Những ngày qua, câu chuyện liên quan việc đặt lại tên xã, phường sau khi tiến hành sắp xếp (sáp nhập) nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Đáng chú ý, nhiều tên xã mới ở một số địa phương đã không nhận được sự đồng thuận của người dân.
Bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất của người dân
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết nội dung liên quan đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính hình thành sau sáp nhập đã được quy định cụ thể tại nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính huyện, xã giai đoạn 2023 - 2030.
Cụ thể, việc đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp thực hiện theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và tôn trọng ý kiến của đa số cử tri.
Trường hợp nhập các đơn vị hành chính cùng cấp thì khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp.
Trong văn bản mới nhất của Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 do Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó trưởng Ban thường trực Phạm Thị Thanh Trà ký gửi một số bộ, các địa phương đã nêu rõ một số yêu cầu cụ thể về vấn đề này.
Theo đó, việc đặt tên đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, liên quan đến các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng gắn với giá trị tinh thần, niềm tự hào, tự tôn cộng đồng dân tộc, cộng đồng dân cư nơi sắp xếp.
Trường hợp nhập các đơn vị hành chính cùng cấp thì khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp theo quy định tại nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Yêu cầu các địa phương cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, thận trọng, hợp tình, hợp lý và có giải pháp thực hiện nhằm bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất của người dân.
Góp phần giữ gìn, phát huy được giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và tinh thần đoàn kết của nhân dân đối với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp.
Cần coi trọng ý kiến người dân
Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ, cũng đánh giá vấn đề tên gọi mới của xã, phường sau sáp nhập rất quan trọng và gắn liền với các yếu tố văn hóa, truyền thống, thói quen của người dân...
Ông cho hay thực tế, trước đây khi tiến hành sáp nhập các địa phương thường có việc lấy tên của đơn vị này ghép với đơn vị kia, với mong muốn cả hai đơn vị đều vẫn giữ được một phần tên trong tên mới.
Trong một số trường hợp, tên mới nhận được sự ủng hộ của người dân, nhưng cũng có không ít trường hợp không tạo được sự đồng thuận. Hay có trường hợp người địa phương này thích tên này nhưng địa phương kia lại không thích.
Do đó, ông Dĩnh nói việc quan trọng nhất trước khi đặt tên mới cần tham vấn ý kiến của cộng đồng dân cư, coi trọng ý kiến của người dân.
Ông chỉ rõ việc đặt tên mới nếu chỉ ghép tên đơn vị hành chính mới một cách cơ học, đơn giản sẽ không phản ánh được truyền thống lịch sử, văn hóa, thậm chí tạo ra những cái tên không phù hợp, vô hồn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận