
Thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, UBND quận Tân Bình, TP.HCM đề xuất 2 phương án sắp xếp 15 phường "số" còn 4 phường "chữ" Tân Bình, Bàu Cát, Bảy Hiền, Tân Sơn Nhất hoặc 3 phường.
Tôi nghĩ nên đặt cho cấp cơ sở không chỉ nên dựa theo lịch sử mà cần những cái tên thân quen với vùng đất.
Vì không phải cơ quan hành chính mà là người dân và bạn bè, người thân của họ mới là người sử dụng nhiều những cái tên này.
Tên phường xã quen thuộc hay ý nghĩa?
Hiện các quận của TP.HCM đã đề xuất tên gọi cấp cơ sở cho địa bàn của mình.
Có những cái tên chỉ cần nghe tiếng là biết địa chỉ như Bình Quới, Gia Định, Bàu Cát, Tân Sơn Nhất, Bảy Hiền, nhưng cũng có những cái tên mà người nghe phải tìm lại sách khảo cứu mới biết.
Sáng nay, một người bạn nói về cái tên Đức Nhuận do UBND quận Phú Nhuận đề xuất đặt cho một trong hai đơn vị cơ sở mới của quận này.
Tên và cách giải thích rất ý nghĩa. Câu "phú nhuận ốc, đức nhuận thân" (có nghĩa là giàu có làm đẹp nhà, đức làm đẹp thân). Bạn còn nói có một tuồng tích liên quan đến câu này nhưng phải nhờ chuyên gia lịch sử "tra" thì mới ra.
Nếu theo nghĩa của câu trên thì tên Đức Nhuận rất đẹp, nhưng lại khá xa lạ với người dân TP.HCM và cả người dân sống ở Phú Nhuận.
Bạn nói ở đây mấy chục năm rồi cũng nghe những địa danh quen thuộc như Nhiêu Lộc, Rạch Miễu, Cầu Kiệu, nghe tên là biết khu vực thuộc Phú Nhuận, gần gũi với người dân sở tại mà cũng định hướng được cho người ở xa muốn tới.
Tên người dân dùng nên phải gần gũi, quen thuộc
Trong bốn tên cơ sở mới do quận Bình Thạnh đề xuất thì có hai tên không bàn cãi gì vì nó được nhắc nhiều và quen thuộc với người dân là Gia Định và Bình Quới.
Tên Bình Hòa ở khu vực phường 11 và 13 của quận Bình Thạnh là một cái tên lâu đời, trước đây có quy hoạch khu công nghiệp và khu dân cư Bình Hòa ở phường 13 hiện tại.
Nhưng hiện giờ tôi và bạn bè định vị khu vực này là khu Bình Lợi, còn bà Phụng - chủ nhà trọ cũ của tôi, năm nay đã gần 70 tuổi, người đã sống ở khu này từ 50 năm, mới nhớ tên Bình Hòa.
Tương tự, nhiều người cũng phải tìm lại lịch sử mới biết cái tên Thạnh Mỹ Tây (ở Bình Thạnh) là khu vực Thị Nghè bây giờ, Thông Tây Hội là tên một ngôi đình ở Gò Vấp chứ không phải ở Củ Chi…
Nhưng đề xuất tên được nhiều người chú ý hơn là các phường Thủ Đức từ 1 - 9 do thành phố Thủ Đức đề xuất.
Địa bàn phường Thủ Đức 1 gồm các phường An Phú, An Khánh, Thảo Điền, Thủ Thiêm… vốn là khu vực được người dân quen miệng gọi là khu Thủ Thiêm.
Dân phường Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước kêu nhà mình ở khu Hiệp Bình…
Rồi những cái tên rất quen thuộc vừa có truyền thống, vừa có hiện tại như Linh Đông (vừa có phường Linh Đông, vừa có đình Linh Đông vừa được công nhận di tích quốc gia), Tam Phú.
Những cái tên phường hiện tại như Thạnh Mỹ Lợi là những địa danh gắn liền với dấu tích lịch sử của vùng đất Thủ Đức xưa… Và cũng có thể đặt tên một đơn vị hành chính cơ sở là phường Thủ Đức để nghi nhớ địa danh nguyên thủy của vùng đất này.
Nếu đặt tên đánh số 1, 2, 3… thì những địa danh hay ho trên sẽ dần biến mất. Rồi đây người dân Thủ Đức sẽ phải vắt óc để nhớ ra Thủ Đức 1, 2, 3 là khu vực nào. Tất nhiên thời công nghệ, các bản đồ số trực tuyến sẽ giải quyết chuyện chỉ đường nhưng từ Hiệp Bình đến Thủ Đức 2 thì còn lâu mới có thể quen dần.
Tuy là tên gọi của chính quyền cơ sở, vốn là đơn vị hành chính, nhưng sử dụng nhiều ắt hẳn là người dân và người thân, bạn bè của họ, sử dụng trong sinh hoạt thường ngày, trong giấy tờ, địa chỉ…
Tên gọi gần gũi, thân quen, dễ nhớ, có tính định hướng sẽ dễ được chấp nhận hơn những cái tên hay ho, đẹp đẽ nhưng còn xa lạ với nhiều người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận