Tính đến 17g ngày 12-6, hơn 50 người dân ở hạ nguồn công trình thủy điện Ia Krêl (xã Ia Dom, Đức Cơ, Gia Lai) đã được sơ tán ra khu vực an toàn. Nhiều diện tích khoai mì, bắp và nhà rẫy của người dân tan hoang sau sự cố vỡ đập thủy điện.
Phóng to |
Đập thủy điện Ia Krêl (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, Gia Lai) bị vỡ rạng sáng 12-6 - Ảnh: T.B.D. |
Phóng to |
Lực lượng cứu hộ Huyện đội Đức Cơ (Gia Lai) tìm kiếm người dân bị mắc kẹt - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG |
Sáng 12-6, có mặt tại khu vực công trình thủy điện Ia Krêl, một cảnh tượng đổ nát và tan hoang nằm dọc từ đoạn đập chắn về tận các khu hoa màu, nương rẫy phía dưới. Tại hiện trường, thân đập chắn thủy điện, một đoạn đập dài khoảng 40m bị xé đứt để lộ ra từng khối bêtông lớn. Các mảng bêtông này bị nước xé làm hư hỏng, lòi ra các lõi sắt thép bên trong. Đứng từ xa nhìn xuống, toàn bộ lòng hồ của công trình thủy điện chỉ còn trơ đáy, nhiều người dân tranh thủ dùng lưới, kích điện để bắt cá.
“Tưởng chết rồi”
Ông Nguyễn Đức Hà - thợ làm đá cạnh công trình thủy điện Ia Krêl - cho biết rạng sáng 12-6, khi ông ra gần khu vực hồ thì quá bất ngờ trước cảnh hoang tàn của đập thủy điện: lòng hồ kiệt nước lòi đáy, để lộ ra những khoảng rừng bị chết khô, bốc mùi úng. Nước từ lòng hồ chảy xuyên qua thân đập trở lại dòng chảy như khi chưa bị ngăn dòng.
Vụ vỡ đập thủy điện xảy ra quá bất ngờ khiến những người dân ở hạ lưu công trình không kịp trở tay. Có người chạy thoát thân, có những người phải xanh mặt ngồi co ro trên ngọn cây cao cả chục mét chờ nước rút. Thượng tá Ra Lan Ngoan - Huyện đội Đức Cơ - nói ngay khi dòng nước dữ ào về phía hạ nguồn, có hàng chục người dân đang ở phía dưới. Họ là những nông dân địa phương đang vào vụ chăm sóc khoai mì, thường qua đêm ở rẫy. “Chúng tôi đã điều lực lượng dùng xuồng, áo phao, dây dù để cứu hộ. Nước chảy quá dữ, nhiều người kêu cứu nhưng nước mạnh nên bộ đội không tiếp cận được, phải dùng đến dây dù để kéo người vào” - ông Ngoan nói.
Cuối ngày 12-6, chị Thủy, chị Lộc, chị Lan, chị Quyên và chị Tỳ vẫn ngồi thẫn thờ như vừa “từ cõi chết trở về”. “Tôi như được sinh ra lần nữa, đến giờ tim vẫn đập thình thịch, cứ thấy nước là sợ” - chị Thủy nói. Chị Thủy cho biết cả năm chị em đều là người ở huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) đến làm thuê ở xã Ia Dom. Cũng theo chị Thủy, hiện đang vào thời kỳ chăm sóc khoai mì nên cả nửa tháng nay năm chị em ở lại tại rẫy chứ không về nhà.
“Chị em tôi đang chuẩn bị đi làm thì nghe âm thanh “ào ào” như một trận bão. Vừa ngó lên thì thấy hàng ngàn cây cối gãy đổ, rồi một cột nước cao tới mấy mét giội xuống. Tôi hét lên để mấy chị em chạy ra xa, nhưng vừa xong thì nước cũng đổ đến. Tôi và chị Lộc bị bỏ lại nên hai chị em nắm lấy tay nhau né hàng trăm khúc gỗ lao về phía mình, vừa né vừa bơi rồi bấu vào được một cành cây cao. Hai chị em ngồi trên cây mà không dám mở mắt” - chị Thủy kể. Chị Lộc cho biết do nước quá lớn nên cây cối bị cuốn theo về rất nhiều, tất cả chỉ diễn ra trong 10 phút.
Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A thiếu tính khả thi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Minh Quang vừa có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Trương Văn Vở, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, về việc có tiếp tục thực hiện việc đánh giá tác động môi trường trong quá trình lập dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A hay không. Ông Quang khẳng định sau khi nhận được báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A vào ngày 27-6-2012 của Công ty cổ phần Đức Long Gia Lai, Bộ Tài nguyên - môi trường đã thành lập hội đồng thẩm định. Kết quả làm việc của hội đồng và khảo sát thực tế tại hiện trường cho thấy trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án chưa làm rõ được một số vấn đề môi trường gây ra bởi các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, cũng như một số biện pháp giảm thiểu những tác động xấu của các dự án đến Vườn quốc gia Cát Tiên và môi trường ở hạ du. Các dự án này chưa thuyết phục, thiếu tính khả thi. XUÂN LONG |
Trong hàng chục người dân thoát chết hi hữu trong dòng nước hung dữ có gia đình ông Puih Ơnh (làng Ó, xã Ia Dom). Ông Puih Ơnh cho biết ông đưa vợ và hai con nhỏ đi làm rẫy và ở qua đêm, khoảng 5g30 khi ông đang ra suối kiểm tra lưới cá thì nước ập đến. “Mình thấy cột nước cao bằng hai người mình, nó cuộn tròn và về nhanh lắm. Mình bỏ lưới quay về hét vợ con chạy, vợ hoảng quá bế con chạy lên được quả đồi cao, còn mình mắc kẹt ở lại. Lúc đó mình xác định là chết rồi nên cởi quần ra, buộc dây thắt lưng vào quần kết thành sợi dây rồi leo lên cây buộc chặt người vào gốc cây. Mình nghĩ mình chết với rừng luôn nhưng phải buộc chặt người lại để chết ngay ở gốc cây cho làng mình khỏi phải đi tìm xác” - ông Puih Ơnh nói.
Làm ẩu, thiết kế sơ sài
Chiều 12-6, ông Phạm Thế Dũng - chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - đã tổ chức cuộc họp khẩn tại huyện Đức Cơ để đánh giá vụ việc và chỉ đạo điều tra tìm nguyên nhân sự việc. Ông Dũng nhận định sự việc vỡ đập thủy điện là nghiêm trọng và ảnh hưởng đến tính mạng, của cải của người dân. “May mà thời điểm vỡ đập xảy ra vào rạng sáng, chứ nếu là nửa đêm thì không biết sẽ thế nào” - ông Dũng nói. Đại diện lực lượng cứu hộ cho biết sau khi đập vỡ, cơ quan quân sự đã liên lạc với địa phương của Campuchia ở phía hạ nguồn sông Pô Cô để có phương án ứng phó. Nhận định việc vỡ đập thủy điện lớn nên chính quyền ở Campuchia đã lên phương án di dời toàn bộ dân ở khu vực nguy hiểm.
Ông Dũng cho biết mặc dù tính chất sự việc là nghiêm trọng nhưng từ khi xảy ra sự việc không thấy đại diện chủ đầu tư xuất hiện, cũng không có cán bộ, công nhân nào của đơn vị chủ công trình tại hiện trường. “Trách nhiệm như vậy là chưa cao. Chúng tôi sẽ làm việc lại với chủ đầu tư, bất cứ lý do gì thì họ cũng phải đền bù thiệt hại cho dân” - ông Dũng nói.
Tại cuộc họp khẩn này, nhiều ý kiến cho rằng lý do lớn nhất dẫn đến sự việc nói trên là chất lượng kỹ thuật công trình quá kém. Theo ông Phạm Thế Dũng, việc phá rừng ở khu vực bao quanh thủy điện cũng là nguyên nhân khiến lượng nước dồn về thủy điện nhanh. “Có yếu tố môi trường trong đó nhưng cũng phải xem lại chất lượng công trình, tôi đề nghị các đơn vị điều tra nhanh chóng có kết luận nguyên nhân sự việc”. Thượng tá Lê Đức Đạo - trưởng Công an huyện Đức Cơ - cho hay qua xác định ban đầu, nguyên nhân dẫn đến việc vỡ đập là chất lượng công trình có vấn đề. “Đập thiết kế chứa 8-10 triệu m3 nước, trong khi đó lượng nước khi xảy ra vỡ đập chỉ 3-4 triệu m3, chỉ bằng một nửa thiết kế. Rõ ràng việc thiết kế đập, chất lượng công trình có vấn đề”.
Ông Lê Vinh - giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai - nhấn mạnh: “Theo đánh giá ban đầu của tôi thì chất lượng công trình không đảm bảo nên xảy ra sự cố. Tôi quan sát và thấy việc đầm nén, chất lượng của đường ống ngăn nước không đảm bảo yêu cầu. Chủ đầu tư là đơn vị tư nhân nên họ chạy theo kinh doanh, làm rất sơ sài. Đập nén như thế cũng không phải, bêtông cống nén như thế là không đảm bảo, sắt thép thì lơ phơ. Tôi sẽ yêu cầu họ cung cấp nhật ký việc xây dựng toàn bộ để có đánh giá thật chính xác”. Về việc hiện trường phần đập vỡ lộ ra rất ít hạng mục làm bằng bêtông, hầu hết đập được đắp bằng đất, ông Vinh nói tùy theo loại công trình, không nhất thiết đập thủy điện nào cũng phải được thiết kế bằng bêtông.
Công trình thủy điện Ia Krêl do Công ty cổ phần công nghiệp và thủy điện Bảo Long Gia Lai (trụ sở TP Pleiku) đầu tư xây dựng trên suối Ia Krêl (xã Ia Dom). Theo thiết kế, thủy điện có công suất 5,5 MW, thời gian hoạt động của dự án 45 năm, diện tích chiếm đất 147ha. Công trình được khởi công xây dựng từ cuối năm 2009, hiện nay đập chính đã hoàn thành, bắt đầu tích nước từ tháng 5 và dự kiến đến giữa tháng 6-2013 bắt đầu chạy máy. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận