Lệ Trinh (tốt nghiệp Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM) đoạt HCV cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên kịch hát dân tộc toàn quốc 2017 - Ảnh: LINH ĐOAN
Hội thảo do khoa kịch hát dân tộc Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM tổ chức với chủ đề khá rộng.
Dù vậy, các đại biểu tập trung bàn về đào tạo diễn viên, bởi có lẽ diễn viên gánh trọng trách chuyển tải hồn cốt của vở diễn, của nghệ thuật cải lương - đang rất chật vật để tồn tại và phát triển.
Phải chủ động hơn trong tuyển sinh
Nhiều năm gần đây, tình hình tuyển sinh tại khoa kịch hát dân tộc Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM rất khó khăn. Đầu vào rất ít so với chỉ tiêu. Vậy nên đôi khi phải có tình trạng "vớt" sinh viên từ các khoa khác sang.
"Sân khấu cải lương càng khó khăn thì chúng ta càng chú ý đầu vào hơn. Trong tình hình hiện nay, cứ ngồi tại trường để tuyển sinh là không có.
Tại sao chúng ta không đi xuống cơ sở, đi về vùng sâu vùng xa tìm những tài năng có giọng ca hay. Nếu tìm vẫn chưa đủ nguồn đáp ứng yêu cầu thì mở thêm các lớp tập huấn" - đạo diễn Ca Lê Hồng, nguyên hiệu trưởng Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM, đưa ra một giải pháp.
Đồng tình với ý kiến của đạo diễn Ca Lê Hồng, nhà báo Thanh Hiệp cũng đặt vấn đề liên kết với những cuộc thi đã tạo được uy tín như Chuông vàng vọng cổ, Bông lúa vàng: "Các thí sinh tham gia vào đến vòng bán kết hầu hết đều có giọng ca tốt. Trường có thể đến mời họ về học tại trường với những ưu đãi riêng như giảm, miễn học phí".
Một gợi ý khác nữa như theo thầy Lê Xuân Hiểu là "có thể liên kết với các đoàn hát ở tỉnh, nhờ họ tìm giúp nguồn".
Diễn viên cải lương có cần học hệ đại học?
Trong tương lai, chuyên ngành đào tạo diễn viên cải lương của khoa kịch hát dân tộc Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM sẽ hướng tới nâng cấp lên hệ đại học.
Nhiều người ủng hộ điều này. Ông Đinh Minh Mẫn - nguyên trưởng Đoàn văn công Đồng Tháp - kể câu chuyện: "Tôi ủng hộ diễn viên có điều kiện cứ học bổ sung thêm. Được học các em sẽ mở mang đầu óc, biết cách cảm, phân tích nhân vật, từ đó vai diễn của các em sẽ sâu sắc hơn".
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng không nên quá vội vàng. Mục đích đào tạo diễn viên hệ đại học phải thực chất, được trang bị đủ kiến thức để làm nghề cho tốt chứ không chỉ lấy bằng cấp bổ sung vào việc xét lương, bổ nhiệm...
NSND Trần Minh Ngọc, nguyên hiệu trưởng Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM, thận trọng: "Tôi chưa tán thành vội vàng việc đào tạo diễn viên theo hệ đại học. Tôi cho rằng cái quan trọng trong đào tạo diễn viên là những người thực hành, phải thực hành tốt trước đã".
Trong khi đó, thầy Lê Xuân Hiểu cho rằng muốn nâng cấp hệ đào tạo cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng từ đội ngũ giáo viên cho đến giáo trình giảng dạy, phải nghiên cứu một cách thấu đáo để chắt lọc những tinh hoa nghề từ các thế hệ trước.
Đào tạo cải lương phải có sự kết hợp hiệu quả giữa truyền nghề và phương pháp sư phạm khoa học, nhưng có một nghịch lý là nhiều người rất giỏi nghề lại vướng chuyện bằng cấp nên không thể mời về trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận