15/11/2017 14:00 GMT+7

Đào tạo tiến sĩ và sự lơ lửng của lòng tin

TS HOÀNG NGỌC VINH
TS HOÀNG NGỌC VINH

TTO - Dư luận lại ồn ào phản ứng dự thảo đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ, bởi lòng tin không bao giờ từ trên trời rơi xuống. Đó là thách thức đối với ngành giáo dục.

Đào tạo tiến sĩ và sự lơ lửng của lòng tin - Ảnh 1.

Mấy hôm nay, dư luận lại rất ồn ào phản ứng về dự thảo đề án Nâng cao chất lượng giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục ĐH giai đoạn 2018 - 2020, vốn có một phần nối tiếp của đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010 - 2020 (còn gọi là đề án 911).

Và dư luận đã không tin tưởng vào sự khả thi với mục tiêu và các giải pháp mà dự thảo đưa ra. Vì sao?

Về mặt chất lượng, dù đã có quá nhiều "cố gắng" của ngành giáo dục trong việc siết chặt bằng quy chế đào tạo tiến sĩ và các cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý, nhưng dư luận tỏ ra chán chường về chất lượng đào tạo tiến sĩ hiện nay ở khá nhiều cơ sở đào tạo trong nước. 

Dĩ nhiên Bộ GD-ĐT là cơ quan hứng búa rìu dư luận trước hết.

Có những người còn mang so sánh tiêu cực kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam với những "sáng chế" máy móc của những nông dân văn hóa mới chỉ hết THCS, càng làm cho xã hội thêm hoang mang về chất lượng thực của các tiến sĩ ở ta. 

So sánh là do họ chưa kịp hiểu thấu đáo những thách thức của việc đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cũng như vai trò, nhiệm vụ và trách nhiệm của nhân lực có trình độ tiến sĩ trong bối cảnh toàn cầu hóa, cạnh tranh kinh tế, tiến bộ khoa học - công nghệ diễn ra quá nhanh chóng. 

Nếu trình độ giảng viên hạn chế thì rất khó khăn cho việc đào tạo nhân lực có chất lượng luôn đáp ứng với sự tiến bộ khoa học công nghệ và thị trường lao động.

Bên cạnh đó, thách thức lớn nhất mà ngành giáo dục đối mặt với chất lượng tiến sĩ là phẩm chất và năng lực đội ngũ GS, PGS những người dẫn dắt các nghiên cứu sinh bước vào con đường nghiên cứu khoa học, đi kèm với đó là cơ chế chính sách về nguồn lực tài chính cũng như điều kiện trang thiết bị thí nghiệm còn nhiều bất cập, tài chính eo hẹp khiến cho chất lượng và số lượng giảng viên trẻ tham gia hạn chế. 

Với mức tài chính Nhà nước hỗ trợ cho cơ sở đào tạo 10 - 16 triệu đồng/năm, trong vòng 3 năm là 30 - 48 triệu đồng thì không thể có chất lượng thực được. 

Bên cạnh đó, động lực để làm nghiên cứu sinh trong nước ở một bộ phận lớn giảng viên trẻ còn thấp, ham muốn nghiên cứu khoa học cũng như điều kiện năng lực, tài chính để tham gia nghiên cứu rất hạn chế, khiến thách thức đào tạo tiến sĩ trong các trường ĐH gặp trở ngại rất lớn.

Đó là chưa kể đến những "tiêu cực" bất đắc dĩ tính bằng tiền của các nghiên cứu sinh để thoát được các thủ tục và điều kiện của quy trình có thể bảo vệ thành công được.

Chưa ai có công bố thực một nghiên cứu sinh phải bỏ ra khoảng bao nhiêu tiền cá nhân để hoàn thành một luận án tiến sĩ, nhưng chắc chắn không thể dưới con số 50 triệu đồng. Với đồng lương giảng viên trẻ còn rất thấp, cuộc sống mưu sinh khiến động lực nghiên cứu giảm sút, mà nhà trường thì không hỗ trợ được nhiều.

Lòng tin vào công cuộc đổi mới của toàn xã hội đối với ngành giáo dục luôn vấp phải những thách thức, vì lòng tin không bao giờ từ trên trời rơi xuống. Lòng tin đó được hình thành, bén rễ ăn sâu vào trong lòng mỗi người phải đo bằng kết quả những công việc cụ thể triển khai các ý tưởng đổi mới của ngành giáo dục và tạo ra sự đồng thuận cần thiết nhất trong xã hội.

Lòng tin đối với công cuộc đổi mới giáo dục dường như đang treo lơ lửng. Làm gì và làm thế nào để có được lòng tin gắn vào trái tim, khối óc mỗi người đang là thách thức vô cùng lớn đối với những người làm trong ngành giáo dục hôm nay.

12.000 tỉ nâng chất giảng viên ĐH, có khả thi? Đề án 911 không đạt mục tiêu, Bộ GD-ĐT ra đề án mới? Đánh giá đề án 911 cần thỏa đáng
TS HOÀNG NGỌC VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp