Mỗi năm cứ độ hè về, những ngày đầu tháng 6 khi hoa phượng nở và mây đen sà thấp chân trời để rải mưa đầu mùa là tôi lại nhớ đến trường xưa của mình. Ngôi trường cấp I-II nhỏ bé, nếu không nói là nghèo xác xơ, với mái tôn vách đất thủng lỗ chỗ nằm giữa những rặng tre xanh và đồng lúa.
Vậy mà đứa bé lớn lên thời hậu chiến khó khăn, phải rời thành phố đi kinh tế mới và trải qua nhiều ngôi trường khác nhau như tôi vẫn khắc sâu kỷ niệm về mái trường cùng các thầy cô đầu đời của mình.
1 Ngày ấy, trường tôi học mang tên Bình Hòa Bắc và cũng là địa danh của cái xã bưng biền ở huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Chỉ cách Sài Gòn khoảng 50km đường xe, nhưng miệt quê này như xa xôi, heo hút lắm, nhìn đâu cũng lồ lộ cảnh nghèo giữa bạt ngàn rừng tràm lẫn các đồng lúa cằn cỗi vì đất phèn lợ quanh năm.
Bây giờ, khi mái đầu đã bạc, cuộc đời trải nhiều đổi thay, từ tuổi thơ ngồi học dưới mái trường xiêu vẹo bị mưa tạt vào trang sách đến ngày ngồi ấm êm trong phòng máy lạnh xem hình ảnh qua tivi màn hình rộng, tôi nghĩ lại càng thương kính thầy cô đầu đời của mình.
Những thầy cô từ phương xa phải đi xuồng, đi bộ, đeo đùm bao gạo, túi khoai mì, gói muối ớt, trái bầu trái bí để có thể ươm trồng điều hay lẽ phải trên những mảnh đời trẻ thơ như tôi.
Nhiều năm sau được hạnh ngộ lại thầy cô trường cũ, tôi rưng rưng ngồi nghe cô Kiệp, giáo viên dạy toán mấy năm cấp II của mình, nhắc nhớ cô từng bơi qua sông trên đường từ trường về nhà.
Cô giáo ngày ấy mới ngoài 20 tuổi, đùm đồ đạc, sách vở trong cái túi rồi bơi qua những nơi bị dòng nước cách trở ở vùng quê miền Tây nhìn đâu cũng thấy sông nước.
Đoạn nào không phải bơi thì cô lại chân trần đi bộ qua những đường mòn sình lầy đầy cỏ gai trong bưng biền. Cô ngày ấy còn chưa có xe đạp, mà có xe cũng không thể đi được trên những lối mòn tự phát không thể gọi là đường.
Đến cuối những năm 1980, tôi có người anh hai (anh cả) cũng trở thành thầy giáo, đồng nghiệp với cô.
Mỗi cuối tuần anh về nhà, người đều ướt nhẹp vì cũng phải lội, phải bơi qua sông rạch như cô. Đi tắt bưng biền, anh rút ngắn chỉ còn một phần năm đường đến trường ở cái thuở ruột xe đạp hư cũng không có tiền để thay.
Sau này, có dịp ngồi tâm sự chuyện xưa, tôi hỏi cô giáo mình: "Phải đi dạy như vậy, cô có thấy cực khổ không?". "Không có đâu em, hồi đó nhiều giáo viên khác cũng thế. Mà học trò tụi em lúc đó cũng quá khổ, làm sao giáo viên lại nghĩ mình vất vả được", cô giáo cũ trả lời trong nụ cười nhẹ nhàng.
2 Trường của tôi năm tháng ấy, vách đất được làm bằng bùn trộn rơm trét lên giàn phên tre. Nhiều bức tường còn thủng lỗ chỗ, lấy đâu ra nơi treo các tấm bảng đẹp "Tiên học lễ, hậu học văn" như bây giờ.
Nhưng đám học trò quê nghịch ngợm chúng tôi được các thầy cô dạy bảo thấm nhuần đạo lý này. Làm sao tôi quên được mỗi đầu giờ học, chúng tôi đều đứng dậy khoanh tay chào thầy cô vào lớp, và lại tiếp tục chào khi thầy cô ra khỏi lớp học sau khi kết thúc tiết dạy.
Đó là lễ phép, là sự kính trọng và biết ơn thầy cô. Bài học vỡ lòng về đạo thầy trò ngay ngày đầu đến trường của tôi.
Nếu trong thời nay giáo viên hoàn toàn không được phép roi vọt với học trò, có ai đó hỏi tôi từng bị đòn ở lớp học chưa thì tôi sẽ không ngại trả lời ngay là có. Trải 16 năm đèn sách, tôi đã bị roi một lần ngay năm lớp 1 mà đến giờ tôi vẫn mãi không quên.
Tôi nhớ mãi chiều đó mưa gió rất lớn, trường lại lợp mái tôn và có nhiều tán cây. Tan học, mưa gió vẫn dữ dội, cô Ánh lớp 1 giữ học trò nhỏ trên hè lớp, không cho đám nhóc chạy nhảy lung tung vì sợ gió giật bay tôn hay gãy cành cây nguy hiểm.
Chả hiểu "trời xui đất khiến" sao, ngay lúc ấy tôi lại thấy dãy lớp đối diện bên kia sân trường có đám bạn đang lao nhao, vui quá, thế là tôi quên béng lời cô dặn mà cứ cắm đầu chạy thẳng qua với bạn bên đó.
Mưa gió vẫn rất lớn, sân trường đất trơn trượt, thế là tôi té lăn quay, người lấm lem bùn như con trâu đằm vũng lầy. Nhưng nguy hiểm rợn người là ngay khoảnh khắc tôi vừa té xuống thì một tấm tôn cũ bị gió giật tung, bay thẳng xuống sân trường và chỉ cách đầu tôi chỉ vài gang tay.
Cô Ánh đang đứng ở hè lớp, trông thấy rõ cảnh quá nguy hiểm, vội chạy ra đỡ tôi vào và kêu tôi xòe bàn tay để cô vụt một thước dạy học đau điếng. Tôi ngày ấy còn quá nhỏ, chỉ biết sợ, chứ nghĩ gì được nhiều.
Nhưng sau này lớn lên, tôi vẫn nhớ mãi gương mặt cô giáo buổi chiều ấy, một gương mặt tái xanh (có lẽ vì sợ cho tôi) và mắt cô thì đỏ, ngân ngấn nước như vừa lo vừa giận vừa thương trò. Ông nội tôi đến đón cháu về, được cô giáo kể đã phải đánh tôi một roi vào bàn tay.
Ông tôi im lặng, nhìn tay tôi rồi nói lời cảm ơn cô giáo đã dạy bảo cháu mình. Và vừa đến nhà, ông lại bắt tôi xòe bàn tay để vụt tiếp một roi tre nữa.
Sau đó, chính ông lại chườm nước ấm vào bàn tay tôi và dạy dỗ: "Con biết tại sao cô giáo phải đánh con không? Vì cô giáo muốn con được an toàn, muốn con phải ghi nhớ những điều cô dạy bảo...".
Thời nay giáo viên được dùng roi vọt với học trò hay không, tôi không có chuyên môn sư phạm nên không dám nói gì.
Nhưng riêng tôi mãi không quên và thật tâm biết ơn một lần duy nhất trong đời bị cô giáo cho "ăn thước". Tôi hiểu ngoài nỗi giận, cô rất lo và thương tôi nên mới vậy. Sau đó, tôi không bao giờ bị roi vọt nữa và luôn là học sinh giỏi ở lớp cô và nhóm đầu của trường chín năm liên tiếp.
3 Đời học trò rồi sinh viên từ quê lên phố, tôi có quá nhiều kỷ niệm để làm sao kể hết. Có một lần năm lớp 9, cũng là năm chuẩn bị chia tay ngôi trường quê, tôi được chọn đi thi kể chuyện. Từ nhà lên điểm trường huyện để thi là con đường đất hơn 10km đẫm sình lầy mùa mưa.
Hôm trước, tôi được dặn dò đến tập trung ở trường xã để các thầy đưa đi thi. Sáng sớm, khi tôi đến trường, đã thấy các thầy bày sẵn mâm cơm đợi học trò. Tôi vẫn nhớ mâm cơm chỉ có nồi măng kho với muối ớt, rổ rau má ăn sống và hai quả trứng gà luộc.
Thầy Tuấn, tổng phụ trách Đội, là người dắt tôi đi thi. Chính tay thầy xới cho tôi tô cơm và bỏ vào cả hai quả trứng. Rụt rè, tôi sớt lại mâm một quả, nhưng thầy Tuấn lại bỏ vào chén tôi và ân cần nói: "Việt ăn đi, ăn trứng cho có sức. Hôm nay, trời mưa không đi xe đạp được, thầy trò mình phải đi bộ xa đó".
Dứt lời, thầy và vội chén cơm chỉ có mấy miếng măng kho muối. Các thầy khác ngồi cùng mâm cũng chỉ ăn vậy. Có hai trái trứng, các thầy đã dành hết cho tôi...
Mùa hè năm 1989, tôi xa trường quê, xa thầy cô và bạn bè để lên thành phố học tiếp. Rồi cuộc đời đưa đẩy tôi vào nghề cầm bút rong ruổi đây đó và trải nhiều chuyện nhân sinh buồn vui, nhưng tôi mãi và mãi mãi nhớ mái trường đầu đời của mình cùng các thầy cô đã dìu dắt tôi chập chững nên người.
Kỷ niệm thằng bé ở miệt bưng biền không nhiều chuyện lớn lao, hoa mỹ, chỉ có những tình nghĩa thầy trò nho nhỏ mà mãi ấm áp không thể nào quên.
Như năm ông nội tôi mất ngay đợt tôi thi kỳ 2 lớp 8, các thầy cô vào tận lớp an ủi tôi và nói lời thật nhẹ nhàng mà len sâu vào trái tim: "Việt ơi, cố lên nhe em. Các cô biết ông nội thương em và quan tâm học hành của em lắm đó. Cố gắng cho ông nội em vui". Và tôi đã nên người...
-------------------
Người thầy giáo đón xe khách lên Hà Nội, tìm đến tận ký túc xá để biết học trò ăn ở thế nào? Mấy chục năm sau, người học trò ấy không thể nào quên hình ảnh người thầy thân mến và đáng kính này.
Kỳ tới: Tin đồn trong ký túc xá và bữa cơm bụi của thầy
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận