Yêu cầu này được Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đưa ra tại tọa đàm "Định hướng phát triển các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM đến năm 2025, tầm nhìn 2030" do Ban Quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất TP.HCM (Hepza) tổ chức ngày 29-9, nhân 25 năm thành lập cơ quan này.
Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, thời gian qua, phát triển của ngành công nghiệp thành phố đang có xu hướng chậm lại, vì thế cần có sự quyết liệt thay đổi để ngành chủ lực này phải được "cất cánh" trong thời gian tới.
Dù công nghiệp, dịch vụ tạo ra 99% GDP, nhưng tỉ lệ đất dành cho phát triển công nghiệp, dịch vụ chỉ chiếm 6,8% quỹ đất. Riêng quỹ đất các khu công nghiệp - khu chế xuất hiện nay được quy hoạch 8.900 ha, nhưng mới chỉ sử dụng khoảng 50%, tương ứng 2,3% trong tổng quỹ đất thành phố, rất ít. Đã ít mà còn không dùng hết
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân
Quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu
Theo ông Nguyễn Hoàng Năng, Trưởng Ban Quản lý Hepza, dù đã thu hút được nguồn vốn lớn đầu tư vào sản xuất công nghiệp và cơ sở hạ tầng, tạo được kim ngạch xuất khẩu lớn cho thành phố, nhưng mô hình khu chế xuất - khu công nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, cần có nhiều giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc tồn tại nhiều năm qua.
Ông Năng cho rằng thách thức lớn nhất trong hệ thống khu chế xuất - khu công nghiệp hiện nay là chất lượng công tác quy hoạch chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển.
Các dự án đầu tư phần lớn đều có quy mô vốn nhỏ, hàm lượng chất xám, mang lại giá trị gia tăng cao chiếm tỉ lệ ít.
Các khu công nghiệp chủ yếu phát triển theo mô hình đa ngành, chưa liên kết giữa các doanh nghiệp để tạo nên cụm sản xuất quy mô lớn, nâng cao giá trị phát triển.
Do đó, việc ủy quyền cho Ban quản lý thực hiện chức năng, nhiệm vụ chuyên ngành về lao động, thương mại, xây dựng môi trường đối với các hoạt động phát sinh trong khu chế xuất - khu công nghiệp chưa được thực hiện triệt để, thống nhất do pháp luật chuyên ngành thường xuyên thay đổi.
Về lâu dài, ông Năng cho rằng cần nghiên cứu mô hình khu công nghiệp gắn với đô thị, cảng biển, hoặc khu công nghiệp chuyên ngành… để gắn với nhu cầu phát triển, yêu cầu đổi mới ngày một cầu từ nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp.
Có thể chuyển khu chế xuất thành khu đô thị mới?
Theo ông Phan Chánh Dưỡng, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận, hơn 20 năm trước, khi TP.HCM quyết định thành lập khu chế xuất (chứ không phải khu công nghiệp), "quyết định này chỉ như một đối sách, trong bối cảnh doanh nghiệp Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo, đất nước mới mở cửa".
Chính vì vậy, Khu chế xuất Tân Thuận là nơi chỉ cho thuê mặt bằng, điện nước, lao động, không cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mua nguyên liệu trong nước, không được bán hàng tại thị trường nội địa, cũng chỉ vì "muốn bảo vệ nền sản xuất trong nước, sợ doanh nghiệp quốc doanh mất thị trường, người lao động mất việc".
Quang cảnh tại buổi tọa đàm "Định hướng phát triển các khu chế xuất – khu công nghiệp (KCX-KCN) TP.HCM đến năm 2025, tầm nhìn 2030" - Ảnh: TỰ TRUNG
Thừa nhận đây là nhận thức được duy trì trong năm năm đầu tiên mới thành lập khu chế xuất đầu tiên của thành phố, ông Dưỡng cho hay, sau đó tư duy này mới được "cởi trói" dần, tạo tiền đề cho mô hình khu công nghiệp xuất hiện và phát triển, với nhiều góc nhìn cởi mở, phù hợp với quy hoạch theo hướng năng động, sáng tạo của thành phố.
Ông Dưỡng cũng cho rằng, để mô hình khu chế xuất - khu công nghiệp phát huy được hết những ưu điểm, lợi thế cần có, nhất thiết quyền hạn của Ban quản lý cũng phải tương xứng với vai trò, trách nhiệm mà mô hình này được giao nhiệm vụ đảm nhận.
"Từng giữ vai trò tiên phong đột phá cho nền kinh tế đất nước trong 25 trước, nhưng sự chuyển đổi công năng phù hợp với vai trò tiên phong lại chậm, và chưa đúng tầm", ông Dưỡng thẳng thắn nhìn nhận.
Do đó, ông đề nghị đã đến lúc lãnh đạo TP.HCM cần có tầm nhìn chiến lược cho tương lai, khi một số khu chế xuất hoàn thành công năng của mình sau một thời gian dài hoạt động.
Trong đó, kế hoạch di dời các xí nghiệp hiện có đi đâu, hạ tầng còn lại sẽ được định hướng phát triển như thế nào cho quỹ đất thành phố, chính là tầm nhìn cần được suy nghĩ thấu đáo hướng đến năm 2050 sắp tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận