Phóng to |
Trường ĐH Thăng Long thông báo tuyển sinh chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh và quản lý quốc tế với ĐH Nice (Pháp). Theo thông tin của trường, khóa học có 19 môn học, trong đó 13 môn dạy trực tiếp và 6 môn học trực tuyến do các giáo sư danh tiếng của ĐH Nice (3/4 môn học) và các giáo sư, tiến sĩ Việt Nam (1/4 môn học) đảm nhận. Học viên sẽ học toàn bộ chương trình tại Trường ĐH Thăng Long và ĐH Nice cấp bằng.
Dịch vụ... tuyển sinh thạc sĩ
Trường ĐH Thăng Long đã hoàn tất việc nhận hồ sơ từ ngày 5-5 nhưng trao đổi với Tuổi Trẻ sáng 11-5 về tính pháp lý của chương trình, ông Lê Văn Một - hiệu trưởng nhà trường - cho hay đã báo cáo Bộ Giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) về chương trình này. Như vậy trường vẫn chưa nhận được quyết định cho phép? Ông Một cho biết sẽ hỏi lại cán bộ phụ trách bên Bộ GD-ĐT!
Trong khi đó, tuy chỉ được cấp phép liên kết đào tạo bậc cao đẳng với Học viện Chisholm (Úc) nhưng Trường ĐH Điện lực lại xé rào liên kết tuyển sinh theo hình thức 1+3 với nhiều trường ĐH của Trung Quốc như ĐH Điện lực Thượng Hải, ĐH Khoa học kỹ thuật điện tử Quế Lâm và ĐH Bách khoa Quế Lâm. Không chỉ tuyển sinh bậc ĐH, liên thông từ trung cấp - cao đẳng lên ĐH, chương trình này còn tuyển sinh đào tạo cả thạc sĩ. Đáng nói hơn, Trường ĐH Điện lực còn tuyển sinh ở văn phòng tại TP.HCM của trường và Trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật Hồng Lam (Nghệ An). Ông Đàm Xuân Hiệp - hiệu trưởng Trường ĐH Điện lực - nói trường chỉ làm dịch vụ cho các trường ĐH Trung Quốc. Trường tuyển sinh giùm họ, đào tạo tiếng Hoa một năm tại trường, sau đó sinh viên sẽ chuyển qua Trung Quốc học. Cũng với cách lý giải này, ông Hiệp cho rằng việc liên kết tuyển sinh thạc sĩ tại Trường cao đẳng Cộng đồng Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2011 cũng chỉ là làm dịch vụ cho Trường ĐH Hồng Bàng!
Thực hiện tại cơ sở đào tạo Theo điều 24 quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ do Bộ GD-ĐT ban hành năm 2011, đào tạo trình độ thạc sĩ được thực hiện tại cơ sở đào tạo, nơi đã được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ hoặc cho phép đào tạo. Trường hợp cơ sở đào tạo có phân hiệu, việc tổ chức đào tạo tại phân hiệu cũng phải được Bộ GD-ĐT cho phép. Trong trường hợp cần thiết, bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định việc tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ ở ngoài cơ sở đào tạo đã được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ hoặc cho phép đào tạo. |
Đối với chương trình đào tạo thạc sĩ trong nước, rất nhiều trường cũng liên kết tuyển sinh khi chưa được phép của Bộ GD-ĐT. Thậm chí có trường chưa được giao nhiệm vụ đào tạo sau ĐH hoặc mới được nâng cấp lên ĐH cũng rầm rộ liên kết với nhiều đơn vị khác đào tạo thạc sĩ.
Có chương trình sau khi học viên ôn và thi chuyển đổi, đến gần ngày thi bị Bộ GD-ĐT tuýt còi phải dừng chương trình khiến học viên điêu đứng, mất cả tiền bạc lẫn thời gian.
Năm 2010, Học viện Hàng không thông báo tuyển sinh thạc sĩ - chương trình liên kết với Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội. Hơn 30 học viên đã nộp hồ sơ, nộp tiền ôn và thi chuyển đổi. Thế nhưng gần ngày thi, Bộ GD-ĐT có công văn yêu cầu dừng chương trình, chuyển địa điểm thi từ Học viện Hàng không về Trường ĐH Nông lâm TP.HCM. Học viên trúng tuyển sẽ phải ra Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội học. Rất nhiều học viên không thể tham gia kỳ thi vì không thể ra Hà Nội học tập.
Trong khi đó các Trường ĐH Thủ Dầu Một, Đồng Nai, Tài chính Marketing cũng có nhiều chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ. Và lý do mà các trường này đưa ra đó là chỉ phối hợp tuyển sinh chứ không liên kết, đào tạo nhân lực cho địa phương hoặc chỉ bồi dưỡng sau ĐH.
Cầm đèn chạy trước ôtô
Trong khi chưa có quyết định cho phép của Bộ GD-ĐT về đào tạo thạc sĩ ngoài trường, nhiều trường vẫn thông báo ôn thi và tuyển sinh. Các trường “cầm đèn chạy trước ôtô” với lý do: làm để học hỏi kinh nghiệm, khi được giao đào tạo thạc sĩ làm cho tốt!
Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị (ĐHQG Hà Nội) thông báo tuyển sinh đào tạo thạc sĩ nhiều ngành khác nhau tại Trường ĐH Thủ Dầu Một. Thông báo nêu rõ nếu có từ 15 học viên trở lên, lớp đào tạo sẽ được mở tại Trường ĐH Thủ Dầu Một, dưới 15 học viên sẽ học tại trung tâm ở Hà Nội.
Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ Dầu Một Nguyễn Văn Hiệp cho biết đây không phải là liên kết mà là trường được ủy quyền chiêu sinh. Nếu số lượng đông, trường sẽ tham gia đào tạo một số chuyên đề. Trường làm để học hỏi, rút kinh nghiệm để khi được giao đào tạo sau ĐH làm cho tốt.
Cũng với cách lý giải này, ông Dương Cao Thái Nguyên - giám đốc Học viện Hàng không - cho biết pháp lý chương trình do Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội làm, trường không biết và chỉ tuyển sinh hộ. Năm nay trường làm đề án đào tạo sau ĐH trình Bộ GD-ĐT nên cũng muốn hợp tác với trường khác xem họ làm thế nào để rút kinh nghiệm.
Ngày 14-7-2011, Trường ĐH Tài chính marketing được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ đào tạo sau ĐH chuyên ngành tài chính - ngân hàng, nhưng trước đó từ tháng 1-2011 trường này đã tuyển sinh và đào tạo bồi dưỡng sau ĐH chuyên ngành này tại Quảng Trị. Hiện có các lớp bồi dưỡng sau ĐH tại Quảng Trị và Nha Trang. Các lớp này học trong 18 tháng với 14 môn học. Theo các cán bộ quản lý, thực chất đây là hình thức cho nợ đầu vào cao học. Khi học viên hoàn thành và thi đậu đầu vào cao học nghiễm nhiên sẽ được cấp bằng thạc sĩ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian và số lượng các môn học lớp bồi dưỡng sau ĐH cũng tương đương chương trình đào tạo thạc sĩ của trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận