Đường Alexandre De Rhodes - đường nội bộ trong khu đô thị ĐHQG TP.HCM (quận Thủ Đức, TP.HCM) - Ảnh: HOÀNG AN
"Tôi có nhận được lời đề nghị tham gia việc phản đối đặt tên đường 2 vị giáo sĩ để gửi vào TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, tôi đã từ chối" - PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên trưởng khoa lý luận chính trị Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế) đã khẳng định như vậy với Tuổi Trẻ chiều 28-11.
Ông Dũng là 1 trong 12 người có tên trong danh sách gửi lên chính quyền TP Đà Nẵng kiến nghị việc dừng đặt tên đường 2 giáo sĩ tại Đà Nẵng.
Kiến nghị có sai sót
Ông Dũng cho biết lý do từ chối là bởi ông chuyên về triết học, chứ không có chuyên môn về lịch sử. "Có lẽ những người gửi kiến nghị đã có sai sót nên thêm tên của tôi vào. Sau khi báo đăng, tôi đã đề nghị rút tên tôi ra khỏi danh sách trên bởi như vậy ảnh hưởng đến uy tín của tôi" - ông Dũng nói.
Chiều 28-11, Tuổi Trẻ cũng đã liên hệ với PGS.TS Lê Cung - đại diện nhóm kiến nghị - để hỏi về sự cố này nhưng chưa nhận được sự hồi đáp của ông.
Trong khi đó, một nguồn tin của Tuổi Trẻ ở Hội đồng đặt, đổi tên đường TP Đà Nẵng cho biết bản kiến nghị được gửi qua đường bưu điện đến nhiều cơ quan của TP Đà Nẵng này không có chữ ký của người có tên trong danh sách.
Ông Hà Vỹ, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao Đà Nẵng, đã có công văn gửi đến PGS.TS Lê Cung, trong đó có nội dung thông báo vì còn ý kiến trái chiều, chưa có sự đồng thuận cao nên sẽ báo cáo lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng chưa đặt tên đường 2 giáo sĩ lần này.
Theo ông Huỳnh Văn Hùng - giám đốc Sở Văn hóa - thể thao Đà Nẵng, tất cả công dân đều có quyền đóng góp việc đặt, đổi tên đường, nhất là những hộ dân sống trên các tuyến đường sắp được đặt tên. Ông Hùng cho biết kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng sẽ diễn ra vào tháng 12 này, nên việc tạm dừng để tranh luận ngã ngũ là cần thiết.
Một số trí thức thỉnh nguyện đặt tên đường
Trong một diễn biến khác, một số trí thức gồm giáo sư, tiến sĩ, nhà báo, nhà văn, nhà điêu khắc, bác sĩ, luật sư... vừa ký tên vào đơn thỉnh nguyện gửi chính quyền Đà Nẵng chiều 28-11, với nội dung nên đặt tên đường người có công với chữ quốc ngữ.
Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, tác giả của rất nhiều công trình được đặt tại các địa điểm công cộng ở Đà Nẵng, nói: "Chúng tôi thỉnh nguyện đến chính quyền Đà Nẵng hãy đặt tên đường 2 giáo sĩ đã có công lớn định hình chữ quốc ngữ mà cả nước đang dùng".
Ông Hạng cho biết những người đồng ký tên cùng thống nhất rằng sẽ không tranh cãi, mà chỉ bày tỏ lòng biết ơn với tiền nhân, đồng thời cho rằng 2 vị linh mục xứng đáng được vinh danh.
Theo ông Nguyễn Hạnh - phó tổng biên tập tạp chí Xưa Và Nay (Hội Khoa học lịch sử Việt Nam), vào giai đoạn 1994-1995 tại TP.HCM cũng có nhiều ý kiến trái chiều quanh việc đặt tên đường Alexandre De Rhodes.
Sau đó, Thành ủy TP.HCM đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức hội thảo có sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học lịch sử.
"Tại hội thảo này đã đi đến sự đồng thuận chung và cuối cùng là có tên đường Alexandre De Rhodes như hiện nay. Tôi nghĩ Đà Nẵng cũng nên làm theo cách này" - ông Hạnh gợi ý.
Đường Alexandre De Rhodes tại TP.HCM có từ năm 1955
Tại TP.HCM, tên đường Alexandre De Rhodes đã hiện diện rất lâu, hiện nay đường này là một cạnh của công viên 30-4 trước Hội trường Thống Nhất ở trung tâm TP. Từ Hội trường Thống Nhất nhìn ra, đường Alexandre De Rhodes nằm phía tay trái, dài khoảng 300m, nối từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến đường Phạm Ngọc Thạch.
Đây là một trong những đường cũ từ trước năm 1975 còn đến hôm nay. Theo một số tài liệu, con đường Alexandre De Rhodes hiện nay được mang tên Paracels (Hoàng Sa) từ ngày 2-6-1871, đổi tên thành Colombert (tên gọi cũ của quần đảo Hoàng Sa) vào ngày 16-10-1871. Từ năm 1955, con đường này mang tên Alexandre De Rhodes. Ngày 4-4-1985, đường được đổi tên thành Thái Văn Lung, đến năm 1995 được phục hồi tên Alexandre De Rhodes tới hôm nay.
Ngoài ra, tại TP.HCM còn có một con đường nhỏ mang tên Alexandre De Rhodes trong khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM, Q.Thủ Đức, được đặt tên từ tháng 4-2019. Theo TS Đỗ Đại Thắng - giám đốc Trung tâm Quốc phòng và an ninh, ĐH Quốc gia TP.HCM, người chủ trì đề án đặt tên đường trong khu đô thị này, ĐH Quốc gia TP.HCM quyết định xây dựng đề án tự đặt tên đường nội bộ cho khu đô thị. Lý do là khu đô thị ĐH này nằm trên địa bàn hai địa phương (TP.HCM và tỉnh Bình Dương), đồng thời muốn tạo đặc thù riêng cho khu đô thị, vì nếu theo quy trình đặt tên đường của TP.HCM sẽ bị trùng tên rất nhiều.
"Tùy theo tuyến đường sẽ đặt tên danh nhân văn hóa - giáo dục phù hợp, ví dụ tuyến đường đi ngang qua Trường ĐH Bách khoa sẽ có tên Tạ Quang Bửu, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn có tuyến đường Alexandre De Rhodes..." - ông Thắng cho biết.
D.N.HÀ - TRẦN HUỲNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận