Một buổi tối con gái ngồi bên bàn học cặm cụi viết như thế.
Tôi đứng sau lưng con cũng bồi hồi với nét chữ học trò trên trang giấy trắng. Con nhìn tôi cười toe giải thích đây là một bài tập làm văn đề bài là viết thư cho một người bạn thân kể về tình hình học tập của em trong thời gian qua. “Mẹ biết không, con thích mở bài như thế này hơn vì theo bài cô đưa tham khảo và bảo ghi nhớ thì lúc nào cũng bằng câu: “Đã lâu lắm rồi mình không viết thư cho bạn. Hôm nay mình nhớ bạn quá nên mình viết thư hỏi thăm bạn...”, hay là phần cuối thư phải có câu: “Thôi thư mình viết đã dài, mình xin dừng bút tại đây...”. Có 45 bạn trong lớp đều mở đầu và kết thúc như thế nên con thấy cũng... kỳ!”. Con muốn viết kết bài như thế này: “Mỗi tháng mình sẽ viết cho cậu một lá thư hoặc gửi bưu thiếp cho cậu. Khi nào cậu nhận được nhớ hồi âm cho mình nhé. Chúng mình mãi mãi là bạn tốt của nhau!”.
Tôi thở phào may là con gái nhỏ của tôi còn biết có chữ...“kỳ”. Con tâm tư: “Con ráng không nhìn bài văn tham khảo vì con sợ đọc xong rồi con không suy nghĩ ra những câu văn hay hơn để làm thành bài văn của mình!”.
Con gái thích các bài tập làm văn và tôi cũng khuyến khích con viết theo cách con nghĩ nhưng phải bám sát dàn ý để không lạc đề. Gần đây tôi phát hiện con thường phải “đánh vật” để chỉnh sửa đoạn văn trong bài văn mẫu thành ý của mình. Ví dụ như đề bài: Viết thư chúc mừng sinh nhật người thân (ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè...), trong văn mẫu có đoạn: “Con rất buồn vì sinh nhật năm nay của cô không có con!”, bé con viết lại: “Chị xin lỗi vì sinh nhật năm nay của em chị đã không đến dự được!”. Loanh quanh cả buổi cuối cùng con gái chỉ chép lại ý tưởng không phải của chính mình rồi đọc thuộc! Việc cô giáo phát một bài văn mẫu để học trò tham khảo trước khi viết một chủ đề nào đó khiến tư duy của trẻ bị động. Thay vì những suy nghĩ hồn nhiên, trong sáng của tuổi học trò được thắp lên bởi chính tiềm năng của các em thì văn mẫu đã thổi tắt ý tưởng tốt đẹp khi còn trong trứng nước.
Có thể hiểu vì để an toàn cho thành tích chung của lớp, cô giáo đã chủ động cho các em viết tập làm văn mà không có “cơ hội” sai hoặc sót ý. Nhưng theo tôi, các con đang tập làm văn thôi mà! Đã là tập làm thì phải có sai sót, lủng củng, ngây ngô... để từ đó cô góp ý, xây dựng, chỉnh sửa thành một bài văn hoàn chỉnh từ ý tưởng của chính con trẻ.
Trẻ con như búp măng non trên cành, người lớn uốn chiều nào trẻ sẽ phát triển theo chiều đó. Hãy lắng nghe khi con trẻ nói: “Đó không phải là ý tưởng của con!”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận