16/04/2024 10:16 GMT+7

Đào tạo giáo viên: ưu đãi nhiều nhưng tuyển sinh ít

Theo Bộ GD-ĐT, năm học 2023 - 2024 cả nước thiếu 118.235 giáo viên các cấp. Đáng chú ý là so với năm học trước, số giáo viên thiếu tăng thêm 11.308 người.

Thiếu giáo viên nghiêm trọng nhưng nhiều địa phương không mặn mà đặt hàng đào tạo giáo viên. Trong ảnh: sinh viên khoa giáo dục đặc biệt Trường đại học Sư phạm TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Thiếu giáo viên nghiêm trọng nhưng nhiều địa phương không mặn mà đặt hàng đào tạo giáo viên. Trong ảnh: sinh viên khoa giáo dục đặc biệt Trường đại học Sư phạm TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trong khi đó, quy mô đào tạo khối ngành sư phạm, chỉ tiêu tuyển mới không những không tăng mà còn giảm. Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng nghị định 116 về đặt hàng đào tạo giáo viên có "quá nhiều điểm nghẽn".

Nhiều tỉnh kêu thiếu giáo viên nhưng dường như không quan tâm đến việc đặt hàng đào tạo cho lắm.

Đại diện Trường đại học Sài Gòn

Quy mô đào tạo giảm

Cụ thể, năm 2022 - 2023 quy mô đào tạo khối ngành sư phạm là 89.321 sinh viên. Hai năm trước đó, quy mô đào tạo khối ngành này đều trên 150.000 sinh viên. Như vậy, quy mô năm 2022 - 2023 giảm hơn 62.000 sinh viên so với năm trước đó.

Không chỉ quy mô, chỉ tiêu tuyển mới và số thí sinh nhập học đều có xu hướng giảm. Trong đó, chỉ tiêu tuyển ngành sư phạm năm 2022 là 48.545, nhập học 38.915. Tỉ lệ nhập học đạt 80,16%. Qua năm 2023, tỉ lệ nhập học ngành sư phạm tăng lên 89,14% nhưng do chỉ tiêu giảm mạnh nên số thí sinh nhập học thực tế thấp hơn năm 2022. Cụ thể chỉ tiêu năm 2023 giảm hơn 12.000 so với năm trước, số thí sinh nhập học 32.500.

Việc chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm năm 2023 giảm so với năm trước do chỉ tiêu Bộ GD-ĐT giao cho các trường có đào tạo sư phạm giảm. Ở phía Nam, các trường đại học Sư phạm TP.HCM, Sài Gòn, An Giang bị cắt giảm chỉ tiêu tuy không quá nhiều.

Trong khi đó, nhiều trường đại học khu vực phía Bắc như Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường đại học Thủ Đô Hà Nội, Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội)... bị cắt giảm mạnh. Có trường được giao chỉ tiêu bằng 50% so với đăng ký của trường.

Tại Trường tiểu học Y Jut (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk), tình trạng học sinh phải ghép lớp khiến việc dạy và học khó khăn, kém hiệu quả trong nhiều năm - Ảnh: TRUNG TÂN

Tại Trường tiểu học Y Jut (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk), tình trạng học sinh phải ghép lớp khiến việc dạy và học khó khăn, kém hiệu quả trong nhiều năm - Ảnh: TRUNG TÂN

Nghị định 116 không như kỳ vọng

Nghị định 116 năm 2020 của Chính phủ về hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm tốt hơn so với trước đây nhưng kết quả tuyển sinh vẫn chưa như kỳ vọng. 

Đánh giá tổng kết tuyển sinh khối ngành sư phạm năm 2023, Bộ GD-ĐT cho rằng dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng tuyển sinh sư phạm vẫn còn nhiều khó khăn.

Trong đó có một số khó khăn chủ yếu như các địa phương không đặt hàng đào tạo, xử lý kinh phí đào tạo còn vướng, nhiều ngành khó tuyển.

Một vấn đề quan trọng khác của nghị định 116 là không phải sinh viên sư phạm nào cũng đăng ký hưởng chính sách. Một sinh viên Trường đại học Sài Gòn cho biết mặc dù học sư phạm nhưng không đăng ký hưởng hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí hằng tháng.

Theo sinh viên này, bản thân muốn tự do tìm việc, làm việc ở nơi mình mong muốn nhất chứ không muốn theo sự sắp xếp của địa phương. Đây không phải là trường hợp cá biệt.

Thông tin từ Trường đại học Sài Gòn cho thấy năm 2023 có khoảng 30% sinh viên sư phạm không đăng ký hưởng chính sách. Con số này ở năm 2022 lên đến hơn 50%.

Nguyễn Bùi Thiên Kim, sinh viên năm 3 ngành sư phạm tiếng Anh Trường đại học Sài Gòn, cho biết có đăng ký hưởng chính sách trong khi không ít bạn bè ở tỉnh muốn ở lại làm việc tại TP.HCM vì cơ hội việc làm, môi trường làm việc, thu nhập. Do đó họ không đăng ký hưởng chính sách của nghị định 116.

Thống kê năm 2023 của Bộ GD-ĐT cho thấy tỉ lệ sinh viên được địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ chỉ chiếm 17,4% so với số sinh viên nhập học và chiếm 24,3% so với tổng số sinh viên sư phạm đăng ký hưởng chính sách.

Chỉ có 23/63 tỉnh, thành phố thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu. Các địa phương lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... có lợi thế về điều kiện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nên không thực hiện và chi trả kinh phí đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu đào tạo giáo viên vẫn có đội ngũ giáo viên xin về làm việc gây mất công bằng giữa các địa phương với nhau.

Trong khi đó, nhiều địa phương khó khăn không đủ kinh phí để triển khai thực hiện đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu đào tạo giáo viên.

Giáo viên tiểu học ở quận Ô Môn (TP Cần Thơ) trong giờ lên lớp - Ảnh: THÁI LŨY

Giáo viên tiểu học ở quận Ô Môn (TP Cần Thơ) trong giờ lên lớp - Ảnh: THÁI LŨY

Nhiều tỉnh chưa mặn mà đặt hàng

Ở khía cạnh trường đại học, ông Lê Phan Quốc, phó trưởng phòng đào tạo Trường đại học Sư phạm TP.HCM, cho biết năm 2023 chỉ có một vài địa phương thực hiện đặt hàng đào tạo với trường nhưng chỉ tiêu không nhiều. Hầu hết chỉ tiêu của trường được giao theo nhu cầu xã hội. Trong đó, một số ngành cũng bị cắt giảm chỉ tiêu.

"Nhiều sở GD-ĐT than thiếu giáo viên. Họ cũng báo cáo điều này cho tỉnh và đề nghị đặt hàng đào tạo nhưng tỉnh chưa thực hiện. Có lẽ trở ngại lớn là kinh phí", ông Quốc cho biết.

Tương tự, đại diện Trường đại học Sài Gòn cho hay năm 2023 chỉ có Long An thực hiện đặt hàng, chi trả kinh phí đào tạo với trường nhưng số lượng không nhiều. Phần lớn chỉ tiêu của trường được UBND TP.HCM giao nhiệm vụ và chỉ tiêu giao theo nhu cầu xã hội.

Trong khi đó, Trường đại học Tây Nguyên là cơ sở đào tạo lớn của vùng. Tuy nhiên xét về đặt hàng đào tạo sư phạm, trường không nhận được đặt hàng từ tỉnh nào.

Ông Nguyễn Văn Nam, phó hiệu trưởng Trường đại học Tây Nguyên, cho biết chỉ tiêu của trường được giao theo nhu cầu xã hội. Khi làm việc với các địa phương trong khu vực, các tỉnh có đưa ra nhu cầu giáo viên nhưng đặt hàng thì không hoặc rất ít.

Lý giải về việc chưa đặt hàng, một cán bộ Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh cho rằng vấn đề không phải nằm ở kinh phí mà là thủ tục pháp lý để đặt hàng. Vị này cho biết tỉnh thiếu khoảng 1.300 giáo viên các cấp. Trước mắt, tỉnh đang làm thủ tục giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên mầm non cho Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh. Giáo viên các bậc học còn lại sẽ làm thủ tục để thực hiện đặt hàng trong thời gian tới.

Trong khi đó, đại diện một sở GD-ĐT cho biết việc tính toán, dự báo nhu cầu giáo viên đôi khi còn khó khăn. Chẳng hạn không thể tính cơ học số người tới tuổi nghỉ hưu và số lượng cần tuyển mới. Trong quá trình này còn có người nghỉ việc, chuyển việc, quy mô trường lớp, số lượng học sinh tăng giảm theo quy mô dân số khu vực.

Nguồn: Bộ GD-ĐT - Đồ họa: T.ĐẠT

Nguồn: Bộ GD-ĐT - Đồ họa: T.ĐẠT

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng (nguyên hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM):

Cần xem lại nghị định 116

Đối với việc đặt hàng đào tạo, tôi thấy có mấy lý do khiến việc này chưa hiệu quả. Lãnh đạo sở đặt hàng đào tạo trong vài ba năm. Về hưu rồi không nói làm gì, nếu còn tại vị, chẳng may nhu cầu thay đổi và không bố trí được nơi làm việc cho những giáo viên đặt hàng họ sẽ phải chịu trách nhiệm.

Các thành phố lớn là nơi thu hút nguồn lao động chất lượng cao, trong đó có giáo viên. Thế nên họ chẳng việc gì phải đặt hàng. Do đó tôi cho rằng cần phải xem xét lại nghị định 116 về vấn đề đặt hàng đào tạo.

Đại biểu NGUYỄN THỊ VIỆT NGA (ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục):

Nhiều điểm nghẽn

Đại biểu NGUYỄN THỊ VIỆT NGA

Đại biểu NGUYỄN THỊ VIỆT NGA

Một trong những giải pháp cho thiếu giáo viên chính là thực hiện nghị định 116/2020 của Chính phủ.

Tuy nhiên, khi nghị định ra đời sau 2-3 năm rất ít địa phương triển khai theo nhiệm vụ đặt hàng hoặc đấu thầu với các trường đào tạo ngành sư phạm. Việc này do có quá nhiều điểm nghẽn.

Đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT đã sửa đổi một số quy định liên quan để nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thực tế để các địa phương đặt hàng đào tạo giáo viên.

Song qua giám sát cho thấy số địa phương làm được vẫn chưa nhiều mà chỉ các địa phương nào có sẵn trường đào tạo mới thực hiện được.

Một số địa phương cũng băn khoăn nếu đặt hàng đào tạo, để có được một giáo viên sẽ phải chi trả số tiền khá lớn. Tuy nhiên, có trường hợp giáo viên do tỉnh này đặt hàng đào tạo, sau khi ra trường vẫn tham gia giảng dạy trong ngành giáo dục nhưng lại sang tỉnh khác phục vụ vì cơ chế, chính sách thu hút tốt hơn.

Khi đó, giáo viên này không phải bồi hoàn kinh phí nhưng kinh phí đó lại do tỉnh đặt hàng chi trả, chứ không phải tỉnh làm việc. Điều này dẫn tới các địa phương băn khoăn.

Cùng với đó, dù sinh viên được đào tạo theo hình thức đặt hàng nhưng khi tốt nghiệp muốn được phục vụ trong ngành giáo dục vẫn phải vượt qua kỳ thi tuyển viên chức. Như vậy, nếu sinh viên không trúng tuyển trong kỳ thi viên chức có phải bồi hoàn chi phí hay không?

Chưa kể nhiều địa phương thiếu giáo viên, mong muốn được đặt hàng đào tạo sư phạm nhưng chưa bố trí được kinh phí hoặc nhiều địa phương đang không có nhu cầu đặt hàng đào tạo giáo viên...

Đại biểu TRẦN VĂN THỨC (giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa):

Cần các giải pháp trước mắt, lâu dài, căn cơ

Đại biểu TRẦN VĂN THỨC

Đại biểu TRẦN VĂN THỨC

Thừa - thiếu giáo viên vẫn là thường trực của ngành giáo dục. Bởi các môn học mới, môn học tự chọn nhiều dẫn đến phải phù hợp với lựa chọn của giáo viên.

Chưa kể việc tăng dân số cơ học, tăng - giảm học sinh nên thừa - thiếu là thường nhật. Cùng với đó, nghị định 116 của Chính phủ hiện nay còn một số bất cập cần phải sửa.

Cụ thể, nguồn lực Nhà nước hiện lại tập trung cho một số trường ở trung ương như đại học Sư phạm Hà Nội 1, 2, đại học Sư phạm TP.HCM, Huế, Đà Nẵng, Vinh...

Nhưng những nơi thiếu lại ở vùng sâu vùng xa, không có các trường trung ương đóng. Khi đó, kinh phí lại chỉ dành cho các trường trung ương là không đúng mà phải phân bổ về cho các nơi thiếu nhiều giáo viên mà không có trường đại học sư phạm để đặt hàng ở các trường phù hợp. Khi đó nguồn tuyển mới lâu bền, đúng đối tượng.

Thêm vào đó, nếu không cấp kinh phí cho các địa phương, trong khi họ lại đang cần ngân sách trung ương hỗ trợ, thì lấy đâu ra đặt hàng theo nghị định 116.

Từ đó dẫn tới càng thiếu. Rõ ràng, chất lượng đầu vào của sinh viên sư phạm tốt lên, nhiều cơ chế chính sách hơn nhưng hiện các tỉnh đang thiếu nguồn tuyển vẫn đứng trước tình trạng thiếu nguồn tuyển do bất cập thực hiện nghị định 116.

Với Thanh Hóa do là tỉnh thiếu nhiều nên sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp trước mắt, lâu dài và căn cơ. Trong đó, rà soát, báo cáo với Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ để bổ sung biên chế, làm sao để việc thiếu của tỉnh đảm bảo tiệm cận mặt bằng chung so với cả nước.

Bộ GD-ĐT: Chỉ đạo và đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc

Trong các năm qua, Bộ GD-ĐT đã có những đề xuất, tham mưu để ban hành các văn bản pháp lý tháo gỡ vướng mắc để giải quyết bài toán giáo viên.

Cụ thể, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ ban hành nghị quyết số 102/2020 về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế. Trong đó, cho phép các cơ sở giáo dục được ký hợp đồng lao động (dưới 12 tháng).

Với quy định này, các địa phương có thể kịp thời thay số giáo viên nghỉ thai sản, nghỉ hưu theo chế độ và bố trí giáo viên dạy buổi thứ hai trong ngày (đối với cơ sở giáo dục dạy hai buổi/ngày).

Thông tư số 24/2020/TT-BGDĐT cũng quy định việc sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo. Từng trao đổi về việc này, ông Nguyễn Kim Sơn, bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: Theo Luật Giáo dục 2019, có một lượng lớn giáo viên có bằng cao đẳng theo chuẩn cũ, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn mới.

Lộ trình từ nay đến năm 2030 phải hoàn tất việc bồi dưỡng, nâng chuẩn cho đội ngũ giáo viên này. Bộ GD-ĐT đã đề xuất được tạm tuyển đội ngũ giáo viên theo chuẩn cũ, đồng thời đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên hiện thời.

Bộ GD-ĐT đã tham mưu để Chính phủ ban hành nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 25-9-2020 về hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt, tạo ra sự thu hút đối với thí sinh vào học các ngành đào tạo giáo viên và để các địa phương đặt hàng đào tạo, bảo đảm đủ nguồn tuyển dụng theo nhu cầu thực tế của từng địa phương.

Việc thực hiện nghị định mang lại kết quả trong việc thu hút người học sư phạm. Tuy nhiên cũng bộc lộ những bất cập dẫn tới việc thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên giữa các địa phương với cơ sở đào tạo gặp khó khăn.

Bộ GD-ĐT đang trong quá trình xin ý kiến về dự thảo văn bản sửa đổi nghị định 116 về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Lý do đề nghị sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo hướng dẫn chi tiết quy định tại Luật Giáo dục 2019, thực thi thống nhất chính sách, thực hiện hỗ trợ kịp thời cho sinh viên sư phạm.

Dự thảo đang được trưng cầu ý kiến, với việc điều chỉnh một số quy định nhằm tạo thuận lợi cho việc thực hiện các phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ trong đào tạo giáo viên, quy định rõ trách nhiệm đảm bảo kinh phí chi trả chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm theo phân cấp ngân sách.

Địa phương gặp khó

Theo Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, tình trạng thiếu giáo viên vẫn còn xảy ra vào đầu năm học mới, đặc biệt ở các huyện vùng sâu vùng xa.

Ông Trần Thanh Bình, giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, cho biết trước mắt Cần Thơ sẽ hợp đồng với giáo viên để đảm bảo cho đội ngũ giáo viên đủ trong định biên, biên chế, đảm bảo yêu cầu dạy và học. Bên cạnh đó, sở chỉ đạo các đơn vị hợp đồng với đội ngũ giáo viên thỉnh giảng, nhất là các bộ môn mới.

Tiến sĩ Huỳnh Anh Huy, trưởng khoa sư phạm Trường đại học Cần Thơ, chia sẻ có nghịch lý là mặc dù nghị định 116 có cơ chế ràng buộc sinh viên sau khi ra trường phải làm việc với thời gian gấp hai lần so với thời gian học. Trong hai năm sau tốt nghiệp, các em không làm trong ngành sư phạm sẽ bồi thường kinh phí đào tạo.

Tuy nhiên, nghị định này cũng quy định các em có thể làm việc ở bất cứ trường học nào ở khu vực công và tư. Vì vậy đã có tình trạng các địa phương "đặt hàng" gặp khó vì nhiều sinh viên ra trường không trở về làm việc.

Cả nước thiếu giáo viên nhưng người học sư phạm ngày càng giảmCả nước thiếu giáo viên nhưng người học sư phạm ngày càng giảm

Năm học 2023-2024 cả nước thiếu hơn 100.000 giáo viên các cấp. Thế nhưng quy mô đào tạo sư phạm năm 2022-2023 giảm hơn 60.000 sinh viên so với năm trước đó.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp