Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2023 - 2025 ở Đà Nẵng thì quận Thanh Khê có sự biến động lớn khi có tới tám phường sáp nhập thành bốn phường. Đồng thời là quận duy nhất sáp nhập một phần diện tích của quận khác: một phần phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) dự kiến được nhập vào phường Thanh Khê Tây.
Theo phương án trước đây, dự kiến sáp nhập phường Tam Thuận với Xuân Hà lấy tên phường Hà Tam Xuân. Sáp nhập phường Thạc Gián với phường Vĩnh Trung, lấy tên phường Thạc Gián. Sáp nhập phường Tân Chính với Chính Gián, lấy tên phường Tân Chính Gián. Sáp nhập phường Thanh Khê Đông với Hòa Khê, lấy tên phường Thanh Hòa.
Các tên dự kiến mới này khá lạ, tuy nhiên cũng có sự hợp lý nhất định như tên phường Hà Tam Xuân từng là tên gọi khi hợp nhất ba đơn vị Hà Khê, Xuân Đán và Tam Tòa trước đây. Hay tên gọi tên phường Thạc Gián vì yếu tố lịch sử lâu đời, phường Vĩnh Trung từng là một phần của Thạc Gián.
Tuy nhiên triển khai, ban hành đề án sắp xếp quận này đã tiếp thu các ý kiến đóng góp phù hợp với nghị quyết số 35. Trong đó nhấn mạnh nội dung khoản 2 điều 6 "trường hợp nhập các đơn vị hành chính cùng cấp thì khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành sau khi sắp xếp".
Lãnh đạo UBND quận Thanh Khê cho biết TP lưu ý các địa phương trong quá trình làm đề án cần xét việc sử dụng các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi sắp xếp hoặc tên gọi đã được sử dụng trong lịch sử hình thành, phát triển của địa phương. Đồng thời các phường cũng tổ chức lấy ý kiến cử tri về sắp xếp đơn vị hành chính theo quy định, bảo đảm tiến độ, quy trình.
"Có nhiều phương án liên quan việc đặt tên các phường mới trong quận. Tuy nhiên khi lấy ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học lịch sử, cộng đồng người dân ở những nơi sáp nhập... thì việc sử dụng lại tên gọi của phường cũ có sự đồng thuận cao" - lãnh đạo quận này cho biết.
Ông Bùi Văn Tiếng - chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng, nguyên trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng - cho rằng khó có mẫu số chung, đáp án đúng cho việc đặt tên phường mới trên cả nước. Mà các địa phương cần căn cứ vào nhiều yếu tố lịch sử, văn hóa và sự đồng thuận của người dân để đưa ra phương án hợp lý nhất.
Dù có nhiều cách đặt tên đơn vị hành chính mới nhưng chính quyền cần đặc biệt tránh những tên phường mới mất từ tố gốc, những tên ghép "cơ học" gọi lên nghe vô hồn, vô cảm.
Xã Đôi Hậu thành xã Quỳnh An
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Dinh - phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An - cho biết sau khi tỉnh yêu cầu làm lại quy trình, Ban chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của huyện đã làm việc với Đảng ủy hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu.
Trước đó UBND huyện Quỳnh Lưu gửi tờ trình báo cáo Tỉnh ủy, UBND và Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An về tên gọi của 7 xã mới sau khi sáp nhập 14 xã, trong đó xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu sẽ có tên mới là xã Đôi Hậu.
Theo ông Dinh, với mục tiêu đặt tên mới phải đạt mục tiêu đồng thuận, đoàn kết, nhất trí cao của đại đa số cử tri theo tinh thần nghị quyết số 35 là phải "tôn trọng ý kiến của đa số cử tri" nên huyện tiếp tục cho phép các địa phương xem xét, đề xuất phương án điều chỉnh, thay thế tên xã sau sáp nhập khi không đồng thuận theo phương án ban đầu.
Việc đặt tên đơn vị mới hướng thứ tự ưu tiên: Sử dụng một trong các tên gọi cũ của các xã, thị trấn trước khi sáp nhập. Sử dụng tên gọi chung trong lịch sử của các xã, thị trấn. Sử dụng tên gọi mới có chữ "Quỳnh", đảm bảo ngắn gọn, có ý nghĩa; không thực hiện ghép tên cơ học (tối nghĩa, hoặc dễ bị suy luận mang ý nghĩa xấu) giữa các đơn vị.
Do hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu trước đây chưa từng có tên gọi chung nên chính quyền địa phương đã đề xuất ba tên gọi, gồm: Quỳnh Phú, Quỳnh Hương và Quỳnh An. Sau khi thảo luận, tên xã Quỳnh An đã được lựa chọn.
Khánh Hòa: Phải lấy ý kiến dân
Hiện nay, theo UBND tỉnh Khánh Hòa, có ba đơn vị đã hoàn thiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, phường giai đoạn 2023 - 2025. Đó là TP Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và huyện Diên Khánh.
Tỉnh yêu cầu UBND các xã, phường liên quan việc sắp xếp đơn vị hành chính theo đề án lập và niêm yết danh sách cử tri để phục vụ việc lấy về đề án sắp xếp. Các huyện, thị xã phải hoàn thành việc tổ chức lấy ý kiến cử tri, tổng hợp kết quả gửi HĐND cùng cấp và báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa chậm nhất ngày 20-5.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận