11/06/2017 10:56 GMT+7

Đào tạo y khoa cơ bản trong 4 năm, phải thi hành nghề

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Đây là đề xuất của Cục Khoa học công nghệ và đào tạo - Bộ Y tế trong hội thảo về đổi mới đào tạo nguồn nhân lực y tế, diễn ra ngày 10-6 tại TP.HCM.

Sinh viên ngành y Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) trong một buổi thực hành trên mô hình bệnh nhân - Ảnh: Như Hùng
Sinh viên ngành y Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) trong một buổi thực hành trên mô hình bệnh nhân - Ảnh: Như Hùng

Hội thảo do Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM) tổ chức, với sự tham gia của đại diện Bộ Y tế, các trường đào tạo nhóm ngành sức khỏe và sở y tế một số địa phương.

Ông Nguyễn Minh Lợi, phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo - Bộ Y tế, cho rằng vấn đề hiện nay là nâng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực y tế chứ không phải số lượng.

Mới chỉ cung cấp kiến thức

Thống kê từ Bộ Y tế cho thấy cả nước hiện có 196 cơ sở đào tạo nhóm ngành sức khỏe. Riêng ngành y đa khoa có 24 trường đào tạo, trong đó có 6 trường ngoài công lập.

Chất lượng đào tạo ngành y đa khoa trong thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, việc thực hành thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu.

PGS.TS Lê Quang Cường - thứ trưởng Bộ Y tế - cho biết ở các nước, việc đào tạo ngành y rất đặc biệt, tuyển sinh đặc biệt chứ không chỉ dựa vào điểm số, phân chia hệ thống năng lực tách bạch, không bất cập như ở Việt Nam.

Theo ông Cường, muốn có bác sĩ năng lực chuyên môn tốt, sinh viên phải được những bác sĩ giỏi ở bệnh viện hướng dẫn. Nếu không tổ chức thực hành tốt thì kiến thức cỡ nào cũng bỏ đi. Hiện tại, chương trình đào tạo của chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức.

Theo PGS.TS Trần Diệp Tuấn - hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM, giữa hệ thống y tế và các trường đào tạo ngành y dường như mạnh ai nấy làm. Các cơ sở y tế không phản hồi với cơ sở đào tạo về chất lượng nguồn nhân lực, có đáp ứng được yêu cầu chưa, cần kiến thức và kỹ năng nào...

Trong khi đó, cơ sở đào tạo lại đào tạo những gì mình muốn mà không tham khảo ý kiến đơn vị sử dụng nhân lực, xem họ cần những gì. Giữa cơ sở đào tạo và sử dụng nhân lực chưa có sự tương tác, thảo luận với nhau.

Việc tách bạch hệ thống năng lực ở Việt Nam cũng có nhiều bất cập. Theo ông Cường, ở Việt Nam người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ y khoa cũng tham gia khám chữa bệnh. Mong muốn bằng cấp quá lớn khiến nhiều người coi trọng bằng cấp hơn năng lực chuyên môn.

“Ở nước ngoài, người ta chia ra rõ ràng. Người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ chỉ thiên về nghiên cứu, giảng dạy; bằng chuyên khoa thiên về khám chữa bệnh. Năng lực chuyên khoa có giá trị cao hơn, được đãi ngộ tốt hơn" - ông Cường nói thêm.

"Ở ta lẫn lộn cái này. Luật giáo dục ĐH không coi những bác sĩ giỏi ở bệnh viện là thầy giáo. Việc hành chính hóa đã làm mất nguồn lực đào tạo của ngành y”.

Phải thi năng lực hành nghề

Tại hội thảo, ông Nguyễn Minh Lợi cho hay khung cơ cấu giáo dục quốc dân quy định đào tạo ĐH từ 3 đến 5 năm. Hiện nay nhóm ngành sức khỏe gồm hai ngành là y và dược có thời gian đào tạo vượt khung này, đòi hỏi phải sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Ông Lợi đề xuất mô hình đào tạo bác sĩ theo yêu cầu mới. Hiện chương trình đào tạo ngành y đa khoa liền mạch 6 năm, cấp bằng bác sĩ. Mô hình đào tạo mới tách thành hai giai đoạn: học 4 năm cấp bằng cử nhân y khoa, học thêm 2 năm (tại trường và bệnh viện) cấp bằng bác sĩ y khoa, tương đương trình độ thạc sĩ, nhưng chưa được hành nghề.

Người có bằng bác sĩ y khoa phải có một năm thực tập hành nghề tại bệnh viện và thi chứng chỉ hành nghề, nếu đạt mới được khám chữa bệnh và có thể tiếp tục học chuyên khoa. Hệ nghiên cứu (thạc sĩ, tiến sĩ) do Bộ GD-ĐT quản lý, hệ khám chữa bệnh do Bộ Y tế quản lý.

Với mô hình đào tạo mới này, ông Cường cho biết sẽ giải quyết được những bất cập hiện nay trong đào tạo nguồn nhân lực y tế. Theo ông Cường, người học 6 năm ra nhưng lương chỉ tương đương với người học cử nhân 4 năm là vô lý. Chế độ sẽ được thay đổi, để có chính sách người học 6 năm hưởng lương tương đương thạc sĩ.

Bộ Y tế cũng sẽ đưa ra hai hệ thống năng lực: nghiên cứu và chuyên khoa. Người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ chỉ nghiên cứu, giảng dạy, chứ không tham gia khám chữa bệnh. Theo quy định mới, Bộ Y tế cũng sẽ xây dựng chuẩn năng lực nghề nghiệp cho nhóm ngành sức khỏe.

“Việc thi chứng chỉ hành nghề rất quan trọng. Bằng lái xe còn phải thi, trong khi khám chữa bệnh lại không đánh giá năng lực là điều rất đáng quan ngại"  - ông Cường nói thêm.

"Ở các nước, người ta có bộ phận đánh giá năng lực độc lập, thường là hội đồng y khoa của nhà nước, không liên quan đến các trường. Ứng viên phải qua bài kiểm tra của hội đồng này mới được hành nghề y. Sắp tới chúng ta cũng sẽ làm như thế”.

Thừa 100.000 điều dưỡng trung cấp

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện Việt Nam có khoảng 100.000 điều dưỡng các cấp. Thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ Nội vụ năm 2015 quy định từ ngày 1-1-2021, khu vực y tế công sẽ không tuyển dụng người có trình độ trung cấp các ngành điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y và dược.

Theo ông Nguyễn Minh Lợi, với quy mô đào tạo như hiện nay, tới thời điểm 2021 cả nước sẽ dư 100.000 điều dưỡng bậc trung cấp.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp