Đặt tên phường xã sau sáp nhập, có thể kết hợp cả tên chữ và tên số?

Đặt tên phường xã sau sáp nhập theo hướng nào: tên chữ để gợi nhớ lịch sử, văn hóa địa phương hay tên số để đảm bảo tính thống nhất và thuận tiện trong quản lý?

Đặt tên phường xã sau sáp nhập, có thể kết hợp cả tên chữ và tên số? - Ảnh 1.

Quận Bình Thạnh đề xuất phường Thạnh Mỹ Tây nhập nguyên trạng ba phường 17, 19 và 22 hiện nay, với diện tích tự nhiên 3,2km² - Ảnh: CHÂU TUẤN

Sau khi sáp nhập, các xã, phường mới nên được đặt tên theo hướng nào: tên chữ để gợi nhớ lịch sử, văn hóa địa phương hay tên số để đảm bảo tính thống nhất và thuận tiện trong quản lý? 

TS PHẠM ĐI (Học viện Chính trị khu vực III) góp thêm góc nhìn về vấn đề này.

Nhiều phường cùng có bề dày lịch sử thì chọn tên thế nào?

Đặt tên phường, xã sau sáp nhập không chỉ là bài toán hành chính mà còn liên quan đến bản sắc đô thị và sự gắn kết của người dân với cộng đồng.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc đặt tên đơn vị hành chính phải đảm bảo các nguyên tắc như không trùng lặp, phản ánh được đặc điểm lịch sử, văn hóa, địa lý của địa phương và đảm bảo sự đồng thuận của người dân. 

Tại TP.HCM, có hai phương án chính trong việc đặt tên phường mới sau sáp nhập.

Thứ nhất là đặt tên theo yếu tố lịch sử, văn hóa. Lợi ích của phương án này là giúp giữ gìn bản sắc văn hóa và lịch sử của từng khu vực, đồng thời tạo sự gắn kết cộng đồng. 

TP.HCM có nhiều địa danh gắn liền với lịch sử như Thủ Thiêm, Chợ Lớn, Bến Nghé, Gia Định... Nếu giữ lại những tên này, phường mới sẽ có bản sắc riêng, giúp thế hệ sau hiểu rõ hơn về quá khứ của vùng đất này. 

Hơn nữa, những tên gọi mang đậm dấu ấn lịch sử có thể giúp quảng bá hình ảnh địa phương, thu hút du khách quan tâm đến văn hóa và lịch sử đô thị. 

Tuy nhiên nếu chọn phương án này, có vấn đề đặt ra là khó thống nhất tên gọi khi sáp nhập nhiều phường, đặc biệt nếu các phường trước đây đều có bề dày lịch sử. 

Ngoài ra một số tên có thể gây nhầm lẫn với các địa danh khác hoặc khó sử dụng trong hệ thống quản lý đô thị hiện đại. 

Phương án thứ hai là đặt tên theo số thứ tự. 

Lợi thế lớn nhất của phương án này là dễ quản lý, đồng nhất trong hệ thống hành chính, thuận tiện trong lưu trữ hồ sơ, truy xuất dữ liệu và tổ chức hành chính đô thị. 

Điều này cũng phù hợp với chủ trương số hóa và tiến đến thực hiện các bước chuyển đổi số để hình thành xã hội số, công dân số, quản lý số, kinh tế số…

Việc sử dụng số thứ tự cũng giúp tránh tranh chấp về tên gọi khi sáp nhập, đồng thời phù hợp với các quận trung tâm đã quen với cách đánh số từ lâu như quận 1, quận 3, quận 5... 

Tuy nhiên đặt tên phường, xã theo số không phản ánh được đặc điểm lịch sử hay văn hóa của khu vực. Điều này có thể khiến người dân cảm thấy phường mình sống không có bản sắc riêng và khó phân biệt khi giao tiếp. 

Trên thế giới, một số quốc gia và thành phố cũng sử dụng số thứ tự để đặt tên cho các khu vực hành chính. 

Ở Mỹ, New York City có các phường được đánh số như 1st District, 2nd District. Trong khi Washington D.C. cũng chia các phường theo số từ 1 - 8. 

Canada có Toronto với các quận đánh số như Ward 1, Ward 2. Tại Pháp, Paris chia thành 20 quận hành chính được đánh số từ 1 - 20. 

Tại Nhật Bản có các khu vực ở Tokyo được đặt tên theo số như Chiyoda-ku có Kanda 1-chome, Kanda 2-chome… 

Kết hợp cả hai cách đặt tên?

Tuy nhiên cũng cần kết hợp với yếu tố bản sắc địa phương để duy trì tính nhận diện và gắn kết cộng đồng.

Điều quan trọng nữa là việc lựa chọn phương án nào còn phụ thuộc vào yếu tố thực tiễn và mong muốn của cộng đồng, người dân và ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học. 

Đối với những khu vực có giá trị lịch sử, văn hóa đặc trưng, nên ưu tiên đặt tên theo địa danh truyền thống để giữ gìn bản sắc. 

Đối với những quận trung tâm đã quen với hệ thống số, có thể tiếp tục duy trì số thứ tự để đảm bảo tính thống nhất. 

Một số nơi có thể chọn giải pháp "dung hòa" như ghép tên phường cũ với yếu tố số hoặc địa danh mới, ví dụ: "phường Bến Nghé - 1" thay vì chỉ "phường 1".

Việc đặt tên phường mới sau khi sáp nhập tại TP.HCM không chỉ là vấn đề kỹ thuật hành chính mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về bản sắc đô thị và sự gắn bó, cố kết cộng đồng. 

Điều quan trọng nhất là đảm bảo sự đồng thuận của người dân và thuận tiện cho quản lý đô thị lâu dài, phù hợp với xu thế phát triển và tiến trình chuyển đổi số.

Các phường có giá trị lịch sử, văn hóa quan trọng nên giữ lại tên truyền thống để bảo tồn bản sắc. Trong khi những khu vực hành chính thuần túy có thể tiếp tục đánh số để đảm bảo tính hệ thống. 

Việc lấy ý kiến cộng đồng trước khi quyết định cũng là một bước quan trọng để đảm bảo sự đồng thuận và tránh những tranh cãi không cần thiết. 

Tên quê chắc chắn không bao giờ mất

Tôi còn nhớ tạp bút có tên Người ở xa nhà của học giả Huỳnh Như Phương, bàn về ý nghĩa của ngôi nhà ở cố hương trong tâm tưởng mỗi người.

Trong đó có đoạn mà tôi rất thích: "Ngôi nhà mới dù ở phố thị vẫn mơ màng hướng về quê cũ, qua bàn thờ gia tiên, qua bức tranh dòng sông con đò treo trên vách, qua cây cau khóm trúc trồng phía trước sân.

Những ngôi nhà ta đã ở thành địa chỉ khai trong lý lịch của ta.

Đời ta đi qua những ngôi nhà đó, một phần đời ta để lại trong những ngôi nhà đó.

Nét chữ ta vẽ hằn trên bức tường, dấu khắc chiều cao của ta trên cây cột gỗ, con búp bê ta chơi khi bé còn bỏ lại một xó nhà..., tất cả là những mảnh đời dĩ vãng của ta".

Sau đợt sáp nhập, tên gọi quê mình có thể sẽ không còn được ghi trên bản đồ hành chính nữa. Nhưng tên quê thì chắc chắn không bao giờ mất.

Cũng giống như ngôi nhà ở cố hương dù ta không còn ở nữa thì ngôi nhà ấy vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí của ta.

Tên quê không mất mà sẽ mãi còn.

Còn trong ca dao, tục ngữ; trong nhạc, trong thơ; trong lời ru của mẹ, trong câu chuyện của bà, trong lời dạy của cha, trong lời ông khấn vái trước bàn thờ tiên tổ, trong bao nhiêu kỷ vật thân thương truyền từ đời này sang đời khác.

Và đặc biệt là trong tâm hồn, trong ký ức, trong niềm thương nỗi nhớ của mỗi chúng ta - những con người yêu quê tha thiết.

HỒ TẤN NGUYÊN MINH

Đặt tên phường xã sau sáp nhập: Lịch sử, văn hóa hay tiện lợi cho công tác quản lý? - Ảnh 2.Đặt tên phường xã mới sao cho gần gũi và dễ nhớ

Nhiều quận huyện ở TP.HCM đã đề xuất tên gọi phường xã. Có những cái tên chỉ nghe qua biết địa chỉ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp