Đó cũng là đêm chạy tìm về phía cuộc sống thanh sạch theo đạo lý ngàn đời “nghèo cho sạch rách cho thơm”...
Phóng to |
Căn nhà phần trước vách tường, phần sau vá víu bằng lá dừa với vài cái bàn, cái ghế. Hạnh đang pha nước giải khát bán cho khách. Hơi nhỏ con, vui tính, Hạnh kể nhà nghèo, cha mất sớm nên mẹ đành gửi các con cho bên nội nuôi, chỉ riêng mình ở với mẹ.
Năm 1999, Hạnh 18 tuổi, trong một lần cắt lúa mướn, cô quen một phụ nữ tên Trương Thị Kim Quyên. Quyên rủ Hạnh đến Long Xuyên (An Giang) làm tiếp viên lương tháng 400.000 đồng, công việc nhẹ nhàng, chỉ bưng nước mời khách.
Vào thời điểm đó, 400.000 đồng có thể mua được gần một chỉ vàng 24k nên khi nghe vậy, Hạnh rất mừng về khoe với mẹ nhưng bà không đồng ý: “Mình gái quê lên thành thị bị người ta gạt dễ như chơi, thôi cứ ở nhà có cháo ăn cháo, có rau ăn rau”.
Tuy nhiên, số tiền cứ lởn vởn trong đầu Hạnh: sửa căn chòi dột nát, mẹ khỏi cực nhọc dãi nắng dầm mưa. Vậy là chị lén mẹ đi. Và cũng giấu không cho người yêu hay...
Sự lựa chọn sống chết
Hạnh càng yên tâm khi thấy cùng đi với mình còn có T., em ruột của Quyên. Khi đi do say xe nên mãi đến lúc lên phòng ở lầu hai của một tòa nhà, Hạnh vẫn còn ngầy ngật, nôn ói. Một bà lão đến cạo gió cho chị, bà nói: “Ráng ở đây làm trả nợ nghe con. Trốn là bị đánh chết luôn đó”.
Nghe vậy, Hạnh ngạc nhiên hỏi một người ở cùng phòng thì hoảng sợ, kinh hoàng khi biết Quyên đã tàn nhẫn bán Hạnh và T. cho một điểm chứa mại dâm tận thành phố Phnom Penh, Campuchia. Cả hai phải ở lại “tiếp khách” trả nợ. Hạnh khóc nức, hoảng loạn, nói phải trốn thôi. Người bạn cùng phòng khuyên đừng trốn bởi đã có người trốn cũng bị bắt lại, bị đánh thừa chết thiếu sống, sau đó vẫn phải tiếp khách.
Tuy nhiên, cô gái miền quê chân chất lại có suy nghĩ khác: con người ta ai cũng chết, nếu chết ở đây chẳng những không nhìn được mặt người thân mà còn chết trong ô nhục, chi bằng trốn đi, ra sao rồi ra...
Bị nhốt ở lầu hai, có người canh gác nghiêm ngặt không cho xuống nhưng lên sân thượng được. Lúc này trên sân thượng đang xây thêm một tầng nên có nhiều dây nhợ vung vãi. Mỗi ngày khoảng 2g đêm, Hạnh mò lên lén nối từng đoạn dây điện.
Đêm nọ may mắn đã đến khi những kẻ canh gác nhậu say lăn ra ngủ. Hạnh rủ T. cùng trốn. Chị nhất quyết: “Nếu ở đây không tiếp khách sẽ bị đánh chết. Nếu nghe lời bọn chúng tiếp khách thì được sống nhưng sống trong ô nhục. Nếu trốn bị bắt lại cũng bị đánh chết nhưng không ô nhục. Còn nếu may mắn trốn thoát sẽ về được quê”.
Rồi chị buộc một đầu dây vào cửa sổ đu xuống trước. Tới lượt T. khi chạm đất té ngã nên gây ra tiếng động khiến những kẻ canh gác thức giấc.
Một cuộc rượt đuổi bắt đầu. Cả hai chạy thục mạng, rớt xuống lỗ cống, cũng may có miếng thiếc che lại, phía trên là bọn buôn người với chó săn, đèn pin pha sáng choang cả một vùng. Đợi chúng chạy qua, cả hai chui lên chạy, chui qua chuồng trâu, trốn trong nhà vệ sinh... Có những lúc muốn vỡ tim vì chỉ cách chỗ bọn chúng đứng có 1m...
Chạy đến hửng sáng, gặp một phụ nữ Campuchia, Hạnh quỳ xuống vừa lạy vừa khóc xin giúp đỡ. Người phụ nữ tốt bụng này dẫn cả hai đến một gia đình Việt kiều. Và những người đồng hương này đã nhờ người nhắn tin cho gia đình, sau đó còn thuê giùm người đưa cả hai về đến cửa khẩu Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Tại đây, người thân của Hạnh và T. đến đón về nhà...
Can đảm tố cáo
Về đến nhà, Hạnh đi tìm người phụ nữ tàn nhẫn bán người, thậm chí bán cả em gái ruột của mình chỉ vì 50 USD nhưng không tìm ra nơi ở của Quyên.
Sau đó, mẹ con chị Hạnh quần quật vắt hết sức mình làm mấy năm trời trả món nợ 3 triệu đồng mà người mẹ đã chạy vạy vay mượn để trả tiền công cho người dẫn đường đưa chị từ Campuchia về VN. Và người mẹ quá lao lực, ăn uống kham khổ đã bị căn bệnh huyết áp quật đổ, bị liệt nửa người...
Chuyện tình cảm cũng khốc liệt không kém. Ngay từ khi vừa đặt chân đến nhà, ngoài sự cảm thông, chia sẻ của bà con lối xóm, còn có những lời bàn tán rằng Hạnh vì tiền nên đã bán mình khiến chuyện tình của chị gãy đổ. Miệng đời không ngừng buông lời thị phi khiến mẹ con chịu không nổi phải dời chòi đến ấp khác sinh sống.
Vẫn còn thời hiệu Ông Lý Ngọc Sơn - chánh tòa hình sự TAND tỉnh An Giang - cho biết vụ án xảy ra năm 1999, đến nay vẫn còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (15 năm), bởi đây là tội phạm rất nghiêm trọng. Tòa xét xử bị cáo theo điều 115 Bộ luật hình sự 1985 theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo. |
Đầu tháng 11-2011, tình cờ biết được nơi ở của Quyên, Hạnh cùng dì ba của mình tìm đến nhà Quyên, yêu cầu Quyên phải xin lỗi và bồi thường chi phí mà Hạnh đã trả cho người đưa cô về nước nhưng bên nhà ấy chẳng những không một lời xin lỗi, ngược lại còn quát tháo, mắng mỏ, hăm dọa đuổi hai dì cháu Hạnh về.
Phẫn uất, Hạnh định đi thưa nhưng rồi suy nghĩ dù sao người ta cũng có con cái, tuy họ bán mình nhưng mình đã trốn thoát. Thôi, ai làm ác trời trả báo. Tuy nhiên nếu không tố cáo thì những tiếng đồn không đúng về mình sẽ còn mãi. Cứ thế tâm trạng giằng co cứ đan xen nhau: nửa muốn thưa, nửa muốn bỏ qua.
Các chị trong Hội Liên hiệp phụ nữ xã Vĩnh Khánh khi hay chuyện đã động viên Hạnh nên đi kiện đòi lại lẽ công bằng cho mình. Rồi có những đêm chiêm bao, Hạnh thấy mình đang chạy trốn trong bóng đêm đen kịt, bị chúng bắt lại, đánh chết. Giật mình, tươm cả mồ hôi, nước mắt hoảng sợ còn nóng hổi trên má, Hạnh sợ nếu không tố cáo biết đâu sẽ còn có những cô gái khác trở thành nạn nhân. Vì vậy, tháng 12-2011, Hạnh quyết định đến cơ quan chức năng trình báo. Và Quyên bị bắt...
Ngày 15-2-2012, TAND tỉnh An Giang mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Trương Thị Kim Quyên về tội mua bán phụ nữ. Lúc đầu, Quyên bào chữa rằng mình không biết gì, sau mới nhận tội, bật khóc rằng rất hối hận. Hạnh cảm thấy tội nghiệp người phụ nữ này, bởi dù gì người ta cũng ăn năn hối lỗi nên Hạnh xin giảm tội cho bị cáo. Đồng thời T. cũng rấm rứt khóc xin giảm tội cho chị ruột mình. Tòa tuyên bị cáo Quyên 5 năm tù về tội mua bán phụ nữ.
Ông Đặng Văn Lợi, chủ tịch UBND xã Vĩnh Khánh, cho biết chị Hạnh rất siêng năng, tần tảo buôn bán, rất hiếu thảo với mẹ, thuận thảo với xóm giềng. Về phần mình, chị Hạnh tâm sự: “Phiên tòa kết thúc, như vậy xem như 13 năm tôi được giải oan những lời đồn không đúng về mình. Với tôi điều đó quá đủ. Còn cuộc sống thì tôi còn đôi bàn tay, ráng quơ quào rồi cũng trả được nợ, sống được, chỉ mong trời thương không ngã bệnh...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận