19/10/2016 15:33 GMT+7

Đất đã trôi sông vẫn được cấp giấy đỏ

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TTO - Bỏ ra 360 triệu đồng mua lô đất sát bờ sông Cẩm Lệ, ông Trần Duy Vũ mới tá hỏa vì chỉ giữ được cái giấy đỏ trong khi mảnh đất đã bị chìm xuống sông từ trước khi nó được cấp giấy này.

Khu vực mà ông Trần Duy Vũ đã mua lô đất có sổ đỏ nhưng bị chìm dưới sông - Ảnh: Đoàn Cường

Trường hợp hi hữu trên là của ông Trần Duy Vũ (38 tuổi, trú Chính Gián, Thanh Khê, Đà Nẵng), sau khi mua lô đất tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng.  

Mua nhầm phải lô đất… dưới sông

Theo ông Vũ, suốt từ 3 năm qua ông đã đi khiếu nại nhiều lần nhưng vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp sổ đỏ cho lô đất dưới sông khiến ông mua nhầm trên. 

Ông kể năm 2011, gia đình ông dành dụm được một số tiền và tìm mua lô đất có diện tích 184,4m2 tại tổ 8 (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) với giá 360 triệu đồng.

“Trước khi nhận chuyển nhượng, tôi đã xem và thấy có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có con dấu, chữ ký của UBND quận Cẩm Lệ nên mới tin tưởng mua” - ông Vũ cho hay.

Cụ thể, lô đất này được UBND quận Cẩm Lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AQ 192977 ngày 17-9-2009, số vào sổ H07042.

Tuy nhiên, khi thành phố Đà Nẵng triển khai dự án quy hoạch Khu liên hợp thể thao Hòa Xuân (trong đó có lô đất 184,4m2 của ông Vũ), các cơ quan chức năng tiến hành đo đạc, kiểm định thì xác định thửa đất của ông Vũ đã bị chìm xuống sông Cẩm Lệ.

“Lúc này tôi mới té ngửa người, đến hỏi những người dân quanh khu vực thì được họ cho biết phần đất này đã chìm dưới sông từ năm 1996. Nhưng oái oăm là năm 2009 lô đất này vẫn được quận cấp sổ đỏ” - ông Vũ cho hay.

Theo ông Vũ, UBND quận Cẩm Lệ đã sai phạm khi vẽ sơ đồ vị trí lô đất không đúng với thực tế. Mảnh đất đã “rớt sông” nhưng trên giấy tờ lại được vẽ với vị trí nằm sát đường đi, từ đó gây nhầm lẫn cho người mua.

“Lô đất đã bị chìm xuống sông Cẩm Lệ nhưng vẫn được quận cấp sổ đỏ, từ đó được mua bán qua tay nhiều người, gây thiệt hại cho người mua. Số tiền gia đình tôi tích cóp bao nhiêu năm bỏ ra để mua đất làm nhà nay đã không còn mà tôi vẫn chưa được đền bù” - ông Vũ bức xúc nói.

Sau khi phát hiện sự thật về lô đất chìm dưới sông, ông Vũ đã làm đơn gửi Phòng Tài nguyên và môi trường (TN-MT) quận Cẩm Lệ.

Tại buổi làm việc giữa ông Vũ và đại diện Phòng TN-MT này, phía Phòng TN-MT đưa ra phương án là những cá nhân làm sai (trong đó có những cán bộ phường Hòa Xuân và quận Cẩm Lệ) sẽ bỏ tiền để khắc phục, hỗ trợ thiệt hại cho ông Vũ là 85 triệu đồng.

Tuy nhiên, do số tiền khắc phục quá thấp so với khoản 360 triệu đồng đã bỏ ra để mua đất nên ông Vũ không đồng ý, tiếp tục gửi đơn khiếu nại.

Cán bộ có sai sót trong cấp giấy đỏ

Theo tìm hiểu được biết năm 2009, quận Cẩm Lệ giải quyết hồ sơ tách thửa đất có diện tích 1.232m2 của bà Huỳnh Thị R. (trú Cẩm Lệ, Đà Nẵng) ra làm 4 thửa (trong đó có thửa diện tích 184,4mmà sau đó ông Vũ mua).

Tuy nhiên, thực tế vào thời điểm này một phần diện tích đất của bà R. đã bị chìm xuống sông.

Theo nhiều người dân địa phương sống bên sông Cẩm Lệ (phường Hòa Xuân, Cẩm Lệ, Đà Nẵng), lô đất có diện tích 184,4m2 nguồn gốc của bà R. đã bị trôi sông từ trước năm 2000.

Điều lạ là lô đất này sau đó vẫn được mua bán qua nhiều người và ông Trần Duy Vũ là người mua lại của ông Huỳnh Ngọc H., bà Đặng Thị C. (trú Hải Châu, Đà Nẵng) bằng hình thức hợp đồng ủy quyền.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đinh Thanh - nguyên trưởng Phòng TN-MT quận Cẩm Lệ (hiện là phó chủ tịch HĐND quận Cẩm Lệ) - xác nhận đúng là có việc đất đã trôi sông nhưng vẫn được quận cấp sổ đỏ.

Ông Thanh cho biết: do công tác cán bộ non kém, nhận diện thực tế trên bản đồ bị nhầm lẫn, không kỹ, có sự sai sót về mặt chuyên môn nên mới dẫn tới sự việc như vậy.

"Hậu quả những người liên quan làm sai đương nhiên về mặt quản lý nhà nước sẽ bị xử lý. Tôi cũng nhìn nhận bản thân tôi cũng sai trong việc này”, ông Thanh nói.

Lý giải việc vì sao lại hỗ trợ 85 triệu đồng cho ông Vũ, ông Thanh cho rằng đây là số tiền hỗ trợ khắc phục thiệt hại để mọi việc cho xong, “trong đó có yếu tố tình cảm, không phải quan hệ pháp luật”. Đây là số tiền do những người làm sai góp lại, không lấy tiền ngân sách để hỗ trợ.

Ông Thanh cho rằng lô đất này do ông Huỳnh Ngọc H. và bà Đặng Thị C. ủy quyền cho ông Trần Duy Vũ, nhưng do đất không có thực tế - tức không có tài sản ủy quyền - nên không có hiệu lực.

Vì vậy, việc bồi thường cho ông Vũ là mối quan hệ dân sự giữa ông với ông H. và bà C..

“Nếu có thì ông Vũ phải ra tòa kiện người ủy quyền cho mình chứ không liên quan quận. Dù thực tế thừa nhận đúng là quận có sai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vậy là không đúng” - ông Thanh cho biết.

Ông Thanh cũng khẳng định: “Bây giờ quận cũng không tiếp nhận đơn của ông Vũ nữa”.

* Luật sư Lê Cao - Đoàn luật sư TP Đà Nẵng:

Có thể kiện cơ quan cấp sổ đỏ trái pháp luật

Việc chuyển nhượng đất của ông Vũ trong trường hợp trên bị xem là vô hiệu theo điều 411 Bộ luật dân sự 2005 bởi ngay từ khi ký kết, hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được vì lý do khách quan (đất đã trôi sông).

Về giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu thì các bên phải trả lại cho nhau những gì đã nhận, bên có lỗi phải bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên, cũng cần xem lại trường hợp nếu có căn cứ cho thấy có hành vi cố ý lừa dối khi bán đất đã trôi sông thì có thể xem xét hành vi lừa đảo.

Đối với vụ việc này, rõ ràng việc cấp giấy chứng nhận cho diện tích đất không tồn tại trên thực tế thể hiện sự tắc trách của các cấp quản lý. Ông Vũ có thể có các kiến nghị để xem xét vi phạm pháp luật liên quan đến việc quản lý đất đai.

Chính quyền các cấp cũng cần xác định lại trách nhiệm để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Xét ở khía cạnh quyết định hành chính sai phạm của cấp có thẩm quyền khi cấp đất, các bên liên quan có thể xem xét khởi kiện hành chính cơ quan nhà nước đã cấp đất trái pháp luật này.

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp