Những quán bia, làng nướng... mọc lên như nấm - Ảnh: Quang Định |
Thứ nhất là về sức khỏe. Các chuyên gia y tế nên đưa ra khuyến cáo lượng cồn đưa vào cơ thể một ngày, tháng, năm là bao nhiêu thì ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào... Vì con người ta bây giờ điều quan tâm đầu tiên là sức khỏe. Giới uống bia đang trẻ hóa, nhưng nhìn chung tiêu thụ nhiều nhất vẫn là trung niên. Ở độ tuổi này hầu như các bệnh thời đại đều dính líu đến bia rượu, thuốc lá, nên khi đưa ra thông tin cảnh báo này là hiệu quả nhất để mọi người tự điều chỉnh.
Hai là góc độ văn hóa. Số lượng uống bia nhiều hay ít không quan trọng bằng việc uống như thế nào. Các nhà nghiên cứu xã hội học nên điều tra xem bao nhiêu phần trăm các vụ gây gổ là do uống bia, do uống bia mà mâu thuẫn gia đình tăng lên, thậm chí dẫn đến tan vỡ là bao nhiêu, do uống bia mà bỏ bê con cái để con lang thang hư hỏng là bao nhiêu phần trăm... bởi đó là vấn đề thực tế xã hội đang đặt ra rất nóng bỏng. Khi đưa ra những cảnh báo như thế người ta sẽ suy nghĩ đến việc điều chỉnh hành vi khi nào nhận thức được.
Thứ ba là về kinh tế. Sản xuất rượu bia là một ngành công nghiệp. Các nhà máy bia làm ra cần xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Rượu bia được tiêu thụ nhiều, nhìn từ góc độ kinh tế là tích cực.
Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn về lợi nhuận kinh tế mà quên văn hóa và sức khỏe thì chúng ta không thể có chung nhận thức. Chúng ta hãy đặt chai bia lên bàn và đi xung quanh, nhìn nó với ba góc độ mới có thể cân đong đo đếm, so sánh các mặt lợi, hại để đưa ra chính sách phù hợp.
Theo tôi, việc uống bia chỉ xấu khi nào vượt qua những ngưỡng của ba góc độ trên. Khi nhìn những quán bia ngoài trời, làng nướng... mọc lên như nấm, có người hỏi việc mở nhà hàng, quán nhậu có được xem là một hướng phát triển kinh tế hay không? Theo tôi, khi chúng ta chấp nhận kinh tế thị trường thì phải tuân theo quy luật cung cầu, vấn đề là sự điều tiết của Nhà nước. Đối với các ngành nghề kinh doanh, chỉ có nhà hoạch định chính sách mới biết chỗ nào cần hạn chế, chỗ nào cho phát triển. Suy đến cùng vẫn là khả năng điều hành kinh tế vĩ mô, chứ đừng nghĩ đó chỉ là chuyện vặt. Đối với người dân, có thể vì thiếu thông tin nên họ hành động theo những lợi ích trước mắt, do đó vai trò, nhiệm vụ của lãnh đạo là hướng dẫn nhận thức và hành động cho họ.
Việc điều chỉnh đó là trách nhiệm của Chính phủ. Đó là quản lý vĩ mô, tức là tạo ra môi trường, định chế, là sự điều phối của các ngành kinh tế phát triển hợp lý, hài hòa. Nói như ông bà ta là “liệu cơm mà gắp mắm”. Chính phủ là người nhìn bát cơm và bát mắm để biết nên gắp chừng nào là vừa, còn các công ty thì họ không có trách nhiệm và thông tin về toàn bộ nền kinh tế để tự điều chỉnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận