Nghiên cứu dựa trên quan sát nhiều loài động vật hoang dã tại rừng mưa nhiệt đới Amazon, gần đập thủy điện Balbina của Brazil.
Đập này đã tạo ra một trong những hồ thủy điện lớn nhất thế giới là hồ Balbina bằng cách làm ngập nước một khu vực đất rừng và chia khu vực này thành 3.546 hòn đảo.
Trừ những hòn đảo lớn nhất, tại những hòn đảo còn lại, sự thay đổi cảnh quan đã khiến cho nhiều loài động vật có vú, các loài chim và rùa cạn bị tuyệt chủng trong hơn 26 năm qua.
Nghiên cứu cho rằng nhiều khả năng sẽ có tới gần 3/4 số động vật hoang dã trong khu vực này bị biến mất do sự tồn tại của đập Balbina.
Cụ thể, theo một tác giả của nghiên cứu, ông Carlos Peres thuộc Đại học East Anglia (Anh), sẽ có hơn 70% trong tổng số 124.110 loài động vật hoang dã tại khu vực hồ Balbina bị tuyệt chủng.
Trong khi đó, ông Maira Benchimol thuộc Đại học Estadual de Santa Cruz (Brazil), chủ nhiệm công trình nghiên cứu, cho biết chỉ có 25 trong số 3.546 hòn đảo ở hồ này, những đảo có diện tích lớn hơn 475ha, được đánh giá là vẫn bảo tồn được hệ động vật đa dạng ban đầu.
Trong bối cảnh Brazil đang có kế hoạch xây dựng thêm nhiều đập thủy điện trong các năm tới, nhóm chuyên gia kêu gọi chính phủ cân nhắc tới kết quả nghiên cứu mới nhất này khi tiến hành đánh giá tác động tới môi trường của các công trình này.
Các nhà máy thủy điện thường sử dụng các đập thủy điện để tăng áp lực của các nguồn nước tự nhiên để sản xuất điện.
Những đập này từng được coi là một nguồn năng lượng sạch quan trọng do không đòi hỏi việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, song một loạt những cuộc nghiên cứu trong những năm gần đây đã cho thấy những đập trên có ảnh hưởng tiêu cực đến ngành ngư nghiệp và các cộng đồng dân cư địa phương.
Các đập thủy điện cũng có nguy cơ làm tăng lượng khí thải methane và các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính khác sinh ra từ thực vật bị thối rữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận