bộ.

Giải trình về một số trạm thu phí

Báo cáo của Bộ Tài chính còn cho biết khi dự án Hòa Cầm - Hòa Phước đưa vào sử dụng (năm 2009), Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng cho phép nhà đầu tư được sử dụng thêm trạm Nam Hải Vân để hỗ trợ nhà đầu tư hoàn vốn cho dự án.

Đến năm 2014, nhà đầu tư tiếp tục thực hiện dự án mở rộng quốc lộ 1 nối tiếp đoạn Hòa Cầm - Hòa Phước với tổng mức đầu tư 1.258 tỉ đồng. Theo hợp đồng, nhà đầu tư sẽ chuyển trạm thu phí Hòa Phước về 

km 943+975 khi dự án hoàn thành, bỏ trạm thu phí Nam Hải Vân. Hiện nay dự án sắp hoàn thành, thời gian tới nhà đầu tư sẽ chỉ sử dụng một trạm thu phí tại km 943+975 (nằm trong phạm vi dự án) để hoàn vốn cho dự án Hòa Cầm - Hòa Phước và mở rộng 40km quốc lộ 1 qua Quảng Nam.

Với trạm thu phí Tam Kỳ (cách trạm Hòa Phước 56km), theo Bộ Tài chính, trạm thu phí này trước đây được thu phí cho dự án tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Tam Kỳ và tuyến nối quốc lộ 1 đến cảng Kỳ Hà. Hai dự án được triển khai từ năm 2001, do tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư và ký kết hợp đồng BOT với Cienco 5.

Đến thời điểm này đã thu phí hoàn vốn cho hai dự án và đang quyết toán công trình để dừng thu phí. Tuy nhiên năm 2013, Bộ GTVT thực hiện dự án mở rộng 40km quốc lộ 1 theo hình thức BOT đoạn km 987 đến km 1027 qua Quảng Nam, trạm thu phí Tam Kỳ nằm trong phạm vi dự án, nên thời gian tới trạm này sẽ được dùng thu phí cho dự án BOT mở rộng quốc lộ 1.

 

TUẤN PHÙNG - L.GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp