18/01/2018 09:31 GMT+7

Đặt 100% niềm tin vào Việt Nam

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - “Ngài tổng thống, cũng như tôi, đặt 100% niềm tin vào Việt Nam” - đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink nói về quan điểm của Mỹ với Việt Nam trong thời kỳ mới.

Đặt 100% niềm tin vào Việt Nam - Ảnh 1.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink phát biểu tại Hội thảo quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ngày 17-1 - Ảnh: HỮU KHOA

Đại sứ Kritenbrink phát biểu tại hội thảo "Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump", do Đại học Fulbright Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) của Mỹ đồng tổ chức ngày 17-1. Đây được xem như những lời lẽ ngắn gọn, thẳng thắn và trực diện nhất xuất phát từ cơ quan ngoại giao Mỹ cho tới nay về cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Donald Trump với Việt Nam.

Tác nhân ảnh hưởng quan hệ Việt - Mỹ

Bất chấp đã công bố Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ hồi tháng 12-2017, tương lai mối quan hệ giữa Mỹ và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung, cũng như với Việt Nam nói riêng, vẫn chưa thực sự rõ ràng. Hội thảo ngày 17-1 là thời điểm các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước thảo luận, làm bật lên bối cảnh và luận về chính sách ấy. Trong đó, yếu tố Trung Quốc nổi lên như một tác nhân rất lớn đến quan hệ Việt Nam - Mỹ.

TS Nguyễn Vũ Tùng - Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, mở đầu phiên thảo luận bằng dấu hỏi trực tiếp về tác động của Trung Quốc. Theo TS Tùng, bối cảnh và xu hướng hình thành quan hệ Việt Nam - Mỹ dưới thời ông Trump liên quan tới Trung Quốc có những điểm đáng chú ý bao gồm: tác động từ quan hệ Mỹ - Trung, câu chuyện Biển Đông, vai trò của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các sáng kiến khu vực để thoát khỏi tác động từ mối quan hệ giữa các nước lớn như Mỹ và Trung Quốc.

Năm 2017 là giai đoạn Trung Quốc cấp tập cải tạo và quân sự hóa phi pháp tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trong khi đó, như lời ông Murray Hiebert - chuyên gia cấp cao của Chương trình Đông Nam Á thuộc CSIS, Mỹ cũng chịu sự chi phối từ một số ưu tiên khác như vấn đề Triều Tiên hay thâm hụt thương mại. Ông Hiebert nhấn mạnh việc Trung Quốc một mặt gây sức ép trong tranh chấp biển đảo, một mặt triển khai các sáng kiến khu vực để tạo ảnh hưởng, chính vì thế những động thái của Mỹ đối với Trung Quốc trong lĩnh vực tự do hàng hải và chính sách "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump cũng đóng vai trò quan trọng xác lập quan hệ Việt - Mỹ.

Việt Nam là đối tác quan trọng

Các diễn giả tại hội thảo cùng công nhận rằng bất kể có sự thay đổi ở vị trí tổng thống tại Mỹ, năm 2017 vẫn đánh dấu một giai đoạn phát triển rất ấn tượng trong quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam. Những diễn biến của năm 2017 cho thấy Việt Nam đã rất tích cực xây dựng quan hệ hợp tác hữu nghị với Mỹ. Ngược lại, Washington thực sự xem Hà Nội là đối tác chiến lược quan trọng trong khu vực.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc nêu bật thái độ chủ động của Việt Nam đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay từ những ngày đầu. "Từ tháng 3-2017, các quan chức cấp cao Việt Nam, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, Trưởng Ban Đối ngoại trung ương Hoàng Bình Quân cùng nhiều thứ trưởng Bộ Ngoại giao, thứ trưởng Bộ Quốc phòng... đã xuất hiện đều đặn hằng tháng ở Washington" - ông Ngọc nói.

Đổi lại, Tổng thống Trump đã chứng tỏ cam kết với Việt Nam thông qua chuyến đi ở Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng và đến Hà Nội cho chuyến thăm cấp nhà nước Việt Nam ngay sau đó.

TS Amy Searight, giám đốc Chương trình Đông Nam Á của CSIS, lại nhấn mạnh khía cạnh Mỹ đặc biệt ưu tiên giúp đỡ Việt Nam và các nước châu Á ở lĩnh vực quốc phòng. Theo bà Searight, giữa bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông leo thang và thái độ ứng xử của Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Trump đã thể hiện cam kết với Việt Nam qua kế hoạch lần đầu tiên đưa tàu sân bay đến thăm Việt Nam, dự kiến vào tháng 3-2018.

"Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên ghé thăm Nhà Trắng kể từ khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức. Vì thế, tôi cho rằng chính quyền ông Trump rất chú trọng Việt Nam ở tư cách một đối tác then chốt và nhân tố quan trọng trong ASEAN. Vì vậy, có rất nhiều thứ hai bên có thể cùng nhau thực hiện" - bà Searight nói với Tuổi Trẻ.

Vì sự thành công của Việt Nam

Trong phát biểu súc tích và trực khởi ở hội thảo ngày 17-1, đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink khẳng định "Mỹ luôn hết lòng vì sự thành công của Việt Nam" và "quan hệ đối tác của chúng tôi với Việt Nam là cực kỳ đặc biệt".

Giữ vị trí đại sứ thay người tiền nhiệm Ted Osius, ông Kritenbrink là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, am hiểu về châu Á và cũng đặt Việt Nam vào vị trí quan trọng trong việc bảo vệ an ninh quốc tế cũng như khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà chính quyền ông Trump rất quan tâm.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp